• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, Mỹ, Iran khốc liệt tại chiến trường hàng thập kỷ

Thế giới 09/10/2018 23:39

Một tướng lĩnh hàng đầu Mỹ lên tiếng về sức mạnh Nga – Iran tại Afghanistan.

Nga đang tiếp tục cạnh tranh về ảnh hưởng ở Afghanistan, nơi các nỗ lực hòa giải quốc tế đang được tiến hành, trong khi Iran đang tham gia vào cả hai phe đối lập trong cuộc xung đột Afghanistan, theo một quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ.

Người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung ương Hoa Kỳ CENTOM, Tướng Joseph Votel, nói với VOA rằng, Moscow đang cố gắng trở thành một "thế lực tham dự trong giải pháp" của cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ ở Afghanistan.

"Tôi nghĩ rằng điều họ [Nga] cố gắng làm là họ đang theo đuổi một chiến lược để cạnh tranh với chúng tôi bằng cách gây ảnh hưởng bất cứ nơi nào họ có thể, cho dù ở Afghanistan hay Syria hay bất cứ nơi nào khác", ông Votel nói.

Nga, Mỹ, Iran khốc liệt tại chiến trường hàng thập kỷ - Ảnh 1.

Tướng Joseph Votel - Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ CENTOM nói về tình hình Afghanistan. (Nguồn: AP)


"Họ đang tiếp tục sử dụng thông tin không chính xác để tạo ra câu chuyện mà họ muốn", chỉ huy CENTCOM lưu ý. "Họ tiếp tục duy trì ý tưởng này, không chỉ ở Afghanistan, mà cả ở Iraq và Syria nữa, rằng Hoa Kỳ là bên hỗ trợ và tuyên truyền cho ISIS."


Ông Votel cho biết, quan niệm rằng Hoa Kỳ, bằng cách nào đó đã hỗ trợ hoạt động cho nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo IS là "vô lý".

Đồn đoán ảnh hưởng Nga tại Afghanistan

"Họ có mọi động cơ để gây rối ở Afghanistan. Tôi dự đoán rằng họ sẽ tiếp tục làm như vậy trên nhiều mặt trận, cho dù là liên hệ với Taliban hay hỗ trợ các đảng đối lập của chính phủ

Matt Dearing

Matt Dearing, một trợ lý giáo sư tại Đại học Quốc phòng Hoa Kỳ có trụ sở tại Washington, cho biết sự tham gia của Moscow tại Afghanistan không có gì ngạc nhiên.

"Thật không may khi các nhân vật chính trị ở Afghanistan chấp nhận sự hỗ trợ của Nga, và điều này đang tạo nên nhiều sự chia rẽ chính trị hơn và làm suy yếu tính hợp pháp của GIROA [Chính phủ Cộng hòa Hồi giáo Afghanistan]", ông nói thêm.

Thomas Johnson, một giáo sư tại Trường Hải quân ở Monterey, California, và là tác giả của cuốn Taliban Narratives, nói rằng trong khi Nga đang cố gắng khẳng định ảnh hưởng ở Afghanistan, vai trò của họ đang hơi bị phóng đại.

“Tôi nghĩ rằng việc họ (các quan chức Nga) đóng một vai trò với Taliban đang bị thổi phồng quá mức”, ông Johnson nói và cho biết thêm rằng người Afghanistan, bao gồm cả Taliban, vẫn nhớ về sự can thiệp của Nga vào cuối những năm 1970 và "người Afghanistan không thích người Nga".

Johnson, người đã dành nhiều thời gian về Afghanistan, cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin cuối cùng muốn nhìn thấy Mỹ thất bại ở đây.

"Tôi nghĩ ông Putin có quan điểm toàn cầu. Tôi nghĩ rằng ông ấy đang chơi một ván cờ vua. Tôi nghĩ ông ấy đang cố gắng đảm bảo rằng Mỹ không đạt được bất kỳ mục tiêu nào ở Afghanistan", ông nói.

Omar Samad, một cựu đại sứ Afghanistan ở Washington, cho biết nhiều chiến trường và liên minh mới trong khu vực đã được hình thành trong những năm gần đây, điều làm suy yếu sự đồng thuận khu vực và quốc tế đã từng tồn tại với mục tiêu chống khủng bố.

"Vấn đề Afghanistan, cho đến hai đến ba năm trước, là một vấn đề tương đối đen trắng, nơi bạn có cộng đồng quốc tế, bao gồm các nước như Nga và Iran, ủng hộ chính phủ Afghanistan và thống nhất chống khủng bố," ông Samad nói VOA chi nhánh Afghanistan.

"Bây giờ nhiều quốc gia đã tạo ra các liên minh mới, và các cuộc đàm phán hòa bình ở Afghanistan có nghĩa là những điều khác nhau với các quốc gia khác nhau," ông nói. "Định nghĩa về bạn bè và kẻ thù đã thay đổi."

Liên hệ giữa Nga và Taliban

Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào có thể giả thuyết rằng Nga có thể sử dụng Taliban chống lại IS

Ngoại trưởng Nga Lavrov

Moscow không bác bỏ việc họ có liên lạc với Taliban Afghanistan, nhưng các quan chức Nga khẳng định họ đang liên lạc với những người nổi dậy này để khuyến khích Taliban tham gia vào các cuộc đàm phán hòa bình.

"Chúng tôi duy trì các mối liên hệ này chủ yếu vì sự an toàn của công dân Nga ở Afghanistan, các cơ quan Nga ở đó, và cũng thuyết phục Taliban từ bỏ cuộc xung đột vũ trang và tham gia đối thoại quốc gia với chính phủ", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết, sau khi chính phủ Afghanistan lên tiếng lo ngại về vấn đề này.

Ông Lavrov bác bỏ những khẳng định của Afghanistan rằng, quan hệ của Moscow với những người nổi dậy là nhằm vào việc sử dụng Taliban để chống lại IS.

"Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào có thể giả thuyết rằng Nga có thể sử dụng Taliban chống lại IS," ông nói. "Chúng tôi đang chiến đấu ISIS với mọi công cụ chúng tôi có. Chúng tôi ủng hộ Syria trong cuộc chiến này và hỗ trợ trang bị cho quân đội Iraq cho cùng một mục đích. Tất nhiên, chúng tôi cũng muốn người dân Afghanistan loại bỏ IS."

Đầu năm nay, Nga đã lên kế hoạch tổ chức một hội nghị về vấn đề Afghanistan tại Moscow vào tháng 9 và mời đại diện từ 11 quốc gia trong khu vực, bao gồm Trung Quốc, Pakistan và Iran.

Các quan chức Afghanistan bày tỏ sự lo ngại về hội nghị này, lo sợ nó sẽ làm suy yếu lập trường lâu đời của nước này trong việc dẫn dắt và làm chủ các cuộc đàm phán hòa bình với Taliban.

Một cuộc điện thoại giữa Lavrov và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã dẫn đến việc cả hai bên trì hoãn cuộc họp này.

Yếu tố Iran?

Nga không phải là quốc gia duy nhất tìm kiếm ảnh hưởng ở Afghanistan. Tướng Votel của CENTCOM cho biết, người Iran đã "đi nước đôi" ở Afghanistan, bằng cách cố gắng có mối quan hệ với cả chính phủ Afghanistan và Taliban.

Ông nói rằng không giống như Nga, Iran quan tâm hơn đến sự ổn định của chính mình.

"Họ [các nhà lãnh đạo Iran] không có bất kỳ, rất rõ ràng, bất kỳ sự thích thú gì đối với việc chúng tôi [người Mỹ] ở đây, nhưng tôi nghĩ rằng Iran hiểu được về những quan ngại dọc theo biên giới phía đông của họ, phía tây Afghanistan, và lo ngại về mối đe dọa này lan sang họ", ông Votel nói với VOA.

Anthony Cordesman – một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế CSIS cũng cho biết, mối quan hệ giữa Taliban và Iran là một kế hoạch dự phòng. "Một nguồn tin đồn đoán khác là Iran đang hỗ trợ Taliban như một sự đối trọng với vai trò ngày càng tăng của IS bên trong Afghanistan," ông Cordesman nói thêm.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ