Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để gài bẫy bạn đời và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi

HY LI | 08-08-2020 - 20:56 PM

(Tổ Quốc) - Bất kỳ công ty nào liên quan đến các mối quan hệ giữa người với người đều có thể phát triển rất tốt tại Nhật Bản.

Năm 2010, một vụ án mạng vì tình đã gây chấn động cả Nhật Bản, hung thủ là Kuwabara Takeshi (30 tuổi) đã bị kết án giết người tình của mình là người phụ nữ tên Rie. Nhưng điều khiến dư luận xôn xao không phải vì tình tiết của vụ án mà là danh tính của kẻ giết người.

Kuwabara Takeshi là một "diễn viên" được chồng của Rie thuê để quyến rũ cô với mục đích tạo điều kiện cho hai vợ chồng ly hôn dễ dàng hơn. Nhiều trường hợp ly hôn ở Nhật Bản vẫn yêu cầu bằng chứng ngoại tình của vợ hoặc chồng.

Trở thành "tiểu tam", sau đó cố ý để người khác chụp lại ảnh làm bằng chứng ngoại tình là công việc chính của Kuwabara Takeshi. Nhưng đến khi tiếp cận với Rie, Kuwabara Takeshi đã phải lòng người phụ nữ này.

Khi chồng của Rie có được bằng chứng vợ ngoại tình và ly hôn thành công, cũng là lúc Kuwabara Takeshi và Rie công khai hẹn hò và trở thành một cặp đôi thật sự.

Tuy nhiên, thời gian hạnh phúc giữa họ kéo dài không bao lâu. Khi Rie phát hiện mục đích Kuwabara Takeshi tiếp cận cô lúc ban đầu, cô đã tức giận và muốn cắt đứt quan hệ với đối phương. Kuwabara Takeshi không muốn để người tình ra đi nên đã dùng dây thừng siết cổ Rie đến chết. Cuối cùng, hung thủ bị kết án 15 năm tù.

Nói một cách đơn giản, "tiểu tam" là người thứ 3 chen chân vào một mối quan hệ vốn chỉ dành riêng cho hai người. Thông thường, những cô ả xen vào chuyện tình cảm của người khác sẽ bị xem là "tiểu tam", nhưng ít ai biết rằng nam giới nếu có hành vi tương tự cũng được gọi là "tiểu tam".

Ở Nhật Bản, nghề "tiểu tam" đã trở thành công việc phổ biến. Trước khi xảy ra vụ án của Kuwabara Takeshi, không ai nghĩ sự tồn tại của công việc này dẫn đến nhiều hệ lụy.

Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để "bẫy" người khác và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Những bậc thầy chia rẽ đôi lứa

Vào những năm 1980, tại Nhật Bản rất thịnh hành loại hình công ty 別れさせ屋 (Wakaresaseya), có thể hiểu theo nghĩa là "văn phòng chia tay". Sự tồn tại của những công ty này là để giúp khách hàng chia tay.

Mặc dù công việc chính của ngành nghề này là giúp các cặp tình nhân hoặc vợ chồng chia tay nhưng đôi khi cũng có các dự án đặc biệt như giúp khách hàng rời xa những người bạn xấu, giúp mọi người từ bỏ những thói quen xấu như thuốc lá hoặc rượu bia, giúp các thần tượng rời khỏi những công ty quản lý "hút máu".

Đến năm 2000, đã có hàng chục công ty như thế xuất hiện tại Nhật Bản. Số lượng những công ty này đã tăng lên nhanh chóng và hiện tại đã có gần 300 công ty rải rác khắp Nhật Bản.

Theo thống kê, 73% khách hàng của "văn phòng chia tay" là phụ nữ và ở độ tuổi 20 - 50. Những người tìm đến văn phòng chia tay có rất nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như: Chồng (hoặc vợ) có nhiều mối quan hệ ngoài luồng và muốn nhờ công ty để cắt đứt với nhân tình.

Chồng (hoặc vợ) không muốn ly hôn nên phải nhờ đến công ty, tìm người quyến rũ vợ (hoặc chồng), khiến họ yêu nhân viên công ty và chấp nhận ly hôn.

Chồng (hoặc vợ) từ chối ly hôn vì một số lý do nào đó, khách hàng tìm đến công ty để lên kế hoạch dàn dựng một vụ ngoại tình, chụp ảnh làm bằng chứng để hoàn tất thủ tục ly hôn.

Thỉnh thoảng cũng có khách hàng nữ muốn nhân viên công ty đóng giả "tiểu tam" để quyến rũ người chồng bạo lực hay những kẻ theo đuổi dai dẳng, giúp những người phụ nữ thoát khỏi cảnh khổ.

Một số người phụ nữ khác sợ bị trả thù sau khi chia tay hoặc từ chối lời tỏ tình nên đã tìm đến các "văn phòng chia tay" để nhờ vả các "bậc thầy chia rẽ" quyến rũ đối phương, khiến phái nam thay lòng yêu người khác và không còn hứng thú với họ nữa. Khi đó những người đàn ông sẽ chủ động ra đi và không oán hận những người phụ nữ yếu đuối kia.

Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để "bẫy" người khác và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Đã từng có một "văn phòng chia tay" nhận tiền từ một người vợ để tìm ra 5 nhân tình của chồng, sau đó phá vỡ mối quan hệ vợ chồng của họ. Thậm chí, các "bậc thầy chia rẽ" còn kiếm được khá nhiều lợi nhuận từ giới giải trí. Trong những năm gần đây có rất nhiều thông tin về nghệ sĩ ngoại tình, nếu các công ty quản lý không muốn để nghệ sĩ của mình tiếp tục sa ngã, họ sẽ tìm mọi cách để chia rẽ mối quan hệ tiêu cực đó.

Làm "tiểu tam" đi quyến rũ người khác để đạt được mục đích của mình, nghe sơ qua có lẽ khá xấu hổ. Tuy nhiên, các "văn phòng chia tay" đều có quy tắc riêng. Trước khi bắt đầu công việc, "bậc thầy chia rẽ" đều sẽ tìm hiểu nguyên nhân khách hàng muốn chia tay hoặc ly hôn, sẽ tìm thêm thông tin về đối tượng cần quyến rũ.

Vì hầu hết các quản lý của "văn phòng chia tay" xuất thân từ thám tử tư nên không khó để họ nắm trong tay những thông tin về khách hàng. Nếu mục đích của khách hàng quá ích kỷ, không hợp lý hoặc quá nguy hiểm thì "văn phòng chia tay" sẽ từ chối "đơn đặt hàng" này.

Sau khi xác nhận đề xuất của khách hàng có thể thực hiện được, phía "văn phòng chia tay" sẽ lập kế hoạch chi tiết rồi mới bắt đầu thực hiện.

Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để "bẫy" người khác và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi - Ảnh 3.

Trước khi bắt đầu công việc, "bậc thầy chia rẽ" đều sẽ tìm hiểu nguyên nhân của khách hàng. (Ảnh minh họa)

Những "tiểu tam" chuyên nghiệp: Vừa xong việc là bốc hơi ngay

Đầu tiên, sau khi tiếp nhận "đơn hàng", những "bậc thầy chia rẽ" vốn xuất thân từ công việc thám tử tư sẽ tìm hiểu về đối tượng của khách hàng (gọi tắt là mục tiêu): Người này tính cách như thế nào, thích mẫu người ra sao, ra khỏi nhà lúc mấy giờ, đi xe gì, làm việc ở đâu, mua thức ăn ở đâu,...

Dựa trên những thông tin này, một kế hoạch chia rẽ sẽ được xây dựng chi tiết. Sau đó, "tiểu tam" chuyên nghiệp bắt đầu ra tay.

Những "tiểu tam" chuyên nghiệp này hoàn toàn khác với các "bậc thầy chia rẽ". Các "bậc thầy chia rẽ" là người lập nên kế hoạch chia rẽ, là người đứng sau viết nên kịch bản dành cho "tiểu tam" chuyên nghiệp thực hiện.

"Tiểu tam" chuyên nghiệp hầu hết đều là những người từng được đào tạo diễn xuất hoặc có kinh nghiệm diễn xuất. Và không nhất thiết phải nhập vai người thứ 3 mà có thể tiếp cận mục tiêu bằng cách trở thành anh chị em tốt của họ.

Dựa vào kịch bản do "bậc thầy chia rẽ" viết ra, những "tiểu tam" chuyên nghiệp sẽ chạm mặt mục tiêu theo thời gian và địa điểm đã định sẵn. Ví dụ như một "tiểu tam" chuyện nghiệp có thể giả vờ quên tiền khi mua vé tàu điện ngầm và nhờ vả mục tiêu thanh toán giúp mình. Sau đó sẽ mời mục tiêu dùng bữa để cảm ơn. 

Từ 1 - 2 lần gặp gỡ như thế, họ sẽ trao đổi số điện thoại, rồi chuyển sang trò chuyện trực tuyến và cuối cùng sẽ khiến mục tiêu tin tưởng rồi rơi vào lưới tình. Tuy nhiên, do một số hạn chế pháp lý, các "tiểu tam" này sẽ không phát sinh quan hệ thể xác với mục tiêu.

Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để "bẫy" người khác và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi - Ảnh 4.

Ảnh minh họa.

Đã từng có một người phụ nữ đến tìm "văn phòng chia tay" ủy thác. Cô tin chắc chồng mình Bungo đã ngoại tình nhưng cô không biết rõ danh tính của ả nhân tình. Do đó, người phụ nữ này đã tìm đến sự giúp đỡ của các "bậc thầy chia rẽ" ở đây. 

"Văn phòng chia tay" bắt đầu xem xét những thông tin mà khách hàng cung cấp, sau đó theo dõi người chồng trong 1 tháng sau đó, tìm hiểu về bạn bè và những thói quen sống của ông ta và kết luận, người chồng này thật sự đã ngoại tình.

Họ phát hiện Bungo đến từ Kagoshima và có thói quen tập thể dục. Chính vì vậy, "bậc thầy chia rẽ" đã cử một nhân viên nam có giọng Kagoshima đến phòng tập mà Bungo thường đến. Quả nhiên, sau khi nhận ra trong phòng tập có người đồng hương, Bungo đã tiến đến làm quen và dần dần một tình bạn đã được thiết lập. 

Vì "bậc thầy chia rẽ" đã điều tra kĩ lưỡng về mục tiêu, biết rõ người đó thích cái gì, muốn làm gì,... nên việc tìm kiếm chủ đề chung không hề khó khăn. 

Không lâu sau đó, "văn phòng chia tay" đã nắm rõ một số thông tin cơ bản về nhân tình của Bungo. Tuy nhiên, vở kịch vẫn chưa kết thúc. "Bậc thầy chia rẽ" tiếp tục cử thêm một nhân viên nữ khác trở thành bạn thân tốt của cô ả nhân tình kia. Người này sẽ tiếp cận cô nhân tình theo cách tương tự như đồng nghiệp đã tiếp cận Bungo và tìm hiểu thêm về mẫu đàn ông yêu thích, sở thích sống,... 

Sau vài tháng đặt nền móng thì "bậc thầy chia rẽ" quyết định kết thúc vở kịch, đây là lúc "tiểu tam" chuyên nghiệp hành động. "Văn phòng chia tay" sẽ tìm một "tiểu tam" có đầy đủ những đặc trưng mà cô nhân tình kia yêu thích. 

Chính người bạn thân của cô nhân tình sẽ sắp xếp cơ hội để cả hai gặp nhau. Anh chàng "tiểu tam" sẽ nhanh chóng khiến cô nhân tình thay lòng. Một thời gian ngắn sau, cô gái kia đã chủ động chia tay với Bungo vì đã yêu "tiểu tam" chuyên nghiệp. Lúc này, anh chàng "tiểu tam" bắt đầu ít liên lạc và cuối cùng biến mất khỏi cuộc đời cô nhân tình kia.

"Văn phòng chia tay" đã sử dụng 4 nhân sự và mất 4 tháng để chia rẽ mối quan hệ lén lút của ông Bungo. 

Nghề "tiểu tam" ở Nhật Bản: Dịch vụ tiền tỷ cho thuê trai xinh gái đẹp để "bẫy" người khác và hệ lụy đạo đức - pháp luật gây tranh cãi - Ảnh 5.

Ảnh minh họa.

Chi phí của mỗi "đơn đặt hàng" rất cao bởi tính chất công việc đòi hỏi nhiều tiền bạc và thời gian. Tuy nhiên, khách hàng của "văn phòng chia tay" đa phần cũng là những người giàu có. Đối với những trường hợp đơn giản, mức phí có thể là 400 nghìn Yên (hơn 85 triệu VND).

Với những trường hợp phức tạp hơn, ví dụ như đối tượng mục tiêu là những người có địa vị cao (chính trị gia, người nổi tiếng) thì mức phí lên đến 20 triệu Yên (4,38 tỷ VND). 

Ranh giới phạm pháp và những vấn đề đạo đức

Một trong những nguyên nhân khiến chi phí cao như thế là vì công việc khiến nhân viên phải đối mặt với nguy hiểm lớn. 

Tại các "văn phòng chia tay", mỗi cá nhân đều buộc phải nắm vững pháp luật Nhật Bản từ luật hôn nhân đến luật dân sự và hình sự. Bởi khi làm nhiệm vụ, chắc chắn họ sẽ gặp phải những vấn đề nằm giữa ranh giới phạm pháp. Nếu vi phạm pháp luật, hậu quả sẽ rất khó giải quyết. 

Ngoài pháp luật, một vấn đề nhức nhối khác chính là đạo đức. Một số người theo nghề "tiểu tam" chuyên nghiệp đã không chịu nổi áp lực và sự lên án của lương tâm nên đã bỏ việc, gây ảnh hưởng lớn đến công ty. Một số khác sẽ rơi vào tình cảnh như Kuwabara Takeshi. 

Sau vụ án mạng liên quan đến Kuwabara Takeshi, các "văn phòng chia tay" đã bị phạt nhưng hiện tại, họ đã trở lại với khối lượng "đơn đặt hàng" ngày càng nhiều hơn.

Người Nhật Bản luôn lo lắng về mối quan hệ giữa người với người. Một học giả người Anh từng nghiên cứu về các "văn phòng chia tay" ở Nhật Bản, cho biết: Bất kỳ công ty nào liên quan đến "các mối quan hệ" đều có thị trường hoạt động tại Nhật Bản, dù đó là những công ty giúp khách hàng chia tay, xin lỗi hay giả thành viên gia đình đến dự tang lễ,... 

Nguồn: Zhihu, Toutiao

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM