• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Mỹ so kè sức mạnh chiến lược tại Afghanistan

Thế giới 03/08/2018 07:05

(Tổ Quốc) - Các cuộc đối thoại theo “định dạng Moscow” đã được đề xuất nhằm thúc đẩy lợi ích của Nga tại Afghanistan.

Vào ngày 16/7/2018, đặc phái viên của Tổng thống Nga tại Afghanistan, Zamir Kabulov, tuyên bố rằng chính phủ Nga sẽ mời đại diện Taliban đến Moscow để tham gia một cuộc họp về tình hình xung đột Afghanistan trước khi kết thúc hè.

Nêu ra lí do cho hành động này, ông Kabulov nói rằng, Taliban đang kiểm soát “hơn một nửa lãnh thổ của Afghanistan”, và do đó, lực lượng này phải gia nhập vào tiến trình hòa đàm cho Afghanistan.

Xung đột giữa Taliban và chính phủ Afghanistan gần đây đang có những tín hiệu ngoại giao tích cực.

Theo The Diplomat, mặc dù đề xuất đàm phán do Moscow đưa ra không có sự tham gia của Mỹ - điều sẽ hạn chế sức ảnh hưởng của động thái này đối với quỹ đạo của cuộc xung đột Afghanistan. Tuy nhiên, đây vẫn là tín hiệu cho thấy cách Nga đang tăng cường lợi ích tại Afghanistan theo 3 hướng quan trọng.

Nhà hòa giải hiệu quả

Đầu tiên, Nga sẽ thông qua các cuộc đàm phán này để chứng minh tiềm năng của mình với vai trò là một nhà hòa giải hiệu quả giữa Taliban và Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani. Việc cho thấy vai trò tích cực và mang tính xây dựng của Nga tại Afghanistan có tầm quan trọng sống còn đối với các nhà hoạch định chính sách ở Moscow, trong bối cảnh Nga đang bị các quan chức Hoa Kỳ và Afghanistan cáo buộc vũ trang cho Taliban.

Vào ngày 20/6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Alice Wells đã lên án chiến lược vũ trang cho Taliban chống lại ISIS của Nga, và kêu gọi Moscow ủng hộ các cuộc đàm phán hòa bình nhằm củng cố vị thế của chính phủ Afghanistan hợp pháp.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thời điểm đó đã ra tuyên bố bác bỏ mạnh mẽ những cáo buộc của Wells. Bất chấp động thái này, Tư lệnh các lực lượng quốc tế do Mỹ chỉ huy tại Afghanistan - Trung tướng Lục quân Austin Scott Miller đã tuyên bố trên mạng tin tức lớn nhất Afghanistan-  hãng tin Khaama, rằng Nga, cùng với Pakistan và Iran, đã hỗ trợ các chiến binh Taliban.

Làn sóng cáo buộc của Mỹ rằng Moscow có liên hệ với Taliban đã gia tăng tư tưởng bài Nga ở Afghanistan. Vào ngày 27/ 6, Bộ Quốc phòng Afghanistan đã chỉ trích Nga về tuyên bố ISIS đã thiết lập một sự hiện diện đáng kể ở chín tỉnh của Afghanistan. Phía Afghanistan kiên quyết cho rằng chỉ có 2.000 chiến binh ISIS ở lại nước này. Vào ngày 6/7, các nhà hoạt động hòa bình Afghanistan đã tổ chức một cuộc biểu tình bên ngoài đại sứ quán Nga tại Kabul, và thúc giục Moscow tránh can thiệp thêm vào cuộc xung đột Afghanistan.

Để đối phó với làn sóng bài Nga và đảm bảo Nga vẫn là một trọng tài đáng tin cậy ở Afghanistan, Moscow đã định hình lại mối quan hệ với Taliban. Vào ngày 17/7, Nga và Tajikistan đã tổ chức một cuộc tập trận quân sự chống Taliban nhằm tăng cường năng lực tác chiến cho quân đội Tajik trong trường hợp Taliban tấn công ở vùng biên giới Tajikistan-Afghanistan.

Cuộc tập trận này nhằm mục đích để giải quyết các mối quan ngại ở Kabul rằng Nga là một đồng minh của Taliban và để chứng minh rằng Moscow chỉ liên hệ với Taliban để khôi phục ổn định chính trị cho Afghanistan. Nếu Moscow có thể làm nổi bật cam kết ổn định chính trị ở Afghanistan thông qua các cuộc đàm phán hòa bình, các nhà hoạch định chính sách Nga sẽ có thể đảo ngược làn sóng thù địch đối với Nga tại chính trường Afghanistan và duy trì ảnh hưởng cho đến khi kết thúc cuộc xung đột.

Tăng cường sức nặng siêu cường

Thứ hai, Nga đang sử dụng các cuộc đàm phán hòa bình theo định dạng Moscow để tăng độ tin cậy cho các nỗ lực hướng tới giải pháp chính trị tại Afghanistan của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Trong hội nghị thượng đỉnh SCO tháng 6 tại Thanh Đảo, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã vạch ra chiến lược của nước này trong việc tăng cường vai trò của Nhóm Liên lạc SCO-Afghanistan nhằm tiến tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Afghanistan. Quan chức điều hành cấp cao của Afghanistan, ông Abdullah Abdullah và Tổng thống Ghani đều đang kêu gọi SCO củng cố các nỗ lực chống khủng bố ở Afghanistan. Và những tuyên bố của ông Tập  đã được đón nhận tích cực tại Kabul.

Mong muốn của Chủ tịch Tập trong việc mở rộng sự hiện diện của SCO tại Afghanistan cũng được hoan nghênh tại Moscow, vì nó phù hợp chặt chẽ với các ưu đãi chính sách của Nga. Trong những tháng gần đây, chính phủ Nga đã có quan hệ ngoại giao và đưa sự chú ý của giới truyền thông đến các chính trị gia Afghanistan có thiện cảm với sự tham gia của SCO tại Afghanistan, như nhà lập pháp Afghanistan Jafar Mahdawi. Nga cũng là một bên tham gia tích cực trong các cuộc họp gần đây của giới lãnh đạo tình báo từ Trung Quốc, Nga, Pakistan và Iran về các chiến lược chống lại ISIS.

Ngoài việc thể hiện cam kết của mình với SCO, Nga muốn thách thức một đồn đoán lâu nay rằng họ chỉ là một quyền lực cấp hai trong SCO, theo sau sự dẫn dắt của Trung Quốc. Bằng cách tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình lớn về Afghanistan, các quan chức Nga có thể chứng minh rằng Moscow là nhà đàm phán ưu việt về khủng hoảng trong SCO và Nga là một nhân tố thúc đẩy chính cho sự nổi lên ngày càng tăng của khối này.

Thứ ba, chính phủ Nga đang sử dụng các cuộc đàm phán theo định dạng Moscow để cho thấy Nga là cầu nối quan trọng tiềm tàng giữa Taliban và Hoa Kỳ, khi Washington tìm cách kết thúc chiến dịch quân sự 17 năm ở Afghanistan. Kabulov gần đây tuyên bố rằng Taliban quan tâm đến việc đối thoại trực tiếp với Hoa Kỳ. Khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bày tỏ sự ủng hộ cho các cuộc đàm phán hòa bình mới giữa chính phủ Ghani và Taliban trong chuyến thăm Kabul gần đây của ông, Moscow cũng tin rằng Washington cuối cùng sẽ cần thiết lập lại các kênh liên lạc với Taliban. Và điều này đã thực sự cho thấy kết quả khi Taliban gần đây đã có cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên với phía Mỹ.

Tiền lệ của việc tiếp cận thành công giữa Nga và Mỹ trong thỏa thuận giải trừ vũ khí hóa học tháng 9 năm 2013 tại Syria đã cho thấy một chuẩn mực hữu ích rằng Washington có thể dựa vào sự trợ giúp hòa giải của Nga, ngay cả trong thời kỳ căng thẳng Moscow-Washington. Giống như Nga đang đóng vai trò cầu nối ngoại giao giữa chế độ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và Hoa Kỳ trong việc phá hủy kho vũ khí hóa học của Damascus, các nhà hoạch định chính sách Nga tin rằng Hoa Kỳ có thể bị buộc phải đối thoại với Nga khi đưa Taliban tham gia vào đàm phán hòa bình. Nếu các cuộc đàm phán theo định dạng Moscow thành công kết nối được với Taliban, vị thế siêu cường của Nga sẽ được khẳng định với cộng đồng quốc tế, và hình ảnh của ông Putin cũng có thể sẽ gia tăng mạnh mẽ trong những tháng sắp tới.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ