• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga đóng vai 'cảnh sát' tại biên giới Israel-Syria

Thế giới 13/08/2018 13:28

(Tổ Quốc) - Nhờ lập trường trung lập, Nga tiến vào vị trí giám sát vùng đệm an ninh trên Cao nguyên Golan.  

 Quân cảnh Nga đã được triển khai bảo đảm vùng đệm an ninh giữa Israel và Syria tại Cao nguyên Golan. Bộ Quốc phòng Nga ngày 2/8 cho biết, từ ngày 1/8, lực lượng quân cảnh nước này đã bắt đầu tuần tra và lên kế hoạch thiết lập 8 trạm giám sát tại khu vực biên giới giữa Syria và Israel trên Cao nguyên Golan nhằm ngăn chặn mọi hoạt động khiêu khích của các bên.

 Nga giám sát hỗ trợ Liên hợp quốc

Theo Cục trưởng Cục tác chiến Bộ Tổng Tham mưu quân đội Nga Sergei Rudskoi, sự hiện diện của quân cảnh Nga nhằm hỗ trợ hoạt động của lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Cao nguyên Golan vốn bị ngừng trệ kể từ năm 2012 vì lý do an ninh.

Nhờ lui bước trong cuộc xung đột trực tiếp tại chiến trường Syria với lập trường “trung lập”, Nga đã được các bên liên quan chấp nhân đóng vai “cảnh sát” khu vực. Vai trò này có thể đã được Tổng thống Trump bật đèn xanh, nếu không nói là trực tiếp đề xuất với Tổng thống Putin trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Nga, tổ chức tại Helsinki tháng trước. Mỹ muốn rút lui sự hiện diện quân sự tại Syria để tập trung đối phó với Trung Quốc ở những khu vực khác, nhưng lại muốn giữ ổn định tình hình, đồng thời bảo đảm an ninh của Israel, không tạo khoảng trống quyền lực để Trung Quốc chen chân vào khu vực này, dù dưới chiêu bài Sáng kiến Vành đai và Cong đường (BRI). Moscow có cớ để kéo dài sự hiện diện quân sự an ninh và ngoại giao tại Trung Đông.

Như vậy, Nga đã đóng vai cảnh sát quốc tế trên một dải đất nhuốm màu máu lửa của một chiến trường chưa bao giờ chấm dứt xung đột. Tướng Rudskoi nhấn mạnh: “Kế hoạch triển khai lực lượng của Moskva chỉ là biện pháp tạm thời và các trạm giám sát sẽ được bàn giao cho quân đội chính phủ Syria khi tình hình ổn định”. Nhưng tình hình ổn định hay không lại không phụ thuộc vào Syria, mà nằm trong tay của các bên xung đột nước lớn.

Israel đang nỗ lực vận động Nga thuyết phục Iran giảm bớt lực lượng ở Syria. Một đặc phái viên Nga về vấn đề Syria ngày 1/8 cho biết các lực lượng thân Iran đã rút vũ khí hạng nặng tại Syria về vị trí cách Cao nguyên Golan 85 km. Tuy nhiên, phía Israel cho rằng việc rút lui này không thỏa đáng. 

Iran là nước được hưởng lợi chiến lược từ sự kết thúc cuộc chiến chống các lực lượng Hồi giáo cực đoan tại Syria hồi cuối năm ngoái. Với việc nhiều vùng lãnh thổ của Syria nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền Damascus, Iran có thể tiếp cận biên giới Israel – kẻ thù “không đội trời chung”.

Nhưng Iran cũng phải trả giá cao cho hành động mở rộng ảnh hưởng chiến lược của mình. Ngày 6/8, Chính quyền Donald Trump đã tái áp đặt các lệnh trừng phạt từng được dỡ bỏ theo thoả thuận hạt nhân P-5 ký kết năm 2015. Lượt cấm vận đầu tiên của Mỹ bắt đầu ngày 7/8, mục tiêu nhắm vào sự tiếp cận của Iran đối với tiền giấy và các ngành công nghiệp chủ chốt của Iran, bao gồm cả xe hơi và thảm. Đợt cấm vận thứ hai của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngày 5/11 nhằm ngăn chặn việc Iran bán dầu, được đánh giá sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn, mặc dù một số nước bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã cho biết họ không sẵn sàng cắt giảm việc mua dầu của Iran. Các nước này cho rằng, cấm vận lần này là “đơn phương” của Mỹ, không nằm trong lệnh cấm vận của Liên hợp quốc. Mỗi nước sẽ tự thân theo đuổi lợi ích quốc gia của mình.

 Quân cảnh Nga triển khai tại vùng đệm biên giới Israel-Syria để ngăn chặn xung đột Israel-Iran mở rộng.

 Trump: Ai làm ăn với Iran sẽ “không” giao thương với Mỹ

Ông Trump đã đánh đòn phủ đầu với các đối thủ và đối tác trong quan hệ của họ với Iran. Trên một Twitter gần đây, Tổng thống Mỹ gửi đi một thông điệp: “Vào tháng 11, chúng đã được đẩy mạnh tới một cấp độ khác. Bất cứ ai làm ăn với Iran sẽ “Không” được giao thương với Mỹ. Tôi chỉ cầu có “Hòa bình thế giới”, không chấp nhận điều gì khác!”

Lập trường cứng rắn chưa từng có này của Mỹ trong vấn đề Iran sẽ làm phức tạp cuộc chơi ở Trung Đông, bịt đường làm ăn của các đối tác như Ấn Độ, Cộng đồng châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như của đối thủ là Trung Quốc và phần nào là Nga. Nó có thể sẽ đội giá dầu lên 90 USD. Hiện tại vẫn có đủ thời gian để các bên liên quan xác định đối sách. 

Lập trường Iran của ông Trump được sự hậu thuẫn của John Bolton, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng, người ủng hộ một đường lối cứng rắn chống Iran, cùng với Jared Kushner, con rể kiêm cố vấn của Tổng thống Trump, người có nguồn gốc Do Thái.

Vai trò của Moscow trong xung đột Israel-Iran tại Syria là một hiện tượng mới, phản ánh những chuyển dịch địa-chính trị trong chính sách của Mỹ và Nga. Nó có thể là sự mở đầu của “tam giác chiến lược” Mỹ-Nga-Trung trong tình hình Mỹ vẫn đối địch với Nga và đối đầu với Trung Quốc./.

 

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ