• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nghịch lý Brexit khiến EU kiên quyết bắt Anh theo điều kiện “rắn”

Thế giới 04/04/2019 07:02

(Tổ Quốc) - EU nhiều khả năng chấp nhận một trì hoãn lâu dài cho nước Anh những kèm theo các điều kiện khắc nghiệt.

Theo Finantial Times, EU đang chuẩn bị chấp nhận dành cho Thủ tướng Anh Theresa May khoảng thời gian trì hoãn Brexit lâu dài; tuy nhiên với những điều kiện hà khắc kèm theo, bao gồm cả việc tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu và có thể là một thỏa thuận về tương lai của Anh trong vai trò một nước thành viên.

Với một hội nghị thượng đỉnh châu Âu khẩn cấp về Brexit dự kiến diễn ra vào tuần sau (10/4) – chỉ hai ngày sau thời hạn Anh rời đi theo dự kiến là 12/4 – đề nghị trên là một phần trong loạt kế hoạch mà các nhà ngoại giao và giới chức đưa ra, nhằm đối phó với một chính phủ và quốc hội Anh ngày càng trở nên khó dự đoán.

Nghịch lý Brexit khiến EU kiên quyết bắt Anh theo điều kiện “rắn” - Ảnh 1.

Thủ tướng Anh Theresa May đứng trước tình thế rối ren trên chính trường Anh (ảnh: getty)

Các biện pháp đang được Brussels cân nhắc bao gồm EU trì hoãn Brexit cho tới tháng Một hoặc tháng Tư năm 2020. Trong một kịch bản cực đoan, đề nghị trên vẫn có thể được thực hiện, ngay cả khi bà May không công khai yêu cầu gia hạn trước ngày tổ chức thượng đỉnh vào tuần tới.

Thủ tướng Anh vẫn đang hy vọng về một sự trì hoãn ngắn, giúp tránh được bầu cử Nghị viện châu Âu. Sau một buổi gặp mặt nội các kéo dài bảy tiếng hôm thứ Ba (2/4), bà May thừa nhận sẽ yêu cầu tiếp tục kéo dài thời gian, nhưng chỉ là ngắn hạn trong trường hợp thỏa thuận Brexit của bà được thông qua. Bà mong chờ đạt được sự thống nhất về mối quan hệ EU – Anh, với nhà lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn trước ngày 10/4.

Đối với những người ủng hộ, một sự trì hoãn lâu dài là cách tốt nhất để giải quyết những hỗn loạn tại London, đồng thời giúp EU thoát khỏi những cáo buộc về cố tình đẩy Anh rời đi. "Nếu chưa đạt được thỏa thuận nào, chúng ta vẫn có thể đề nghị gia hạn thêm một năm", một quan chức cấp cao EU nói. "Như vậy, đó sẽ là lựa chọn của họ, và chỉ là lựa chọn của họ mà thôi".

Tuy nhiên, một trì hoãn "dài hơi" vẫn đang gây tranh cãi, thậm chí có khả năng bị các nhà lãnh đạo EU bác bỏ tại hội nghị thượng đỉnh tuần sau. Trong khi Thủ tướng Đức Angela Merkel tỏ ra cởi mở với việc trì hoãn lâu dài thì mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, điều đó "không thể tự nhiên mà có". Tương tự, ông Michel Barnier, người đứng đầu nhóm đàm phán EU cảnh báo, việc kéo dài thời hạn Anh rời đi "sẽ đem tới những nguy cơ đáng kể cho EU" và đòi hỏi cần phải có sự đánh giá kỹ càng.

Nghịch lý Brexit khiến EU kiên quyết bắt Anh theo điều kiện “rắn” - Ảnh 2.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) cho rằng, trì hoãn lâu dài cho London, khong phải là điều "tự nhiên mà có" (ảnh: AFP)

Paris đang tìm kiếm sự đảm bảo từ London để loại bỏ những nguy cơ này – và hứa nó sẽ hiện hữu dưới hình thức một "thỏa thuận dựa trên niềm tin" (gentleman's agreement), trong đó, Anh sẽ không tham gia vào các quyết định quan trọng về tương lai EU, như lựa chọn Chủ tịch Ủy ban châu Âu tiếp theo…

Nhiều quan chức EU nghi ngờ việc Pháp hay bất kỳ thành viên khác sẽ ngăn cản một sự gia hạn dài lâu, chừng nào bầu cử Nghị viện châu Âu được tổ chức tại Anh.

Người Anh đang trong sự hỗn loạn, và EU chỉ nói… hãy tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu và chúng tôi sẽ chịu đựng các anh.

Quan chức cấp cao EU

"Người Anh đang trong sự hỗn loạn, và EU chỉ nói… hãy tổ chức bầu cử Nghị viện châu Âu và chúng tôi sẽ chịu đựng các anh", một quan chức cấp cao EU khác chỉ ra. "EU không muốn đưa ra một quyết định lịch sử quan trọng như vậy… khi mà chỉ trong 6 – 8 tháng nữa, nước Anh có thể ở một tình thế khác".

Bất kỳ đề nghị gia hạn nào từ EU sẽ thiết lập bối cảnh cho một trong những tuần lễ quan trọng nhất trong lịch sử Anh thời hậu chiến, khi mà bà May và Quốc hội Anh sẽ quyết định có thông qua thỏa thuận Brexit hay không, rời đi mà không đạt được một thỏa thuận nào hoặc chấp nhận trì hoãn lâu dài.

Financial Times nhận định, điều kiện không khoan nhượng gần như chắc chắn sẽ được các nhà lãnh đạo EU kèm theo, chính là Anh phải tham gia vào bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 24 – 26/5. Pháp và một số nhà đàm phán Brexit của EU cũng kêu gọi Anh đưa ra lời hứa hành động trung thực và không lợi dụng quyền bỏ phiếu trong vai trò một nước thành viên, để phục vụ cho các lợi ích hậu Brexit của mình.

Luật pháp châu Âu ngăn cản EU đòi hỏi các điều kiện bị rằng buộc bởi luật lệ vốn sẽ giới hạn quyền của nước Anh một cách chính thức. Mới đây, Tòa án Tư pháp châu Âu đã phán quyết, tình trạng thành viên không thể bị "hủy bỏ hoặc thay đổi" chỉ bởi vì một nước kích hoạt Điều khoản 50 để rời bỏ liên minh.

Tuy nhiên, một số quan chức cấp cao EU muốn có được sự đảm bảo từ Anh về cách London sử dụng quyền bỏ phiếu của mình; ví dụ như ngăn cản các quyết định về ngân sách dài hạn của EU, hay lựa chọn người thay thế ông Jean-Claude Juncker (sẽ kết thúc nhiệm kỳ Chủ tịch Ủy ban châu Âu vào tháng 10).

Trong khi thừa nhận nước Anh cần có thêm thời gian, cũng trong hôm thứ Ba, ông Barnier chỉ ra, "nghịch lý mâu thuẫn" của London khi là đang rời khỏi EU nhưng vẫn hưởng đầy đủ các quyền lợi của một thành viên. "Tóm lại, một sự trì hoãn lâu dài sẽ đem lại ảnh hưởng lên không gian suy nghĩa của EU, và một nguy cơ cho quyền tự đưa ra quyết định của chúng ta", ông Barnier nói.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ