• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga không để yên thất bại thảm khốc tên lửa phóng lên ISS

Thế giới 12/10/2018 16:15

(Tổ Quốc)- Nga đang xúc tiến điều tra để tìm ra nguyên nhân vụ thất bại của tàu vũ trụ Soyuz.


Nga đang mở một cuộc điều tra về nguyên nhân tên lửa phóng tàu vũ trụ Soyuz thất bại ngay sau khi được phóng lên – điều đánh dấu một bước lùi đáng kể cho ngành công nghiệp vũ trụ của Nga.

Nhà du hành vũ trụ Mỹ Nick Hague và phi hành gia người Nga Aleksey Ovchinin đã buộc phải hạ cánh khẩn cấp ở Kazakhstan sau sự cố ngày 11/10, nhưng đã được giải cứu mà không để xảy ra thương tích.

Các quan chức Nga cho biết họ đã khởi động một cuộc điều tra về sự cố đầu tiên đối với một chuyến bay có người lái trong trong lịch sử nước Nga hiện đại.

Nga không để yên thất bại thảm khốc tên lửa phóng lên ISS  - Ảnh 1.

Sự cố của tên lửa phóng tàu vũ trụ Soyuz dấy lên hồi chuông cảnh báo cho ngành công nghiệp vũ trụ Nga. (Ảnh: Tribune/Straits Times)

Ngành công nghiệp vũ trụ của Nga đã trải qua một loạt các vấn đề trong những năm gần đây, bao gồm cả việc mất một số vệ tinh và phi thuyền. Sau vụ tai nạn mới nhất này, các quan chức cho biết họ sẽ ta,j dừng các vụ phóng tàu vũ trụ có người lái.

"Hệ thống cứu hộ khẩn cấp đã hoạt động, tàu vũ trụ đã có thể hạ cánh tại Kazakhstan ... phi hành đoàn còn sống", cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos nói trong một tweet.

Theo cơ quan vũ trụ Mỹ NASA, "một thời gian ngắn sau khi phóng, có một sự bất thường với hệ thống đẩy và tiến trình phóng lên đã bị hủy bỏ, dẫn đến việc tàu vũ trụ phải hạ cánh".

Nhân viên cứu hộ đã đến được địa điểm hạ cánh khẩn cấp và thực hiện công tác cứu hộ Ovchinin và Hague.

Hình ảnh do chính phủ Nga và tài khoản Twitter của NASA công bố sau đó, cho thấy hai phi hành gia này an toàn và ôm chầm lấy người thân của họ.

Hệ lụy cho hoạt động vũ trụ

Kể từ khi chương trình Tàu con thoi vũ trụ của Mỹ dừng hoạt động, tàu vũ trụ Soyuz MS-10 của Nga là phương tiện duy nhất đưa phi hành đoàn đến và đi từ Trạm vũ trụ quốc tế ISS.

Cơ quan Vũ trụ châu Âu – hiện đang có nhà du hành vũ trụ Alexander Gerst trên ISS, cho biết trong một tuyên bố rằng, "quá trình phóng bị hủy bỏ này sẽ ảnh hưởng đến việc lên kế hoạch cho tương lai gần".

Stefan Beransky, biên tập viên của tạp chí chuyên ngành vũ trụ Aerospatium và là tác giả của một cuốn sách về tên lửa Soyuz, cho biết, "khi chúng ta chờ kết luận của một cuộc điều tra của Nga, Soyuz có lẽ sẽ phải ở mặt đất trong một khoảng thời gian," ông nói với AFP.

Ủy ban điều tra của Nga cho biết một cuộc điều tra hình sự sẽ tìm cách xác định xem các quy định an toàn có bị vi phạm hay không, điều đã gây ra những thiệt hại lớn.

"Các quan chức hiện đang kiểm tra nơi phóng tên lửa lên và thu giữ các tài liệu", cơ quan này nói trong một tuyên bố.

"Cảm ơn Chúa, các phi hành gia còn sống", phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Dmitry Peskov, nói với các nhà báo.

Kenny Todd, quản lý điều phối các hoạt động tại Trạm vũ trụ quốc tế ISS cho biết ông "tin tưởng rằng các đồng nghiệp Nga của chúng tôi sẽ tìm ra những gì đang xảy ra".

Đã có hai tai nạn tương tự từ thời Xô viết liên quan đến tàu vũ trụ Soyuz, hiện vẫn được sử dụng để chở các phi hành đoàn đến và đi từ ISS.

Năm 1975, Oleg Makarov và Vasily Lazarev đã hạ cánh khẩn cấp thành công ở vùng núi Altai của Siberia sau những vấn đề trong quá trình phân tách với hệ thống đẩy.

Hai phi công Vladimir Titov và Gennady Strekalov cũng sống sót sau khi một vụ cháy bùng lên trong thời gian phóng tàu vũ trụ ở Kazakhstan năm 1983.

Căng thẳng về ISS?

Trạm vũ trụ quốc tế ISS- một nội dung hợp tác hiếm hoi giữa Moscow và Washington - đã quay quanh Trái đất từ năm 1998.

Nhưng ngay cả trạm không gian này cũng đã xuất hiện những tranh cãi trong những tuần gần đây.

Các quan chức không gian Nga cho biết họ đang điều tra liệu một lỗ hổng gây ra rò rỉ oxy trên ISS có phải là các phi hành gia cố ý làm ra hay không.

Lỗ hổng này được phát hiện vào tháng 8 và nhanh chóng được bịt kín lại, nhưng báo chí Nga cho biết, Roscosmos đang điều tra khả năng các phi hành đoàn Mỹ đã phá hoại trạm vũ trụ để một đồng nghiệp bị bệnh được gửi về nhà.

Dmitry Rogozin, được ông Putin bổ nhiệm trong năm nay làm trưởng nhóm Roscosmos, cho biết một cuộc điều tra kỹ lưỡng là cần thiết sau khi vụ phóng lần này thất bại.

Chính trị gia này cũng có lập trường cứng rắn với Mỹ, nói rằng các phi hành gia Mỹ nên sử dụng bạt lò xo thay vì tên lửa Nga để tiếp cận ISS sau khi Washington áp đặt biện pháp trừng phạt đối với vụ sáp nhập Crimea năm 2014 của Moscow.

Trong khi đó, phía Nga cũng đang muốn có một vai trò lớn hơn trong kế hoạch do Mỹ dẫn đầu nhằm xây dựng một trạm vũ trụ quay quanh Mặt trăng.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ