• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga – Nhật chốt hạ sóng gió từ Thế chiến 2?

Thế giới 04/01/2019 16:35

(Tổ Quốc) - Nhật Bản hi vọng sẽ đạt được một thỏa thuận hòa bình sau thế chiến 2 với Nga.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho biết hôm thứ Sáu, ông dự định sẽ tiến tới một hiệp ước hòa bình sau Thế chiến thứ hai với Nga, điều vốn bị cản trở nhiều thập kỷ bởi tranh chấp lãnh thổ, trong một hội nghị thượng đỉnh ở Nga vào cuối tháng này.

Ông Abe, người đã báo hiệu rằng ông rất muốn ký một thỏa thuận, sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ 25 của họ để thảo luận về việc chấm dứt bất đồng về tranh chấp lãnh thổ đối với nhóm đảo Nam Kurils (Tokyo gọi là vùng lãnh thổ phương Bắc).

"Tôi sẽ đến Nga vào cuối tháng này và có ý định thúc đẩy các cuộc thảo luận hướng tới một hiệp ước hòa bình", ông nói trong một cuộc họp báo ở thành phố phía tây Ise.

Nga – Nhật chốt hạ sóng gió từ Thế chiến 2? - Ảnh 1.

Hai nhà lãnh đạo đã có nhiều cuộc thảo luận hướng tới một hiệp ước hòa bình. (Nguồn: Bloomberg)

"Đã hoàn toàn không có tiến triển" về vấn đề này trong hơn 70 năm, ông nói.

Cũng theo ông Abe, trong khi chưa có sự bảo đảm nào cho một thỏa thuận, hai quốc gia đã hợp tác về các vấn đề liên quan đến các hòn đảo này, cũng như về kinh tế trong hai năm qua – điều "chưa từng có trước đây".

Ông Abe đã chia sẻ với các phóng viên sau khi hai nhà lãnh đạo Nga – Nhật gặp nhau ở Singapore vào tháng 11 vừa qua rằng họ đã đồng ý đẩy nhanh các cuộc đàm phán dựa trên một tuyên bố chung năm 1956.

"Cả hai chúng tôi không muốn vấn đề này kéo dài tới một thế hệ khác", ông Abe nói hôm thứ Sáu.

Tổng thống Nga Vladimir Putin có thể sẵn sàng đi tới thỏa thuận ngay bây giờ, với hy vọng rằng các mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa họ sẽ đóng vai trò là đối trọng với Trung Quốc và thu hút thêm đầu tư và công nghệ từ Nhật Bản, Reuters dẫn lời một số chuyên gia nhận định.

Trong khi đó, cũng có nhiều tiếng nói khác nghi ngại về việc ông Putin có thực sự muốn đi tới một thỏa thuận hay không, một phần vì phần lớn công chúng Nga phản đối việc chuyển giao bất kì hòn đảo nào cho phía Nhật Bản.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ