Ngành logistics TP. HCM cần hơn 95 nghìn tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030

(Tổ Quốc) - Theo Đề án Phát triển ngành logistics trên địa bàn TP. HCM, tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ logistics của doanh nghiệp thành phố đến năm 2025 có mục tiêu 15%, đến năm 2030 đạt 20%. Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của logistics vào GRDP của thành phố đạt 10% và năm 2030, con số này là 12%.

Để đạt được những mục tiêu trên, TP. HCM đã đề ra các nhóm giải pháp phát triển kết cấu hạ tầng logistics. Cụ thể như: đẩy nhanh xây dựng các tuyến đường cao tốc kết nối thành phố với các tỉnh, thành trong vùng Đông Nam Bộ.

Đồng thời, phát triển mạng lưới đường sắt để đảm bảo vận chuyển hàng hóa thông suốt, kết nối với các nhóm cảng biển quan trọng của thành phố, với các tỉnh thành khu vực phía Nam, với mạng lưới đường sắt quốc gia và các tuyến vận chuyển xuyên biên giới.

Theo đề án, có 5 tuyến đường sắt được đề xuất xây dựng: đường sắt tốc độ cao gồm tuyến TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ; TP.HCM - Tây Ninh (định hướng kéo đến cửa khẩu Mộc Bài và Xa Mát), kết nối với đường sắt TP.HCM - Mỹ Tho - Cần Thơ tại ga Tân Chánh Hiệp (TP.HCM).

Tiếp theo là đường sắt Thủ Thiêm - sân bay Long Thành (Đồng Nai) với điểm đầu tại ga Thủ Thiêm (quận 2); tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, ưu tiên xây dựng trước đoạn tuyến có nhu cầu vận tải lớn như TP.HCM - Nha Trang và cuối cùng tuyến đường sắt đôi chuyên dụng kết nối từ đường sắt quốc gia đến cảng Hiệp Phước (TP.HCM) và cảng Long An.

Ngoài ra, đầu tư xây dựng, nâng cấp và mở rộng cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất theo quy hoạch điều chỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với công suất đạt 40-50 triệu hành khách/năm và 1-2 triệu tấn hàng hóa/năm đến năm 2030.

Bên cạnh đó, tập trung cải tạo nâng cấp các luồng sông để đảm bảo hoạt động của tàu thuyền ra vào các cảng trong khu vực, một số luồng hàng hải chính như luồng sông Đồng Tranh để kết nối vận tải hàng hóa từ TP. HCM ra Cái Mép - Thị Vải, luồng sông Lòng Tàu qua Vịnh Gành Rái.

Phát triển hệ thống ICD (cảng cạn) theo quy hoạch với mục đích thay thế và thúc đẩy phát triển vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics của thành phố. Thành lập hệ thống trung tâm logistics ở quận 2, 9, Thủ Đức, Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè.

Cuối cùng, đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics, chú trọng kỹ năng nghề. Định hướng đào tạo kỹ năng nghề theo dự báo về nhu cầu trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 để đẩy mạnh đào tạo nghề về logistics. Chú trọng mô hình đào tạo nghề với sự tham gia của doanh nghiệp - hình thức đào tạo kép... Tổng nhu cầu vốn phát triển ngành logistics giai đoạn 2020-2030 tại TP. HCM theo đề án khoảng 95.800 tỷ đồng.

Hà Trần

Tin mới