• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghệ thuật trình diễn vẫn đang đi con đường riêng

Văn hoá 28/05/2018 07:43

(Tổ Quốc) - Nghệ thuật trình diễn mặc dù có tuổi đời khá ‘trẻ’ so với các loại hình nghệ thuật khác nhưng không thể phủ nhận sự tồn tại và vai trò của nó  trong đời sống nghệ thuật đương đại.

Có thể nói, ở Việt Nam, nghệ thuật trình diễn chỉ thực sự được hòa nhập với đời sống văn hóa kể từ sau đổi mới và được manh nha hình thành từ những năm cuối thế kỷ XX, là thời điểm đánh dấu sự bùng nổ của nghệ thuật trong nước. Cũng giống như các loại hình nghệ thuật dân gian, nghệ thuật hiện đại, các hình thức thể nghiệm nghệ thuật đương đại mới được các nghệ sĩ Việt Nam đầu tư thể hiện với những tiết mục công phu và đa dạng các loại hình thể hiện. 

Mặc dù trên thế giới, thập kỷ 90 thế kỷ XX, nghệ thuật trình diễn đã phát triển rầm rộ nhưng tại Việt Nam đây chỉ là thời gian bắt đầu của nghệ thuật trình diễn với một số thể nghiệm nghệ thuật đương đại thu hút được sự quan tâm của những người trẻ yêu nghệ thuật bởi sự khác lạ của những màn trình diễn mới mẻ được trình diễn ở các địa điểm mở cửa tự do.  

Trình diễn ‘In to the sea’ của hai anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải (ảnh Singapore Biennale 2013)

Những ảnh hưởng của mở cửa giao lưu văn hóa với thế giới tác động không nhỏ lên đời sống nghệ thuật trong nước. Các nghệ sĩ trong nước có thêm nhiều cơ hội để học hỏi, trao đổi kỹ năng và kinh nghiệm sáng tác với các nghệ sĩ ở những đất nước phát triển mà qua đó họ tiếp thu tinh thần sáng tạo nghệ thuật, tìm cách nâng tầm cái tôi, thể hiện quan điểm của cá nhân trước các vấn đề xã hội qua các loại hình nghệ thuật. 

Đầu những năm 2000 đánh dấu hàng loạt sự kiện nghệ thuật trình diễn với những tên tuổi mà đến giờ vẫn được những người quan tâm đến nghệ thuật đương đại nhắc đến như Đào Anh Khánh, Easola Thủy, Nguyễn Xuân Sơn, Nguyễn Văn Cường, Ly Hoàng Ly, Trần Lương, Trương Tân, Trần Việt Đức… cùng đó là sự xuất hiện của các workshop, các trung tâm sáng tạo nghệ thuật ở cả 3 miền ghi dấu nghệ thuật hiện đại trong đời sống nghệ thuật Việt Nam.

Thời gian sau đó xuất hiện nhiều gương mặt nghệ sĩ trẻ tham gia trình diễn nghệ thuật, thậm chí lựa chọn trình diễn là nghệ thuật chính cho sự nghiệp hoạt động nghệ thuật của mình, như Nguyễn Phương Linh, Lại Thị Diệu Hà, Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Văn Trường, Ngô Thị Thùy Duyên, Lê Vũ, Lê Ngọc Thanh - Lê Đức Hải… Cùng đó, không gian trình diễn đã được mở ra phạm vi rộng hơn, các cuộc giao lưu biểu diễn chung với các nghệ sĩ quốc tế giúp các nghệ sĩ chuyên nghiệp hơn, mà sự kiện Festival nghệ thuật trình diễn quốc tế tại Đà Lạt do Gallery Không gian xanh tổ chức có sự tham gia của các nghệ sĩ trong nước cùng các nghệ sĩ tới từ Nhật Bản và Singapore là một ví dụ.

Thế nhưng, với những đặc trưng riêng biệt của nó, đây vẫn là một loại hình nghệ thuật kén khán giả thưởng thức và tới nay vẫn không có nhiều gương mặt nghệ sĩ trình diễn thật sự xuất sắc, nổi tiếng và được công chúng cũng trong và ngoài nước ghi nhận.

Trình diễn nghệ thuật của Đại học Wilkes, Mỹ (ảnh heathersincavage)

Ở bên ngoài Việt Nam, khoảng những năm 40-50 thế kỷ XX, các nghệ sĩ ở một số nước như Nhật, Pháp bắt đầu thể hiện những tác phẩm nghệ thuật trình diễn đầu tiên; những năm 60 đánh dấu sự ra đời của nhiều tác phẩm mới với khái niệm trình diễn nghệ thuật và số lượng nghệ sĩ tăng lên đáng kể- là nguyên mẫu cho loại hình nghệ thuật sau này được gọi là nghệ thuật trình diễn. Trong thời gian này có các nghệ sĩ trình diễn Mĩ Chris Burden, Vito Acconci, cùng đó là sự xuất hiện của tác phẩm video nghệ thuật đầu tiên do Gene Youngblood thực hiện; thập kỷ sau đó đánh dấu sự xuất hiện của loại hình nghệ thuật này ở nhiều nước khác như Anh, Ý, các nước Đông Âu với nhiều nghệ sĩ gắn với loại hình nghệ thuật này như Gilbert và George, Carolee Schneemann, Laurie Anderson…

Những năm 80, sau khi trải qua một quá trình định hình và phát triển, nghệ thuật trình diễn đã trở nên phổ biến và có chỗ đứng trong đời sống văn hóa nghệ thuật thế giới, được truyền thông công nhận bằng các bài báo và chương trình giới thiệu. Tới những năm 90, nghệ thuật trình diễn trở thành một phần của văn hóa chính thống khi được đưa vào viện bảo tàng nghệ thuật, thậm chí được nghiên cứu để đưa vào chương trình giảng dạy đại học, trở thành một chủ đề nghệ thuật như các loại hình nghệ thuật khác, cũng trong thời gian này các nghệ sĩ ở nhiều quốc gia khác như Cuba, vùng Caribe và Trung Quốc thể hiện các tác phẩm trình diễn với những sự khác biệt. 

Liên hoan nghệ thuật trình diễn quốc tế Bangladesh-2011 (ảnh porapara)

Nghệ thuật trình diễn chỉ thực sự phát huy vai trò gắn kết nghệ sĩ khắp nơi trên thế giới kể từ sau khi mạng Internet ra đời, trong vòng 20 năm trở lại đây.

Nghệ thuật trình diễn vẫn đang đi con đường riêng của nó, phát triển cả về quy mô, phạm vi, cũng như số lượng nghệ sĩ tham gia, đánh dấu bằng những chương trình nghệ thuật được tổ chức ở nhiều trung tâm văn hóa lớn trên thế giới như Mỹ, Ý, Hà Lan…

Các tác phẩm nghệ thuật trình diễn cũng thể hiện những nghiên cứu, thể nghiệm và sự phát triển mới trong nghệ thuật trình diễn quốc tế hiện nay. Những nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật: những người tìm tòi cách thức thể nghiệm mới, những người phát triển các không gian nghệ thuật công cộng và làm việc trên môi trường số… phần lớn là những người trẻ, là những người dám dấn thân, dám hy sinh và cũng luôn đặt ra những câu hỏi cho bản thân, thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ và cách thực hành nghệ thuật của riêng họ trước các vấn đề chung của xã hội toàn cầu.

Trình diễn 'A Body On Wall Street' của Eiko Otake (2016) (ảnh Japantimes)

Nghệ sĩ tới từ nhiều quốc gia khác nhau, từ những nền văn hóa khác nhau, với những trải nghiệm cuộc sống khác nhau, những tham chiếu nghệ thuật, chính trị, văn hóa, xã hội khác nhau… cùng nhau biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật về thế giới và đó là thế giới của hôm nay. Có thể thấy rõ điều này qua những liên hoan trình diễn nghệ thuật lớn được tổ chức định kỳ một năm 2 lần, thường niên hoặc 2 năm 1 lần ở Mỹ hay châu Âu, như Venice Biennale 2017 với những con số ấn tượng: hàng nghìn tác phẩm, hàng trăm nghệ sĩ tới từ 80 quốc gia tham gia. Cùng đó là sự bùng nổ các sự kiện trình diễn khắp châu Âu năm qua với các gương mặt nghệ sĩ gắn liền với nghệ thuật trình diễn như Anne Imhof, Tino Sehgal, Donna Huanca, Liz Magic Laser, Eglė Budvytytė …

Các cuộc trình diễn nghệ thuật với quy mô lớn do các nghệ sĩ tới từ nhiều quốc gia cùng tham gia trình diễn được tổ chức nhằm mang đến một sân chơi chung cho các nghệ sĩ thể hiện suy nghĩ về thế giới. Đó là một “sân chơi mở” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, nó xóa nhòa ranh giới: ranh giới giữa các quốc gia, ranh giới giữa người nghệ sĩ với công chúng thưởng thức, ranh giới giữa tư tưởng và quan điểm nghệ thuật của những con người đến sân chơi từ bất kỳ quốc gia nào, ranh giới giữa những cách trình diễn khác nhau… mỗi một đối tượng tham gia sân chơi này chính là một thành phần cấu tạo nên tổng thể sân chơi đó.

Ngày nay khi nhận thức về các không gian văn hóa đã thay đổi đáng kể thì đó chính là không gian lý tưởng của nghệ thuật trình diễn, ở đó sự tương tác hai chiều giữa người nghệ sĩ với khán giả dễ dàng hơn. Các tác phẩm nghệ thuật trình diễn trong các không gian văn hóa công cộng cũng có thể được xem như một món quà tinh thần có giá trị nhưng được ‘tặng’ miễn phí cho du khách- đó cũng là sự phát triển của nghệ thuật đến một tầng nấc mới mà chỉ có trong thế giới hiện tại chúng ta mới có thể đón nhận món quà giá trị của nghệ thuật này.


Võ Vân

Nghệ sĩ Việt Nam tham gia trình diễn Liên hoan nghệ thuật đương đại Spring 2018 tại Hà Lan



Spring là chương trình được tổ chức một năm hai lần gồm một Liên hoan nghệ thuật Spring diễn ra trong vòng 10 ngày của tháng năm và một lễ hội Spring mùa thu được tổ chức vào mùa thu hàng năm.



Liên hoan Nghệ thuật trình diễn Spring 2018 diễn ra từ ngày 17-26/5, tại Stadsschouwburg Utrecht, Hà Lan, quy tụ các nghệ sĩ tới từ nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Âu. Đây là lần thứ 6 Liên hoan được tổ chức.



Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ có các chương trình trình diễn tại nhiều nhà hát và không gian công cộng ở Utrecht. Đặc biệt là trong những đêm cuối cùng sẽ là cuộc trình diễn của các nghệ sĩ châu Á và châu Âu, giữa thời trang và âm nhạc, vogueing và karaoke… đảm bảo mang đến sự bất ngờ cho những người yêu nghệ thuật.



Hai nghệ sĩ Việt Nam là Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải sẽ góp mặt và tham gia trình diễn cùng các nghệ sĩ châu Âu như một sự giao thoa văn hóa Âu-Á.




Hai anh em sinh đôi Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải là những họa sĩ sinh sống tại Huế. Được biết đến là những họa sĩ trẻ đam mê tìm tòi sáng tạo những cái mới, cùng đó là những màn trình diễn nghệ thuật; từ những năm 2000, hai anh đã có nhiều cuộc trình diễn được cộng đồng quan tâm tới nghệ thuật trong và ngoài nước đánh giá cao như Kết nối với thời gian, Những mảnh ghép trên thiên đường, Gương người, Cầu Hiền Lương, Chạm tới biển… Ngoài ra, Trung tâm nghệ thuật New Space Arts Foudation tại Huế do hai anh tổ chức cũng tiếp đón nhiều nghệ sĩ trên thế giới tới lưu trú, giao lưu trao đổi nghệ thuật, từ đó mang lại nhiều cơ hội để các nghệ sĩ trong nước giao lưu với các tổ chức nghệ thuật cũng như các nghệ sĩ ở nhiều nơi trên thế giới./.



Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ