• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nga tự tin vaccine Covid-19 tạo miễn dịch trong 2 năm

Thế giới 13/08/2020 17:35

(Tổ Quốc) - Bộ Y tế Nga khẳng định vaccine sẽ tạo kháng thể chống virus SARS-CoV-2 hiệu lực trong 2 năm. Thời gian này được ước tính dựa trên những vaccine mà Gamaleya từng sản xuất với công nghệ tương tự.

Hôm 11/8, Nga tuyên bố nước này đã tạo ra vaccine chống Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Bộ Y tế Nga đã phát hành giấy chứng nhận đăng ký cho 1 "ứng viên" vaccine mới chỉ được thử nghiệm trên 76 người. Giấy chứng nhận này sẽ cho phép vaccine được phát triển bởi Viện nghiên cứu dịch tễ và vi trùng học Gamaleya được phép "thử nghiệm vaccine trên 1 nhóm nhỏ công dân tình nguyện", trong đó có các nhân viên y tế và người già, theo người phát ngôn Bộ Y tế Nga.

Viện Gamaleya đã từng phát triển một số vaccine, và Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko đã tuyên bố trong 1 cuộc họp báo rằng vaccine chống Covid-19 của viện này cho thấy "tính hiệu quả và mức độ an toàn cao", không có tác dụng phụ. Bộ Y tế Nga cũng khẳng định vaccine sẽ tạo kháng thể chống virus SARS-CoV-2 hiệu lực trong 2 năm. Thời gian này được ước tính dựa trên những vaccine mà Gamaleya từng sản xuất với công nghệ tương tự.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng ủng hộ vaccine này, cho biết vaccine có tên gọi "Sputnik V" đã vượt qua được tất cả các bước cần thiết và con gái của ông đã tiêm vaccine (một trong những con gái của ông Putin là bác sĩ ở Moscow).

Giấy chứng nhận đăng ký của Nga cung cấp rất ít thông tin về Sputnik V - vaccine đang được sản xuất bởi công ty có tên Binnopharm ở Zelenograd. Công ty cho biết có thể sản xuất 1,5 triệu liều mỗi năm và kỳ vọng sẽ tăng sản lượng.

Trong khi đó có thể tìm thêm thông tin về vaccine này trên ClinicalTrials.gov, 1 website được điều hành bởi Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH). Theo đó, vaccine gồm 2 mũi sử dụng 2 loại adenovirus khác nhau. Đây là loại virus thường gây ra bệnh cảm lạnh thông thường. Các nhà nghiên cứu của Gamaley tạo ra adenovirus nhân tạo, thiết kế để chúng mang các protein dằm của virus gây COVID-19 và kích hoạt phản ứng miễn dịch trên cơ thể người được tiêm.

Năm 2017, Gamelaya được Nga cấp phép sản xuất vaccine cũng sử dụng adenovirus 5 để phòng bệnh Ebola. Chiến thuật tương tự cũng được áp dụng cho vaccine phòng bệnh MERS – căn bệnh cũng do 1 chủng virus corona (cùng họ với virus gây Covid-19) gây ra.

Ở Mỹ, Cục Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) có thể cấp phép sử dụng 1 loại thuốc trước khi hoàn tất thử nghiệm tính hiệu quả nếu đó là trường hợp khẩn cấp. Nhiều người cũng lo ngại Tổng thống Trump sẽ dùng đến cách này để đẩy nhanh quá trình tạo ra vaccine chống Covid-19 – điều giúp ích rất nhiều cho nỗ lực tái đắc cử vào tháng 11 tới của ông.

Có thể nói quy trình cấp giấy chứng nhận đăng ký của Nga tương tự như việc FDA sử dụng quyền khẩn cấp nói trên. Tuy nhiên FDA có 1 hội đồng tư vấn độc lập.

Theo nhà nghiên cứu Alexey Chumakov ở Moscow, Bộ Y tế Nga đã không tham khảo ý kiến của cộng đồng khoa học như cách FDA làm. Động thái cấp tốc triển khai vaccine của Nga có thể dẫn đến kết quả tốt, nhưng vẫn có 20% khả năng tình huống xấu xảy ra. "Làm ra 1 loại vaccine là công việc rất dễ dàng, nhưng để thử nghiệm một cách cẩn thận và chứng tỏ mức độ hiệu quả lại là giai đoạn rất khó khăn. Đây thực là là 1 canh bạc", ông nói.

Website thông tin về vaccine Sputnik V cho biết quy trình thử nghiệm giai đoạn 3 với hơn 2.000 người tham gia được bắt đầu tiến hành từ ngày 12/8 tại Nga, UAE, Saudi Arabia, Brazil và Mexico. Vaccine sẽ được bắt đầu sản xuất đại trà trong tháng 9.

An Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ