• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghị định 142 về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL: Nhiều điều kiện đã được "nới"

Văn hoá 19/10/2018 15:52

(Tổ Quốc)- Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 9/10/2018 "Sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" Có nhiều điểm mới được cho là thoáng hơn cho người dân song cũng có những điểm được siết chặt giúp cho công tác quản lý đạt hiệu quả.

Nghị định 142/2018/NĐ-CP ngày 9/10/2018 "Sửa đổi một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch" vừa chính thức được ban hành. Có nhiều điểm mới được cho là thoáng hơn cho người dân song cũng có những điểm được siết chặt giúp cho công tác quản lý đạt hiệu quả.

Cụ thể, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi một số quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa; điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh; điều kiện kinh doanh hoạt động thể thao...

Nghị định 142 về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL: Nhiều điều kiện đã được nới - Ảnh 1.

Nghị định 142 có nhiều điểm nới hơn trong điều kiện kinh doanh, mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia (ảnh minh họa vietnamnet)

Theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP, chủ cửa hàng mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia phải đáp ứng các điều kiện sau đây: a- Là công dân Việt Nam có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; b- Có chứng chỉ hành nghề kinh doanh mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; c- Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia; d- Có đủ phương tiện trưng bày, bảo quản và bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nay Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện c trên thành "có cửa hàng để trưng bày"; đồng thời bãi bỏ điều kiện d.

Cũng theo Nghị định số 142/2018/NĐ-CP, chứng chỉ hành nghề mua bán di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia chỉ được cấp cho người có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành đào tạo về di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học (động vật, thực vật), địa chất; hoặc là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo nêu trên và đã thực hiện hoạt động sưu tầm cổ vật. Trước, Nghị định số 98/2010/NĐ-CP chỉ yêu cầu có trình độ chuyên môn hoặc am hiểu về di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia.

Nghị định 142 về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ VHTTDL: Nhiều điều kiện đã được nới - Ảnh 2.

Nghị định số 142/2018/NĐ-CP sửa đổi điều kiện c "Có cửa hàng đủ diện tích phù hợp để trưng bày di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia" thành "có cửa hàng để trưng bày"

Đồng thời, Nghị định số 142/2018/NĐ-CP cũng giảm bớt điều kiện kinh doanh giám định cổ vật từ 4 điều kiện xuống 2 điều kiện. Theo Nghị định mới thì cơ sở kinh doanh giám định cổ vật chỉ cần đảm bảo các điều kiện sau: 1- Có trang thiết bị, phương tiện thực hiện giám định phù hợp với lĩnh vực đã đăng ký; 2- Có ít nhất 03 chuyên gia giám định cổ vật về các chuyên ngành theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Theo ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa. đối với cá nhân muốn kinh doanh buôn bán cổ vật hay kinh doanh giám định cổ vật đều cần phải có bằng cấp chuyên ngành, là quy định từng được đưa vào Thông tư 02, ngày 5/7/2012 về "Quy định tiêu chuẩn chuyên gia giám định cổ vật".

Thông tư 02 nhằm hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 61/2016 - "Quy định điều kiện kinh doanh giám định cổ vật và hành nghề bảo quản, tu bổ phục hồi di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh".

Cũng theo ông Trần Đình Thành, trước đây công tác giám định cổ vật, bảo vật rất khắt khe, bởi lẽ, đây là một nghề đặc thù cần nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Tuy nhiên thời gian trở lại đây, vấn đề này được "nới" - nếu như không có bằng cấp chuyên ngành thì buộc hộ kinh doanh cổ vật phải là thành viên của tổ chức xã hội - nghề nghiệp liên quan đến các chuyên ngành đào tạo (chuyên ngành đào tạo gồm di sản văn hóa, lịch sử (khảo cổ học, văn hóa học), mỹ thuật, Hán Nôm, dân tộc học, cổ nhân học, cổ sinh vật học, địa chất…

Nghị định 142 chính thức có hiệu lực vào trung tuần tháng 10/2018. Tuy nhiên các hộ kinh doanh đã được cấp phép và hoạt động ổn định trước thời điểm Nghị định 142 ra đời vẫn sẽ không ảnh hưởng gì, tuy nhiên phải tuân thủ theo các điều khoản của Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/09 /2010 Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật di sản văn hóa và luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản Văn hóa.

Hồng Hà

NỔI BẬT TRANG CHỦ