• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga “mơ hồ” những hệ lụy của khủng hoảng Qatar

Thế giới 08/06/2017 08:05

(Tổ Quốc) - Chia rẽ trong giới chuyên gia về các tác động từ scandal chính trị Qatar tới kinh tế khu vực và thế giới.  

Các nhà quan sát đang theo dõi sát sao những hệ quả kinh tế có thể phát sinh từ cuộc khủng hoảng Qatar, sau khi một loạt các quốc gia Arab và Hồi giáo quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Doha. Nhà phân tích thị trường Kyle Shostak cho rằng, động thái này có thể sẽ tạo ra những vấn đề nghiêm trọng cho các nhà sản xuất – cung cấp dầu mỏ và khí gas nói riêng; đồng thời gây ra tình trạng bất ổn cho thị trường khí hydrocarbon nói chung.

Hôm thứ Hai (05/6), Arab Saudi, UAE, Bahrain, Ai Cập, Libya, Yemen, Maldives và Mauritius đồng loạt tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar. Các nước này cáo buộc Doha ủng hộ cho khủng bố, can thiệp vào vấn đề nội bộ của nước khác, và mở rộng quan hệ với Iran – “kẻ thù” truyền thống của các quốc gia Vùng Vịnh.

Loại trừ các hệ quả liên quan đến địa chính trị và quân sự, ý kiến của giới chuyên gia đang khá chia rẽ trước những ảnh hưởng tiêu cực mà vụ scandal chính trị này có thể đem tới cho kinh tế khu vực và toàn cầu. Một số nhà phân tích cho rằng cuộc khủng hoảng sẽ có những tác động rõ rệt tới giá dầu hiện đang bị sụt giảm; trong khi một số khác cho rằng, ảnh hưởng sẽ là không đáng kể.

Kyle Shostak, giám đốc quản lý của Navigator Principal Investors LLC – một quỹ đầu tư có trụ sở tại New York nhận định, tình hình thị trường khí hydrocarbon sẽ khá ảm đạm và không ổn định, tuy nhiên vẫn có một số tín hiệu tích cực cho các nhà sản xuất khí gas.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình RIA Novosti, Shostak giải thích rằng, về mặt giá dầu, cuộc khủng hoảng sẽ không tạo ra cú sốc nào trên thị trường, đủ để đẩy giá cả lên cao. “Qatar có sản lượng dầu thấp nhất trong các nước OPEC. Sản lượng của nước này chỉ khoảng 600.000 tấn dầu/năm,” ông Shostak nói.

Theo ông, ảnh hưởng của sản lượng dầu Qatar đến giá dầu tương lai sẽ ở mức thấp nhất, cả ở tình huống hiện tại và trong tương lai có thể dự đoán được.  

Cuộc khủng hoảng Qatar ảnh hưởng như thế nào đến kinh tế thế giới?

Cùng lúc, chuyên gia đầu tư cảnh báo cuộc khủng hoảng Qatar có thể làm dấy lên những nghi ngờ về hiệp định cắt giảm sản lượng dầu mới được ký kết gần đây giữa các nước thành viên OPEC, Nga và các nhà xuất khẩu dầu lớn khác.

“Xét về mặt tâm lý, các tác động sẽ diễn ra như sau: nếu giữa các nước OPEC tồn tại những sự khác biệt lớn, khả năng thực hiện hiệp định [cắt giảm sản lượng dầu] – vốn đã rất khó khăn, có thể sẽ càng vấp phải trở ngại,” ông Shostak phân tích. “Thêm vào đó là sự kỳ vọng về sản lượng tương lai của Mỹ, và điều này sẽ tạo ra một môi trường bất ổn [cho các nhà đầu tư] trong tương lai gần.”

Ngoài ra, chuyên gia phân tích cũng nhắc đến việc Qatar hiện đang là nhà cung cấp khí gas lớn nhất thế giới, đồng thời là một trong những nhà sản xuất khí gas hóa lỏng hàng đầu. “Qatar có hợp đồng với hầu hết các quốc gia trong và ngoài giới Arab. Lấy Ai Cập làm ví dụ, đây là nước tiêu thụ khí gas lớn nhất của Qatar.”

Tình huống càng trở nên phức tạp hơn do các biện pháp ngoại giao mà các nước Arab và Hồi giáo đang thực hiện đối với Qatar sẽ tác động đến tất cả dòng lưu thương năng lượng trong khu vực.

“Những tập đoàn lớn nhất thế giới [trong lĩnh vực buôn bán năng lượng] như Vitol, Glencore, Trafigura vv, về cơ bản là mua tất cả sản lượng khí gas của Qatar. Do vậy, họ sẽ phải tìm nguồn thay thế trên thị trường, và sắp xếp lại công tác hậu cần; trong trường hợp các vấn đề giao thông ngày càng trầm trọng, những công ty này sẽ phải đối mặt với khó khăn lớn,” Shostak nhấn mạnh.

Cũng theo Shostak, một hệ quả khác của cuộc khủng hoảng là khả năng giá gas tự nhiên sẽ tăng cao. “Tất cả điều này dẫn đến sự mất cân bằng trên thị trường,” chuyên gia phân tích thị trường kết luận.

Báo cáo Factbook CIA World cho biết, Nga, Qatar, Na Uy, Canada và Hà Lan hiện đang là năm quốc gia xuất khẩu khí gas lớn nhất thế giới. Cuối năm ngoái, các quốc gia thành viên OPEC và các nước sản xuất dầu lớn trên thế giới đã đồng ý giảm sản lượng dầu xuống còn 1,8 triệu thùng/ngày. Nga chấp nhận giảm sản lượng dầu của nước này còn 300.000 thùng/ngày. Hiệp định ban đầu được áp dụng cho sáu tháng đầu năm 2017, và sau đó đã được kéo dài thêm chín tháng, đến tháng 3/2018.

(Theo Sputnik)

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ