• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga, Trung đảo chiều thế lực phương Tây tại mặt trận mới

Thế giới 28/05/2018 10:46

(Tổ Quốc) - Nga và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại Cộng hòa Trung Phi khi sự ảnh hưởng của phương Tây tại quốc gia có vị trí chiến lược và giàu khoáng sản này dường như đã suy yếu.

Nga và Trung Quốc đang tăng cường hiện diện tại Cộng hòa Trung Phi khi sự ảnh hưởng của phương Tây tại quốc gia có vị trí chiến lược và giàu khoáng sản này dường như đã suy yếu.

Theo AFP, được xếp hạng ở dưới cùng trong chỉ số phát triển con người tại 188 quốc gia của Liên Hiệp Quốc, Cộng hòa Trung Phi CAR bị sa lầy trong nghèo đói và xung đột. Phần lớn đất nước nằm trong tay các nhóm bán quân sự và bạo lực đã khiến một phần tư trong số 4,5 triệu người phải rời khỏi nhà của họ.

Mặc dù vậy, đất nước lấp lánh trong sự giàu có tự nhiên - từ kim cương, vàng đến đồng và urani – vẫn giữ một vị trí trọng yếu ở ngã tư trung tâm châu Phi.

Pháp, từng nắm quyền thống trị nước này trong thế kỉ 20, về truyền thống có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong quan hệ đối ngoại của CAR.

Paris đã can thiệp quân sự vào năm 2013 sau khi nhà lãnh đạo lâu năm Francois Bozize bị lật đổ bởi Seleka- một liên minh nổi dậy với người Hồi giáo là chủ yếu.

Đầu tháng này, Pháp đã triển khai các máy bay Mirage-2000 từ Chad đến khu vực phía bắc, trong một động thái cảnh báo các lực lượng dân quân nổi dậy đang kiểm soát khu vực này.

Nước cờ địa chính trị

Các sự kiện trong những tháng gần đây đã cho thấy rõ sự quan tâm gắn kết của Trung Quốc và Nga tại nhiều khu vực bị lãng quên của thế giới, các nhà phân tích nói.

"CAR là một ván cờ địa chính trị", một quan chức Liên hợp quốc (LHQ) ở Bangui nói với điều kiện giấu tên.

Có vị trí địa chiến lược và giàu khoáng sản khiến Cộng hòa Trung Phi là nơi nhiều cường quốc để ý.

"Mọi người đưa quân cờ của họ tiến về phía trước. Khi một quốc gia di chuyển, những người khác sẽ nhận ra và có phản ứng tương ứng."

Nga đã có động thái lớn vào cuối năm ngoái, khi được LHQ cho phép cung cấp cho CAR vũ khí và nhân viên quân sự. Lúc này CAR đã được miễn trừ đối với lệnh cấm vận vũ khí của LHQ, được áp dụng từ năm 2013 khi xung đột dân sự bùng nổ tại CAR.

Động thái này là nhằm hỗ trợ cho chính quyền trung ương CAR đang mất dần ảnh hưởng và quân đội yếu kém “kinh niên” của họ.

Anh, Pháp và Mỹ đã lên tiếng bày tỏ lo ngại, yêu cầu việc chuyển giao vũ khí cần có giới hạn trong các loại vũ khí hạng nhẹ và rằng Nga cần thực hiện các bước đi truy nguyên số vũ khí này để chúng không được bán trên thị trường chợ đen.

Nga hiện được cho là đã ký một loạt các thỏa thuận với chính phủ CAR; Người Nga cung cấp an ninh cho Tổng thống Faustin-Archange Touadera; và một số nhóm bán quân sự nói rằng họ đã được người Nga tiếp cận để hòa giải các cuộc xung đột, các nguồn tin cho biết.

"Phương Tây đã bỏ lỡ con thuyền", một nhà ngoại giao phương Tây tại LHQ cho biết. "Người Nga hiện đang ở khắp mọi nơi trong bộ máy nhà nước CAR."

Cùng với sự tham gia của Nga ở cấp nhà nước là một nỗ lực rõ ràng để giành được sự ủng hộ của người dân CAR khi một nhóm khoảng 20 xe tải của Nga từ Sudan đã vượt qua Bắc CAR vào tháng trước- chính thức mô tả là một nhiệm vụ để giúp hiện đại hóa các bệnh viện đang xuống cấp.

Touadera đã gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/5 tại một diễn đàn kinh tế ở Saint Petersburg.

Ông Putin nói với Touadera: "Chúng tôi sẽ vui mừng trước nhiều cách khác nhau để tăng cường quan hệ của chúng tôi, trước hết là trong các lĩnh vực nhân đạo và kinh tế".

Còn ông Touadera cho hay, "nước này hiện là một trong những nền kinh tế ít phát triển nhất nhưng chúng tôi có tiềm năng to lớn".

Hai Tổng thống cũng hoan nghênh các mối quan hệ mà hai bên  đã có trong thời kỳ Xô viết, theo các thông tin được Điện Kremlin đăng tải.

Thierry Vircoulon, một chuyên gia về CAR tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) cho rằng, Nga đang khao khát một "sự trả thù lịch sử" sau khi thất bại trong Chiến tranh Lạnh và các nước phương Tây đã "mệt mỏi" tại châu Phi.

 Suy giảm vùng văn hóa tiếng Anh

Khái niệm trên được chia sẻ bởi Ronak Gopaldas, một nhà tư vấn cho Viện Nghiên cứu An ninh của Nam Phi.

Brexit và cách tiếp cận "Ưu tiên nước Mỹ" của Tổng thống Donald Trump có nghĩa là Anh và Hoa Kỳ đã trở nên cách biệt hơn, Gopaldas nhận định.

"Có một sự thay đổi rõ ràng trong mối quan hệ của phương Tây với châu Phi (hiện nay chủ yếu tập trung vào vấn đề di cư và an ninh) và đây là thời điểm tốt để những thế lực nước ngoài mới tham gia và tạo nên dấu ấn của họ", ông Gopaldas cho biết trong tháng 3.

Trung Quốc – một nền kinh tế đang lên cũng đang tạo ra một bước tiến lớn tại CAR với những quà tặng kinh tế - trong bối cảnh họ cũng đang tìm kiếm sự hiện diện tại nhiều nơi khác ở châu Phi.

Trong sáu tháng qua, dù dường như chưa có tham vọng chính trị hay an ninh ngay lập tức, Trung Quốc đã hủy khoản nợ trị giá 17 tỷ USD, thiết lập một chương trình đào tạo các quan chức chính phủ CAR ở Trung Quốc và hỗ trợ tài liệu quân sự, mặc dù dường như không.

Hai công ty nhà nước Trung Quốc đã có mặt ở miền Bắc CAR từ năm 2007, nơi họ đang khoan dầu.

Nhưng họ đã nhanh chóng từ bỏ các bãi khoan vào cuối năm 2017 sau khi Mặt trận phục hưng Cộng hòa Trung Phi (FPRC) - một lực lượng dân quân liên minh với Seleka, chỉ trích chính phủ thiên vị ủng hộ Bắc Kinh.

CAR đang muốn bán mình, Vircoulon bày tỏ.

"Người mua là những cường quốc mới nổi (như) Trung Quốc, và một cường quốc già, như Nga, trên con đường trở về thời kì quyền lực. Phương Tây không còn là người mua nữa – hiện nay là thế kỷ 21, và những kẻ thực dân đã thay đổi."

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ