• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nếu giữ nguyên hiện trạng, Sơn Trà sẽ trở thành đảo hoang”

Du lịch 30/05/2017 16:09

 (Tổ Quốc)-Đây là ý kiến của một số đại biểu tại buổi Tọa đàm “Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà” diễn ra sáng nay 30/5.

Ngày 30/5, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã phối hợp với UBND TP Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà” nhằm lắng nghe những ý kiến góp ý của các cơ quan ban ngành, các tổ chức, cá nhân và các đơn vị về vấn đề phát triển du lịch tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà.

Đến dự tọa đàm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, đại diện Văn phòng Chính phủ, Bộ Công An, Bộ Tài Nguyên Môi trường, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, môi trường…

Phát biểu tại Tọa đàm, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, vấn đề phát triển du lịch tại Khu du lịch quốc gia Sơn Trà được đề ra tại Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 16/10/2003 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ Công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt đã xác định bán đảo Sơn Trà là một trong 47 địa điểm tiềm năng phát triển thành khu du lịch quốc gia. Theo đúng quy định của pháp luật, Bộ VHTTDL đã triển khai lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển các khu du lịch quốc gia trong đó có khu du lịch quốc gia Sơn Trà theo đúng trình tự, thủ tục, thẩm quyền.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái phát biểu tại buổi tọa đàm

Thứ trưởng khẳng định, quy hoạch này nhằm quản lý, kiểm soát tốt hơn hoạt động đầu tư phát triển du lịch tại bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên, sau khi công bố quy hoạch nêu trên, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng và một số tổ chức có liên quan có kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét lại Quy hoạch với những quan ngại quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia sẽ ảnh hưởng đến việc bảo tồn, đa dạng sinh học và an ninh quốc phòng tại khu vực này.

Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái khẳng định, hầu hết các kiến nghị liên quan đến những vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học, về mô hình và cơ chế tổ chức hoạt động du lịch, về triển khai các dự án hiện có, về chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng, vấn đề hợp nhất Sơn Trà và vùng biển xung quanh để hình thành khu dự trữ sinh quyển thế giới sẽ được nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

“Tuy nhiên, riêng kiến nghị về việc giữ nguyên hiện trạng, không xây mới cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà có nhiều quan điểm khác nhau cần phải xem xét thấu đáo. Nếu thực hiện theo ý kiến này, việc xử lý đối với các dự án đã được chấp thuận đầu tư tại Sơn Trà như thế nào? Phải chăng buộc phá dỡ toàn bộ các công trình đang xây dựng dở dang và hủy bỏ tất cả các dự án được phê duyệt nhưng chưa triển khai? Vậy giải pháp thỏa đáng nên là thế nào?” – Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái bày tỏ.

Thứ trưởng khẳng định, tọa đàm nhằm cùng trao đổi, xem xét một cách khoa học, khách quan, thấu đáo về kiến nghị nêu trên, đặc biệt là vấn đề giải quyết mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển du lịch tại Sơn Trà.

Tọa đàm do Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng tổ chức

“Nếu giữ nguyên, bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành đảo hoang”

Tại Tọa đàm, ông Hoàng Đạo Bảo Cầm, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam đã trình bày, giới thiệu một số nội dung chính của Quy hoạch Tổng thể phát triển Khu Du lịch quốc gia Sơn Trà. Tọa đàm cũng đã lắng nghe ông Huỳnh Tấn Vinh –Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trình bày những kiến nghị và những đề xuất để phát triển khu du lịch Sơn Trà để đảm bảo cân bằng giữa phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.

Góp ý tại tọa đàm, ông Phan Văn Chương – Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hiệp hội khoa học Đà Nẵng nhận định, nếu giữ nguyên bán đảo Sơn Trà để bảo tồn sinh thái, thì bán đảo Sơn Trà sẽ trở thành đảo hoang. Ông Chương khẳng định, cần có cách ứng xử phù hợp với Sơn Trà để đảm bảo vừa bảo tồn vừa thúc đẩy sự phát triển tại khu vực này, còn tác động như thế nào, khu vực nào có thể phát triển, khu vực nào cần bảo vệ thì cần phải xem xét kỹ. Ngoài ra, ông Chương cũng đề xuất không nên sử dụng tên Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà, mà nên đổi thành Quy hoạch phát triển du lịch và bảo tồn sinh thái tại Sơn Trà, để đảm bảo tính toán hài hòa cân đối giữa bảo tồn và  phát triển.

Ông Huỳnh Tấn Vinh –Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng trình bày tại Tọa đàm

Về số lượng cơ sở buồng phòng, cơ sở lưu trú, ông Chương cho rằng, nên tính toán cụ thể đối với từng khu vực, bởi lẽ có những khu vực có thể tăng thêm số lượng cơ sở lưu trú so với quy hoạch cũng không ảnh hưởng đến môi trường.

KTS.Nguyễn Tấn Vạn – Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam khẳng định, cảnh quan thiên nhiên tại Sơn Trà rất tuyệt vời, lại nằm cạnh một thành phố lớn, đây là điều không phải đô thị nào cũng có. Do vậy, vừa phải bảo vệ vừa sử dụng, phát triển Sơn Trà là một nguyên tắc, không thể để cảnh quan tuyệt vời đó nằm ngoài cuộc sống đô thị, cũng không thể can thiệp thô bạo. KTS Nguyễn Tấn Vạn cho rằng cần đưa Sơn Trà vào trong dòng chảy của cuộc sống, không thể cấm sử dụng, cũng không thể giữ nguyên trạng. Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Vạn cũng đề xuất, nên rà soát lại mức độ, kiến trúc, quy mô của những dự án đang đầu tư vào Sơn Trà, xem có ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường của Sơn Trà hay không. “Quan điểm là không nên cấm đầu tư, phát triển, nhưng làm thế nào để đảm bảo hài hòa bảo tồn và phát triển cần nhà quản lý tốt và những nhà đầu tư thông minh” – KTS Nguyễn Tấn Vạn cho hay.

Đừng suy nghĩ xây dựng là phá hoại cảnh quan

PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh – chuyên gia du lịch nhận định, quy hoạch tổng thể khu du lịch quốc gia Sơn Trà là quy hoạch có tính chất tổng thể, chỉ đưa ra “bộ khung”, định hướng chính đối với sự phát triển khu du lịch Sơn Trà. Để có thể đánh giá cụ thể những hoạt động du lịch đối với cảnh quan, phải đợi những quy hoạch chi tiết và cần phải đánh giá từng dự án đầu tư cụ thể.

Ngoài ra, hiện nay Sơn Trà mới được quy hoạch để trở thành khu du lịch quốc gia, để có thể thực sự trở thành khu du lịch quốc gia hay không thì cần có sự công nhận của Chính phủ và cần hội tụ 3 điều kiện, trong đó có tiêu chí phải có tài nguyên du lịch độc đáo, có ưu thế tài nguyên thiên nhiên và có khả năng thu hút khách cao. Do vậy, PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cho rằng, cần xác định rõ Sơn Trà hơn những khu du lịch khác như thế nào, đồng thời phân biệt tài nguyên du lịch với tài nguyên rừng để phát triển các điểm đến, tuyến du lịch.

Tọa đàm đã ghi nhận 15 ý kiến đóng góp cho phát triển du lịch bền vững tại khu du lịch quốc gia Sơn Trà

Khẳng định việc đầu tư cơ sở lưu trú là điều cần thiết để phát triển du lịch tại Sơn Trà, tuy nhiên, PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh lưu ý rằng, cần phải xem xét vị trí đầu tư của các cơ sở lưu trú có tác động đến môi trường hay không? Ông cũng khẳng định, nhiều trường hợp các dự án đầu tư khách sạn, tổ chức không gian du lịch sau khi hoàn thành lại trở thành những “đường viền” rất đẹp tại những vùng đất hoang hóa. “Đừng suy nghĩ xây dựng là phá hoại cảnh quan. Ở đây, tôi thấy mừng vì trong quy hoạch có một loạt các công trình phục vụ du lịch, vui chơi giải trí như câu cá, khu vui chơi giải trí, vườn hoa, rừng trồng thuốc nam… mà không có loại hình vui chơi giải trí nào có nguy cơ tác động đến môi trường, ví dụ như cáp treo…” – PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cho hay.

PGS. TS Vũ Tuấn Cảnh cũng nhận định, không nên đặt nặng vấn đề điều chỉnh quy hoạch, bởi lẽ trong quá trình triển khai thực tế, nếu thấy có tác động đến môi trường và cần điều chỉnh thì vẫn có thể trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đồng tình với ý kiến này, ông Vũ Thế Bình – Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng, nếu triển khai đúng theo quan điểm đề ra tại Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà đã là điều quá tốt. Vấn đề cần xem xét là từng dự án có triển khai nghiêm túc hay không. “Quy hoạch này là hết sức cần thiết. Chúng ta đã giảm số lượng các dự án đầu tư từ 5.000 phòng xuống còn 1.600 phòng là một quyết định dũng cảm, cần ủng hộ. Chúng ta hãy chọn những dự án không gây tổn thương đến môi trường, chứ không nên cực đoan dừng tất cả lại. Khu du lịch quốc gia không có nơi lưu trú, không có điểm tiếp đón du lịch, vui chơi giải trí thì làm sao trở thành khu du lịch quốc gia được?” – ông Bình đặt vấn đề.

Ông Bình cũng đề xuất giám sát chặt chẽ các dự án đã và đang được triển khai tại Sơn Trà, đồng thời ban hành các quy định chặt chẽ liên quan đến bảo vệ môi trường tại khu vực này và yêu cầu nhà đầu tư phải tuyệt đối tuân thủ.

Đánh giá Quy hoạch tổng thể  phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà được thực hiện khá khách quan, PGS. TS Phạm Trung Lương khẳng định, Quy hoạch mới chỉ đưa ra định hướng phát triển tổng thể, do vậy, khi chưa được triển khai trong thực tế, chúng ta không nên vội kết luận quy hoạch này sai, nhiều hay ít cơ sở lưu trú quá, bởi những đánh giá đó là quá sớm và thiếu căn cứ. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện quy hoạch, ngay cả khi mới triển khai, nếu có vấn đề cần điều chỉnh thì vẫn có thể đề xuất để điều chỉnh cho phù hợp.

Ông Lương khẳng định, Quy hoạch nêu rõ 4 phân khu chức năng của khu du lịch Sơn Trà, trong đó không gian dành cho du lịch sinh thái lớn nhất, chiếm gần hết khu du lịch này. Điều này thể hiện sự tôn trọng của các nhà lập quy hoạch đối với những giá trị đa dạng sinh học. Bên cạnh đó, ông Lương cũng khẳng định quy hoạch này đảm bảo các vấn đề về an ninh quốc phòng khi các khu chức năng đặc thù về du lịch đều được xây dựng ở độ cao dưới 150m (theo quy định về quốc phòng, chỉ cần xây dựng dưới 200m-PV)…

Đặc biệt, PGS. TS Phạm Trung Lương đề xuất thành lập Tổ tư vấn độc lập để đánh giá Quy hoạch xem có cần điều chỉnh hay không và cần điều chỉnh những vấn đề gì để đảm bảo tính khách quan, thuyết phục dư luận.

Tọa đàm đã diễn ra nghiêm túc, sôi nổi với 15 ý kiến góp ý thiết thực, bổ ích và khách quan.  Thứ trưởng Bộ VHTTDL Huỳnh Vĩnh Ái cho biết, Bộ VHTTDL sẽ ghi nhận những ý kiến này trên tinh thần cầu thị, khách quan và khoa học. Trong thời gian tới, một buổi tọa đàm tương tự sẽ được tổ chức tại Đà Nẵng để tiếp tục ghi nhận những ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tại Đà Nẵng liên quan đến vấn đề phát triển du lịch Sơn Trà. Những góp ý này là cơ sở để Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng tổng hợp, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.

Trước đó, ngày 28/5, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với Bộ VHTTDL và UBND TP Đà Nẵng liên quan tới quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia Sơn Trà. Tại buổi làm việc này, Phó Thủ tướng đề nghị trong 3 tháng tới,  chưa triển khai quy hoạch này để lắng nghe, tiếp thu các ý kiến trên tinh thần cầu thị và hoàn toàn khách quan./.

 

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ