• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ sĩ Quang Khải: Nhà hát Cải lương Việt Nam luôn có lộ trình đào tạo các thế hệ trẻ

11/07/2018 09:12

(Cinet) – Nghệ sĩ Cải lương Quang Khải chia sẻ, khi mới ra trường các bạn sinh viên sẽ chưa có kinh nghiệm được diễn xuất. Vậy nên nhà hát luôn có những “lộ trình” để đào tạo cũng như ưu tiên cho các nghệ sĩ trẻ được trau dồi kinh nghiệm diễn xuất.

(Cinet) – Nghệ sĩ Cải lương Quang Khải chia sẻ, khi mới ra trường các bạn sinh viên sẽ chưa có kinh nghiệm được diễn xuất. Vậy nên nhà hát luôn có những “lộ trình” để đào tạo cũng như ưu tiên cho các nghệ sĩ trẻ được trau dồi kinh nghiệm diễn xuất.

+ Cảm xúc của anh thế nào khi Bộ VHTTDL mới đây đã thông báo kết xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ nhân dân”, “Nghệ sĩ ưu tú” lần thứ 9 năm 2018 tại Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và có tên mình trong danh sách được xét tặng “nghệ sĩ ưu tú”?

- Cảm xúc của mình khi có tên trong danh sách xét tặng NSƯT lần này là hạnh phúc và tự hào cũng như sự biết ơn đến các thầy cô đã dạy bảo và các anh chị em nghệ sỹ của Nhà hát Cải lương Việt Nam đã dìu dắt,  giúp đỡ để mình có được thành quả bước đầu như ngày hôm nay.

 Nghệ sĩ Quang Khải

Và hạnh phúc hơn khi những thành quả bước đầu luôn có bố mẹ, gia đình cùng những người bạn thân thiết, đặc biệt là khán giả luôn bên cạnh động viên và luôn cổ vũ tinh thần cho tôi vượt qua những khó khăn trong sự nghiệp.

+ Nhà hát Cải lương một năm sẽ chỉ dựng hai vở và việc “đỏ đèn” thường xuyên là điều không dễ dàng, thêm vào đó khán giả cũng rất kén. Điều này sẽ thiệt thòi hơn so với kịch nói. Là một nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghề, anh có thể chia sẻ “dũng khí” nào để anh vượt qua được mọi trông gai với nghề?

- Tôi không biết các nghệ sĩ khác thế nào. Quan điểm của tôi, chúng ta có đủ khả năng làm nhiều nghề nhưng chúng ta phải lựa chọn nghề nào mà mình yêu thích, đắm đuối. Khi mình nỗ lực, cố gắng và cống hiến hết mình thì nghề sẽ không phụ ta.

+ Như anh chia sẻ, một năm nhà hát chỉ dựng hai vở diễn, điều nay sẽ rất khó khăn với những bạn trẻ khi bước chân vào nghề, vì cơ hội được đứng trên sân khấu là rất hiếm. Điều này dẫn đến tình trạng thế hệ trẻ hờ hững với nghề, anh có nhận xét gì?

+ Với các đơn vị nghệ thuật khác tôi không rõ nhưng với riêng Nhà hát Cải lương Việt Nam thì các bạn trẻ được tạo điều kiện hết mức với nghề. Tôi năm nay đã chuyển sang ‘dàn hai’, đóng những vai lớn tuổi để cho các bạn trẻ được đứng trên sân khấu nhiều hơn.

Vở Vua phật của Nhà hát Cải lương Việt Nam

Khi mới vào nhà hát, các bạn thường sẽ mất ba đến bốn năm để học phong cách nghệ thuật của nhà hát, cũng là để rèn luyện thêm cho các bạn thêm kinh nghiệm.

Nhà hát đã có lộ trình để đào tạo các bạn, để các bạn đứng trên sân khấu sẽ được tỏa sáng đúng thời điểm. Bởi nghệ thuật không cho phép sai lầm và cần có thời gian để trau dồi.

Tôi làm nghề từ năm 2000 nhưng sau 12 năm mới tham gia vài cuộc thi và có giải thưởng. Năm 2012, có một dàn nghệ sĩ trẻ tham gia hội diễn tại Đồng Nai, trong vở ‘Mê cung’ như Minh Hải, Như Quỳnh. Dường như việc họ lần đầu tiên có mặt trong hội diễn đã khiến khán giả phương Nam rất bất ngờ.

Tuổi thanh xuân, sức trẻ được Nhà hát mài dũa, được trang bị đẩy đủ từ thẩm mỹ nghệ thuật đến kỹ năng, để khán giả nhìn vào và đánh giá, các bạn trẻ tuổi nhưng không non nghề.

+  Khán giả trẻ ngày nay thường nói nghệ thuật Cải lương nghe rất ‘sầu’ vì thế không mặn mà, là một nghệ sĩ lâu năm anh có điều gì muốn chia sẻ?

- Khán giả có quyền lựa chọn một loại hình nghệ thuật các bạn yêu mến. Nhưng khi các bạn bước ra thế giới, các bạn có thể hát tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếp thu văn hóa châu Âu mới mẻ.

Tôi khích lệ việc chọn loại hình nghệ thuật để mình yêu thích nhưng mong các bạn hãy bình tĩnh để tiếp nhận, học tập, hiểu được từng loại hình nghệ thuật. Khi hiểu được lại có nền tảng văn hóa truyền thống Việt Nam, điều này sẽ nâng tầm trình độ, văn hóa hiểu biết tuyệt vời hơn rất nhiều.

Trong Cải lương, chiều sâu tâm lý của nhân vật được bộc lộ qua cảm xúc, giai điệu êm ái. Các vở diễn Cải lương thường nói đến những nhân vật lịch sử hào hùng, những vị vua xuất phát từ nông dân…Khi các bạn chưa hiểu được hết thì không nên áp đặt Cải lương là ‘sầu’, các bạn hãy đến để xem và hiểu hơn về loại nghệ thuật truyền thống này. Khi hiểu được, tôi tin các bạn sẽ thấy hay và yêu thích Cải lương.

+ Nhà hát Cải lương đã dựng những vở vở kỳ công, đầu tư từ sức lực đến tiền bạc rất nhiều nhưng thực sự vẫn chưa tiếp cận được nhiều với khán giả, theo anh đâu là nguyên nhân?

- Tôi nghĩ một phần do mảng truyền thông còn hạn chế. Chiến lược marketing muốn được đẩy mạnh thì phải có chiến lược truyền thông mạnh, và phải có tài chính thật tốt. Nhưng các đơn vị nhà nước chỉ có mỗi kinh phí đầu tư cho vở diễn, một chút dành cho truyền thông thì dường như vẫn chưa tới nơi, nếu không muốn nói là dành cho chiến lược marketing hầu như là không có.

Điều này đang trong giai đoạn rất bất cập, đã đầu tư cho vở diễn, tác phẩm sân khấu, bồi dưỡng cho anh em, trang phục…nên kinh phí dành cho truyền thông hầu như là không có.

Tôi nghĩ trong đề án xin kinh phí dựng vở thì có nên chăng thêm phần xin kinh phí để dành cho marketing và truyền thông. Để làm gì? Để làm thương hiệu, xây dựng thương hiệu cho vở diễn đó, trước, trong và sau khi công diễn vở, thì vở diễn đó mới được đông đảo công chúng biết đến, mới được đi diễn nhiều nơi.

Vậy nên bản thân chiến lược truyền thông marketing phải luôn được duy trì, thì khán giả người ta mới quan tâm đến. Từ đó, việc tổ chức bán vé, tổ chức cho khán giả xem vở diễn sân khấu sẽ đạt được hiệu quả./.

+ Xin chân thành cảm ơn nghệ sĩ Quang Khải!

 

 

 

 

Ngô Đồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ