Chia sẻ
(Tổ Quốc) - “Trước khi đánh giá tính bền vững, chúng ta phải đạt được bước chuyển về “chất” của nền kinh tế. Năm 2019 tiếp tục đánh dấu chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

(Tổ Quốc) - "Trước khi đánh giá tính bền vững, chúng ta phải đạt được bước chuyển về "chất" của nền kinh tế. Năm 2019 tiếp tục đánh dấu chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chia sẻ.

Nhân dịp đầu năm mới 2020, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ dành thời gian chia sẻ với Báo Điện tử Tổ Quốc những thành tựu nổi bật về tình hình kinh tế năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Đất nước tiếp tục có nhiều khởi sắc trong thế giới đầy biến động

-Phó Thủ tướng có thể nhận định một số nét nổi bật về tình hình kinh tế năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2016- 2020?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trong năm 2019, đất nước tiếp tục có nhiều khởi sắc trong một thế giới đầy biến động vì xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị. Chúng ta đạt được mức tăng trưởng kinh tế trên 7%, cao gấp 3 lần mức tăng trưởng bình quân của thế giới, thuộc nhóm quốc gia có mức tăng trưởng cao nhất khu vực châu Á và toàn cầu. Càng ý nghĩa hơn khi lạm phát được kiểm soát ở mức tăng 2,75%, là mức rất thấp so với mục tiêu dưới 4% mà Chính phủ đặt ra từ đầu năm, góp phần gia tăng tích luỹ, thu nhập cho cả ngân sách quốc gia, doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng: "Chúng ta phải đạt được bước chuyển về “chất” của nền kinh tế" - Ảnh 1.

Tăng trưởng của đất nước phủ khắp các lĩnh vực, vùng miền. Nhìn vào khu vực nông thôn, chúng ta vui mừng khi đang có 54% số xã và 111 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu Nghị quyết của Đảng và Quốc hội trước gần 2 năm. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự không còn là phong trào mà trở thành sự nghiệp tự thân của mỗi người dân, mỗi cấp uỷ, chính quyền. Nhiều vùng quê trên khắp cả nước đã trở thành nơi đáng sống.

Còn chỉ số cảm xúc, tôi cho là rất quan trọng là việc chúng ta đã phối hợp tổ chức thành công Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 tại Hà Nội và thể thao Việt Nam dành 98 tấm huy chương Vàng tại Seagame 30 đã tạo nên những hưng phấn quan trọng cho quốc gia và dân tộc trong kiến tạo, xây dựng đất nước.

-Nguồn lực tài chính quốc gia đang ngày càng được cải thiện tích cực, nợ công, bội chi đang giảm mạnh, thu ngân sách liên tục vượt dự toán… Phó Thủ tướng có thể phân tích rõ hơn về những kết quả này?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Năm 2019, Chính phủ dự kiến tổng thu NSNN ít nhất vượt 3,3% dự toán, tương ứng với trên 46.000 tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7%. Đây là năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu ngân sách Trung ương cung là năm thứ hai vượt dự toán. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển tăng, đạt 26,6%; bội chi NSNN khoảng 3,4% GDP theo đúng yêu cầu của các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Nợ công giảm còn 56,1% GDP (năm 2016 ở mức báo động "Đỏ" là 64,8% GDP).

Kết quả trên đạt được là nhờ nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính ngân sách trong năm 2019 đã đề ra.

Toàn ngành Tài chính đã chủ động đề xuất, triển khai đồng bộ các giải pháp tài chính - NSNN theo Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 25/2016/QH14 của Quốc hội, Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành khá toàn diện các nhiệm vụ tài chính- NSNN, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH của đất nước.

Tuy nhiên, nhiệm vụ thu còn chưa thật sự chắc chắn khi thu nội địa từ nền kinh tế chỉ tăng 1,9% so với dự toán, thấp hơn so với các năm trước, nhiều địa phương thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân giao; thu ngân sách một địa phương còn phụ thuộc khá nhiều các nguồn thu từ đất đai, xổ số kiến thiết,… Do đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính đề xuất và tham mưu các giải pháp cho Chính phủ điều hành công tác thu năm 2020 đạt kết quả cao hơn nữa.

-Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, công tác điều hành nền kinh tế của Chính phủ năm 2019 tiếp tục có bước chuyển khác biệt so với các năm trước đây, khi đặt nhiệm vụ phát triển bền vững đứng trước nhiệm vụ tăng trưởng kinh tế? Phó Thủ tướng chia sẻ như thế nào về nhận định này?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Trước khi đánh giá tính bền vững, chúng ta phải đạt được bước chuyển về "chất" của nền kinh tế. Năm 2019 tiếp tục đánh dấu chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Tăng trưởng kinh tế toàn diện cả ở hai mặt "cung- cầu". Ở phía "cung", sản xuất công nghiệp xây dựng tăng trưởng cao, ước đạt 8,4%, trong đó trong đó riêng công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 11% và tiếp tục khẳng định vai trò "đầu tàu", động lực của tăng trưởng kinh tế, giảm dần sự phụ thuộc vào công nghiệp khai khoáng và tăng trưởng tín dụng (năm nay tăng khoảng 13%, thấp hơn của năm 2018).

Trước khi đánh giá tính bền vững, chúng ta phải đạt được bước chuyển về "chất" của nền kinh tế. Năm 2019 tiếp tục đánh dấu chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, phản ánh qua kết quả tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng"

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

Xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trưởng cao, tăng trên 9%, trong đó đạt kim ngạch xuất khẩu đạt 263 tỷ USD, góp phần đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước xác lập kỷ lục mới 500 tỷ USD vào những ngày đầu của tháng cuối cùng năm 2019, sau khi bước qua mốc 400 tỷ USD mới chỉ cách đây 2 năm.

Cùng với việc mở rộng thị trường, sức mua hàng hoá trong nước (cầu) tăng so với năm ngoái và vẫn duy trì mức tăng trưởng trên 2 con số, vốn trước đây chúng ta khó đạt được mức tăng này. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng khoảng 12%, được hỗ trợ bởi các yếu tố vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, các hình thức thanh toán tiện lợi phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, du lịch tiếp tục phát triển khi tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt khoảng 18 triệu lượt người, tăng 15,4% so với cùng kỳ, đạt mục tiêu của Nghị quyết số 08-NQ/TW năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trước hơn một năm.

Đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp TFP hàng năm đã đạt trên 40%, tức là cao hơn giai đoạn trước là 33,58% và vượt mục tiêu đề ra là 30-35%. Năng suất lao động, giai đoạn 2016-2019 cũng đạt khá cao là 5,8%/năm, vượt mục tiêu của kế hoạch 5 năm là 5,5%.

Trên cơ sở các chỉ tiêu kinh tế khởi sắc, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo thực hiện hiệu quả các chỉ tiêu xã hội, trong đó nổi bật là về đích trước gần hai năm về xây dựng nông thôn mới trên toàn quốc và ở phạm vi từng vùng lãnh thổ; tỷ lệ giảm nghèo, nhất là ở các huyện nghèo vượt mục tiêu đề ra. Những kết quả này góp phần quan trọng vào nỗ lực kéo giảm khoảng cách giàu nghèo ở khu vực thành thị và nông thôn. Nhiều vùng nông thôn đã trở thành nơi đáng sống.

Phó Thủ tướng: "Chúng ta phải đạt được bước chuyển về “chất” của nền kinh tế" - Ảnh 2.

Mục tiêu là bảo đảm cân đối ngân sách tích cực

-GDP là số liệu gốc để tính toán các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô khác như nợ công, nợ nước ngoài, nợ chính phủ, bội chi, thu ngân sách nhà nước. Vậy những chỉ số này sẽ thay đổi như thế nào trong giai đoạn tới đây, thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Hiện tại các các bộ, ngành đang triển khai đánh giá lại quy mô GDP là cơ sở để hoàn thiện báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII; là căn cứ để xây dựng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Kết quả này cũng được sử dụng để xây dựng Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2016 và Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng sử dụng số liệu đánh giá lại để xây dựng kế hoạch cho giai đoạn 5 năm tới.

Tuy nhiên, dù thế nào thì chúng ta vẫn phải triển khai các quan điểm, mục tiêu lớn về tài chính tại Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, mục tiêu là bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước. Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016 - 2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

-Trong Chiến lược phát triển đất nước trong giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025, các chuyên gia kinh tế đề nghị tiếp tục coi trọng vai trò của doanh nghiệp, không chỉ ở chủ trương của Đảng mà còn trong từng chính sách, giải pháp của Nhà nước khi thực hiện chức năng của mình. Phó Thủ tướng có thể cho biết những định hướng căn bản của Chính phủ trong việc phát huy sức mạnh của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân giai đoạn tới?

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Doanh nghiệp, doanh nhân là động lực quan trọng phát triển của đất nước trong giai đoạn tới theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW về kinh tế tư nhân và Nghị quyết số 12-NQ/TW về doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ cũng ban hành các Nghị quyết số 02 (mà trước đây là 19/NQ-CP) của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã thể hiện rất rõ tinh thần này, nhằm tạo mọi nguồn lực, điều kiện để phát triển doanh nghiệp.

Phó Thủ tướng: "Chúng ta phải đạt được bước chuyển về “chất” của nền kinh tế" - Ảnh 4.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng có bài viết về giải phóng các nguồn lực đưa đất nước phát triển, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là cần tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh để tạo thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân, trước hết là doanh nghiệp chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có chính sách ưu đãi phát triển các ngành, nghề kinh doanh, các mô hình kinh doanh mới thể hiện tinh thần nắm bắt, tiến kịp và vượt trước một số lĩnh vực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư.

Hay như tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp năm 2019 diễn ra cuối tháng 12/2019, một lần nữa chúng ta nhận thấy quyết tâm của Chính phủ trong cải cách bộ máy, tiến tới xoá bỏ sự trì trệ, cửa quyền, tham nhũng "vặt" trong xử lý công việc nhằm tạo thuận lợi nhất cho hoạt động của doanh nghiệp và người dân.

Dù trong giai đoạn phát triển nào của đất nước đi nữa thì đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và doanh nghiệp vẫn là lực lượng nòng cốt của Đảng, Nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hoá, khoa học, giáo dục và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội.

-Cảm ơn Phó Thủ tướng đã chia sẻ! 

Hà Giang 

Ảnh: Nam Nguyễn