• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ thuật biểu diễn: Đổi mới là sống còn – Nhìn từ Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018

30/06/2018 14:02

(Cinet) – Tương lai của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, vào từng nghệ sỹ. 

(Cinet) – Tương lai của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Việt Nam phụ thuộc vào lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, vào từng nghệ sỹ. 

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Vương Duy Biên tại “Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc - 2018” (đợt1) do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Hội Nhạc sĩ Việt Nam; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng tổ chức khai mạc tối 29/6 tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng.

Quy tụ 12 đơn vị nghệ thuật từ các tỉnh phía Bắc tham gia, liên hoan năm nay đánh dấu nhiều đổi mới và nỗ lực từ phía Ban tổ chức và các đơn vị tham dự, với mục tiêu cuối cùng là cống hiến cho công chúng Cao Bằng những chương trình nghệ thuật đặc sắc. 

Tiết mục múa tại Khai mạc Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018

Đây cũng là dịp để cho các nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn thuộc các đơn vị Ca, Múa, Nhạc giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm trong quá trình lao động, sáng tạo nghệ thuật; tăng cường tính chuyên nghiệp, đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng hướng đi phù hợp với cuộc sống đương đại đồng thời biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân nghệ sĩ có nhiều đóng góp cho nghệ thuật ca múa nhạc Việt Nam.

Năm nay, liên hoan quy tụ 12 đơn vị nghệ thuật tham gia bao gồm: Đoàn Nghệ thuật tỉnh Cao Bằng, Nhà hát Ca Múa Nhạc tỉnh Sơn La; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Tuyên Quang; Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc; Đoàn Ca Múa Hải Phòng; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên; Đoàn Nghệ thuật tỉnh Điện Biên; Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc; Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn Thanh Hóa; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Lào Cai; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Yên Bái; Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.

Đổi mới là sống còn

Trong bối cảnh hiện nay, khi các đơn vị nghệ thuật đang gặp rất nhiều khó khăn, việc 12 đơn vị nghệ thuật các tỉnh phía Bắc tham dự Liên hoan là thành công rất lớn của Ban Tổ chức cũng như đánh giá sự nỗ lực của các đơn vị nghệ thuật tại địa phương.

Ngay trong bài phát biểu khai mạc liên hoan, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vương Duy Biên đã nhấn mạnh đến những nỗ lực của các đoàn nghệ thuật: "Các nghệ sỹ, lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật đã có những cố gắng vượt bậc, vượt lên cả những nỗ lực các đơn vị đã từng có trong mấy chục năm tồn tại với tư cách là một đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, độc lập, để đến tham dự liên hoan, khi bên cạnh những hiệu quả tích cực, việc chuyển đổi, sắp xếp lại các đơn vị công lập lĩnh vực nghệ thuật theo Nghị quyết TƯ 6 cũng đang tác động trực tiếp đến cuộc sống, nghề nghiệp, tâm tư, tình cảm của các nghệ sĩ."

Như ông Chu Tâm Huy – Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng cho biết: “Hải Phòng có 5 đoàn nghệ thuật thì 3 đoàn nghệ thuật sân khấu là rối, chèo, cải lương sẽ hợp thành một đầu mối là đoàn nghệ thuật truyền thống. Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng tuy không bị sát nhập nhưng sẽ phải tự chủ từng phần từ nay đến năm 2021. Điều này đòi hỏi trách nhiệm cao hơn của trưởng đoàn cũng như diễn viên trong đoàn, đòi hỏi sự chuyên tâm với nghề và nỗ lực cao hơn nữa.”

Bên cạnh đó là ngổn ngang những khó khăn về cơ sở vật chất, về thiếu hụt diễn viên trong các đoàn nghệ thuật. Ông Lê Xuân Thủy – Trưởng đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc nêu khó khăn lớn vì thiếu hụt diễn viên đặc biệt khi về nguyên tắc không được sử dụng lao động hợp đồng. 

Tự chủ, tự chịu trách nhiệm, các đoàn nghệ thuật đang đứng trước những thách thức sống còn và đỏi hỏi sự đổi mới toàn diện. Trong đó, sự đổi mới trong tư duy, cơ cấu tổ chức, cách thức biểu diễn... là sự chuyển mình cần thiết để bắt kịp với sự phát triển của xã hội trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của hoạt động nghệ thuật biểu diễn.

Vậy sân khấu nghệ thuật biểu diễn đang đứng trước những thách thức nào cần vượt qua? GS Trần Trí Trắc đã có những nhận định rất thẳng thắn: “Thứ nhất là các nghệ sĩ sáng tạo của những nhà hát đang bị mang một tư duy cũ là tư duy bao cấp, chưa thích ứng với tư duy đổi mới.  Trong cơ chế thị trường lại đòi hỏi phải cạnh tranh, đòi hỏi phải phù hợp với nhu cầu của khán giả. Đó là nhược điểm lớn nhất đáng phê bình. Thứ hai là tư duy sáng tạo lại càng cũ hơn, cũ đến mức “chưa xem người ta biết rồi”. Càng cũ hơn lại càng mất khán giả hơn, càng mất khán giả hơn lại càng “đói” hơn, càng “đói” hơn lại càng chán nghề hơn.”

"Chúng ta đang thay đổi và chúng ta cần chủ động thay đổi. Tương lai của nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp Việt Nam luôn phụ thuộc vào lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật, vào từng nghệ sỹ. Chúng ta đã, đang và vẫn sẽ là những người chiến sỹ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; vẫn mãi là những người giữ lửa đam mê nghệ thuật để văn hóa dân tộc có thể chảy mãi trong từng lời ca, điệu múa, trong từng tác phẩm nghệ thuật mà chúng ta sẽ sáng tạo trong tương lai" - Thứ trưởng Vương Duy Biên nhấn mạnh.

Biểu diễn nghệ thuật cũng phải vận động theo nhu cầu phát triển của xã hội

Tín hiệu vui từ sự đổi mới của Ban tổ chức Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc 2018

Vượt qua nhiều khó khăn, các đơn vị nghệ thuật đã tích cực luyện tập để mang đến những tiết mục hấp dẫn. Trong đó, hầu hết các đơn vị đều đánh giá cao sự đổi mới của Ban tổ chức năm nay. 

Ông Chu Tâm Huy – Trưởng Đoàn Ca múa nhạc Hải Phòng chia sẻ: “Đây là lần thứ 4 tôi tham dự Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc. Đối với đoàn ca múa nhạc Hải Phòng nói riêng, cũng như các đoàn nghệ thuật tham gia liên hoan nói chung, chúng tôi đánh giá Ban Tổ chức đã có đổi mới rất nhiều so với những cuộc thi trước. Như về khâu tổ chức, đã giảm xuống mỗi buổi một đoàn để giúp các đơn vị có nhiều thời gian chuẩn bị hơn. Riêng khâu chuẩn bị, năm nay Ban tổ chức đã sắp xếp chu đáo cho các đoàn tham gia.”

Ông Lê Xuân Thủy – Trưởng Đoàn Nghệ thuật Ca Múa Nhạc tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng đổi mới lớn nhất so với các kỳ liên hoan trước đây là  chương trình khai mạc được xây dựng thành một gala rất hấp dẫn. Sự góp mặt của đông đảo nghệ sĩ trên mọi miền đất nước đã tạo nên một đêm nghệ thuật khai mạc thật ấn tượng với nhiều sắc màu và có chất lượng nghệ thuật cao, thu hút khán giả đến với Liên hoan. Đây là dịp để anh em được giao lưu, học hỏi, xem phong cách biểu diễn, và có tinh thần tốt nhất cho các phần thi trong những ngày tiếp theo.

Giành sự ưu tiên lớn nhất cho khán giả - mục đích tối thượng là mang nghệ thuật đến công chúng (Hơn

Những người “cầm cân nẩy mực” tại "Liên hoan Ca, Múa, Nhạc toàn quốc 2018" là những nghệ sĩ có chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động nghệ thuật như: nhạc sĩ Nguyễn Đức Trịnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam - Chủ tịch Hội đồng; NSƯT Trần Ly Ly, Quyền Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam; NSƯT Tạ Minh Tâm, Phó Giám đốc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh; NSƯT Hoàng Xuân Bình, Phó Giám đốc Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam; nhạc sĩ Hồ Hoài Anh, Giảng viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.

700 ghế của Trung tâm Hội nghị tỉnh Cao Bằng không còn chỗ trống, điều này chứng tỏ sự quan tâm của công chúng đối với Liên hoan); Giành sự quan tâm tới các đoàn nghệ thuật để họ dồn thời gian và chất xám vào nghệ thuật, để cùng trao đổi, sẻ chia và học tập lẫn nhau để cùng nhau phát triển mà không đặt nặng thắng thua; Đổi mới ở công tác giám khảo để đảm bảo sự công bằng và khách quan, cũng như đưa những góc nhìn mới về nghệ thuật đương đại vào các liên hoan mang tầm quốc gia… liên hoan năm nay chứng kiến sự đổi mới tích cực từ phía đơn vị tổ chức để khẳng định vị thế của một liên hoan tầm quốc gia. Một sân chơi lớn dành cho các đoàn nghệ thuật phô diễn, học hỏi và phát triển.

Gia Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ