• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, phương Tây: Hé lộ quan hệ qua lại hướng Syria hậu chiến

Thế giới 28/07/2018 06:02

(Tổ Quốc) - Moscow đang đẩy mạnh nỗ lực hàn gắn quan hệ giữa phương Tây với chính quyền Tổng thống Syria, Assad.

Tờ Financial Times nhận định, Nga đã khởi xướng một chiến dịch tổng lực nhằm hợp tác với các nước phương Tây trong sứ mệnh viện trợ nhân đạo tại những khu vực mà Chính phủ đang kiểm soát tại Syria. Đây được coi là một nỗ lực để thuyết phục phần còn lại của thế giới bình thường hoá quan hệ với Tổng thống Bashar al-Assad, trong một Syria thời hậu chiến. Những thúc đẩy của Moscow xuất hiện vào đúng thời điểm quân đội chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Nga, đã giành lại phần lớn lãnh thổ tây nam Syria – một trong những khu vực cuối cùng còn nằm trong tay quân đối lập.

Những thắng lợi trên chiến trường đồng nghĩa với việc ông Assad hiện đang kiểm soát phần lớn đất nước, và Tổng thống Nga Vladimir Putin mong muốn kết thúc chiến dịch can thiệp quân sự tại quốc gia Trung Đông này. Tuy nhiên, để làm được điều đó, nhà lãnh đạo Nga cần phải có được sự ủng hộ và giúp đỡ của quốc tế trong việc đưa người tị nạn trở về quê hương, cũng như công cuộc tái thiết khổng lồ tại một đất nước đã bị kiệt quệ sau cuộc nội chiến kéo dài 7 năm.

“Đối với Moscow, điều quan trọng là dần dần lôi kéo các nước khác vào những sáng kiến có sự hợp tác cùng chính quyền Assad,” Nikolai Kozhanov, một chuyên gia Nga về Trung Đông tại Đại học châu Âu, St Petersburg nhận định. “Trong quá khứ, các nước phương Tây đã cứng rắn kháng cự điều đó. Nhưng tại châu Âu, có vẻ như mọi người đang tái cân nhắc nhiều hơn những gì chúng ta có thể tưởng tượng”.

Có những dấu hiệu cho thấy, nỗ lực của Moscow đã bắt đầu “ra trái”. Quân đội Nga đang phân phát trợ giúp y tế do Pháp cung cấp tới đông Ghouta, các vùng ngoại ô gần Damascus mà quân chính phủ đã lấy lại được sau một tuần “dội bom” trong khu vực và cuộc tấn công bị cáo buộc sử dụng vũ khí hoá học tại Douma. Cứu trợ từ Pháp là ví dụ của một nước châu Âu đồng ý hỗ trợ vùng lãnh thổ hiện do ông Assad kiểm soát, sau một thoả thuận được ký kết giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Putin.

Theo chuyên gia Kozhanov, Moscow nhìn nhận cứu hộ nhân đạo là một màn chạy đà để tiến vào vấn đề thực tiễn hơn: quá trình tái thiết. “Ông Putin cần châu Âu tham gia, bởi vì Nga không muốn trả tiền,” ông Kozhanov nói. Moscow cũng vận động Mỹ và các nước phương Tây khác cùng “chung tay” trong nỗ lưc đưa gần 6 triệu người Syria quay trở lại những khu vực nằm trong tay Chính phủ.   

Tổng thống Syria Bashard al-Assad và người đồng cấp nước Nga Vladimir Putin 

Sau cuộc gặp thượng đỉnh của ông Putin với Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Helsinki hôm 16/7, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, Moscow mong đợi được làm việc với Washington trong sứ mệnh liên quan tới người tị nạn Syria và tài chính cho tái thiết. Hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nga được cho là đã đạt được một thoả thuận về các vấn đề này. Trong khi Nhà Trắng từ chối bình luận về những đề xuất chi tiết mà Nga đưa ra, một quan chức Mỹ tiết lộ, hai bên hy vọng sẽ đạt được tiến triển trong các vấn đề từng thảo luận tại Helsinki – trong những tháng tới đây.

Nga cũng có những động thái “tăng tốc” tại Tây Âu, nơi giới lãnh đạo hiện đang chịu sức ép phải giảm số người nhập cư. Tuần này, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đứng đầu quân đội Nga Valery Gerasimov.

Theo ông Lavrov, họ thảo luận về các vấn đề, bao gồm cả “tạo điều kiện thuận lợi cho người tị nạn” quay trở về Syria. Nga đã thành lập một trung tâm chỉ huy ở Moscow để điều phối việc hồi hương của người tị nạn Syria, trong đó nhân viên là các quan chức quốc phòng, ngoại giao Nga, nhưng mở cửa cho cả các đại diện quốc tế.

Tuy nhiên, các nhà phân tích e ngại, Moscow đang quá lạc quan khi cho rằng, những vùng ít chịu ảnh hưởng chiến tranh nhất tại Syria, có thể “đón” khoảng 336.000 người trở về, và con số lên tới 600.000 người tới các vùng khác trong vòng ba đến sáu tháng tới. Nhiều người tị nạn Syria không muốn quay lại quê hương vì sợ chính quyền Assad tiến hành trừng phạt.

Cho dù vậy, Moscow vẫn tiếp tục và có phần lặng lẽ tiến những bước đầy quyết đoán.

Một số nước láng giềng cũng đã bắt đầu thay đổi chiến thuật. Từng ủng hộ lực lượng đối lập tại Syria và giờ đây đang phải đối mặt với các thách thức kinh tế, Jordan muốn mở rộng xuất khẩu sang châu Âu thông qua Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Điều này có thể gia tăng những lợi thế cho ông Assad. Trong tháng này, quân đội chính phủ Syria vừa giành lại khu vực biên giới Nassib với Jordan – một động thái có thể dẫn tới việc tái mở cửa con đường thương mại giữa hai nước. Tại Lebanon – nơi hiện đang có một triệu người tị nạn Syria, chính quyền từng khẳng định, họ muốn người Syria trở về quê hương.

Mới đây, Văn phòng Thủ tướng Lebanon cho biết, Beirut hy vọng sáng kiến của Điện Kremlin sẽ giải quyết được cuộc khủng hoảng người nhập cư. Tương tự, Thổ Nhĩ Kỳ thay đổi lập trường ủng hộ lực lượng đối lập. Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan đã có những cuộc thảo luận cường độ cao với Nga và cả Iran – một đồng minh chủ chốt khác của ông Assad. “Chúng tôi tin rằng các bên phải làm việc cùng nhau”, một quan chức cấp cao Thổ Nhĩ Kỳ nói.

Còn Emile Hokayem, một nhà phân tích tai Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế phân tích, tình hình thay đổi gần như chắc chắn sẽ dẫn tới sự bình thường hoá với chính quyền Assad. Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo, con đường bình thường hoá sẽ rất “gian nan”, đặc biệt là khi các lệnh trừng phạt của Mỹ và Nga lên Syria vẫn còn.

“Các chính phủ phương Tây có sự khác biệt giữa bình thường hoá và tái khôi phục – điều đó sẽ không được ngả bài sớm. Tuy nhiên, bỏ qua sự chuyển đổi chính trị đối với ông Assad, chuyển sang ưu tiên tái thiết quy mô nhỏ, và đưa người tị nạn quay trở về nhà – sẽ đẩy phương Tây vào một quá trình, mà trong đó, lợi thế của họ không tránh khỏi giảm sút”, ông Hokayem nói. “Họ sẽ không muốn như thế, nhưng họ đã mất đi mục đích và các phương tiện để làm điều ngược lại”.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ