• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngắm hoa tam giác mạch giữa lòng Hà Nội

Văn hoá 28/10/2017 13:15

(Tổ Quốc) - Công chúng được trải nghiệm không gian văn hóa Hà Giang, ngắm hoa tam giác mạch giữa lòng Hà Nội.

Một không gian văn hóa mang đậm dấu ấn của Hà Giang đã được tái hiện ngay bên Hồ Hoàn Kiếm. Công chúng được lạc vào không gian của những người dân vùng biên cương địa đầu Tổ quốc với hoa tam giác mạch, với chợ phiên và các lễ hội đặc sắc của cộng đồng các dân tộc đang sinh sống nơi đây. Đây là các hoạt động diễn ra trong khuôn khổ chương trình giới thiệu văn hóa, du lịch Hà Giang với chủ đề “Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang” diễn ra từ tối 27-29/10 tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Hội tụ đặc trưng văn hóa nơi địa đầu

Đón du khách đến với Không gian trưng bày giới thiệu văn hóa, du lịch Hà Giang là một cổng chào và bờ rào được thể hiện giống với cổng và bờ rào đá của ngôi nhà đồng bào Mông Hà Giang. Bước chân qua cánh cổng ấy, công chúng như lạc vào với thế giới của miền núi cao Hà Giang ngay giữa lòng Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy tham dự Khai mạc Chương trình Trưng bày Không gian văn hóa du lịch và sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang tối 27/10 tại Hà Nội

Những gian hàng được tái hiện giống như những gian hàng ở các phiên chợ vùng cao với những sản phẩm du lịch, đặc sản mang tính đặc trưng riêng có của cộng đồng 19 dân tộc ở Hà Giang.

Du khách hào hứng ướm thử những chiếc váy của đồng bào Mông, chỗ khác, mấy bà mấy chị lại túm tụm quanh gian hàng bày gừng tươi của vùng núi. Các bạn trẻ thì tíu tít chụp ảnh bên những chậu tam giác mạch. Chỗ khác, mấy bác trung niên lại tò mò về món chè Shan tuyết…

Thiếu nữ Hà thành tạo dáng với Tam giác mạch

Sau thời gian khám phá các gian hàng đặc sản của Hà Giang, công chúng đã được thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc mang đậm dấu ấn văn hóa của các dân tộc Hà Giang. Với chủ đề “Sắc màu Hà Giang”, chương trình đã đem đến cho khán giả những cảm nhận chân thực nhất về văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Hà Giang qua những màn hát múa như: Ca khúc “Lời của cao nguyên”, “Nét chợ phiên”, “Múa trống”, múa “Nhịp xuân bản giao”, ca khúc “Gặp gỡ phiên chợ”… Đặc biệt, các trích đoạn tái hiện “Lễ cúng tổ tiên”, “Lễ mừng năm mới”… được thể hiện trong chương trình đã thu hút đông đảo công chúng Thủ đô thưởng thức, tìm hiểu.

Sau những giây phút thưởng thức chương trình, em Đỗ Thu Hiền, sinh viên năm thứ nhất, Học viện Phụ nữ vui vẻ cho biết: “Em không nghĩ Hà Giang có nhiều cảnh đẹp và các giá trị văn hóa đặc sắc như vậy. Em đặt mục tiêu sẽ phải đặt chân đến Hà Giang, đến cột cờ Lũng Cú trong năm nay”.

Không gian văn hóa vùng cao Hà Giang được giới thiệu trong chương trình

Thiết nghĩ, đó là thành công từ chương trình Trưng bày này. Quảng bá văn hóa để thu hút du khách, phát triển kinh tế của địa phương bang con đường du lịch như quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc ở Hà Giang.

Phát triển kinh tế bằng con đường du lịch

Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Hà Giang đặt mục tiêu đón 1,5 triệu lượt khách vào năm 2020. Từ phát triển du lịch, chúng tôi hy vọng đồng bào nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang sẽ tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, có thế mạnh trên cơ sở khai thác hợp lý tài nguyên như: Du lịch địa chất, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái…để người dân được hưởng lợi từ phát triển du lịch”.

Các sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc Hà Giang

Ông Trần Đức Quý cũng chia sẻ: “UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo, tập trung đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng tại các khu điểm du lịch tiềm năng và vùng trọng điểm như: Thành phố Hà Giang, cao nguyên đá Đồng Văn, các huyện Hoàng Su Phì, Xín Mần, Quang Bình, Vị Xuyên… Những điểm du lịch như Công viên địa chất toàn cầu, đỉnh Mã Pì Lèng, Khu nhà Vương, Cột cờ Lũng Cú, Khu bãi đá ở Xín Mần, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì… sẽ được kết hợp với bản sắc văn hóa của các dân tộc sinh sống tại Hà Giang trở thành sản phẩm du lịch độc đáo trên địa bàn”.

Sau chương trình giới thiệu tại Hà Nội, Hà Giang sẽ tiếp tục đem không gian trưng bày văn hóa, du lịch này đến TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… “Chúng tôi sẽ xâu chuỗi thành sản phẩm du lịch và tổ chức giới thiệu xúc tiến ở nhiều địa phương trên cả nước. Ngoài ra, qua mạng xã hội, thông tin truyền thông, Hà Giang sẽ tiếp tục giới thiệu về văn hóa, du lịch Hà Giang đến du khách trong nước và quốc tế. Và chúng tôi tin là với quyết tâm của chúng tôi, với sự ủng hộ của nhân dân cả nước, Hà Giang sẽ phát triển du lịch theo mục tiêu đã đề ra”- ông Trần Đức Quý cho biết thêm về chương trình quảng bá du lịch Hà Giang tới đây.

Phát triển kinh tế từ du lịch là mục tiêu của Hà Giang

Quả thật, du lịch đã đem lại nhiều thay đổi cho đời sống kinh tế của đồng bào các dân tộc Hà Giang. Chị Giàng Thị Xay- Chủ nhiệm HTX dệt lanh thổ cẩm Cán Tỷ cho biết: “Trước đây, Hà Giang có ít khách du lịch. Từ khi khai thác phát triển lễ hội hoa Tam giác mạch, khách đến rất đông đặc biệt là từ Thứ Năm đến Chủ nhật hàng tuần. Những người dân bán được rất nhiều hàng đặc sản vùng cao. Hợp tác xã của tôi cũng không sản xuất kịp để bán cho khách du lịch. Những điều đó đã góp phần nâng cao đời sống người dân chúng tôi”.

Tối 27-10, tại khu vực nhà Bát Giác (Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hoàn Kiếm), UBND tỉnh Hà Giang đã khai mạc Không gian trưng bày văn hóa, du lịch và sản phẩm đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hà Giang. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý, đại diện các Bộ, ngành… và đông đảo nhân dân Thủ đô đã đến dự chương trình. Chương trình do UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người Hà Giang đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế.

Bài, ảnh: Hồng Hà

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ