'Nghịch lý lớp học ma' của Đại học Chu Văn An: Học viên đã được cấp bằng, nhà trường lại khẳng định không mở lớp?

(Tổ Quốc) - Đại diện trường ĐH Chu Văn An khẳng định một số lớp đại học từng diễn ra ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng, huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình… chỉ là những lớp học "ma", không phải do trường nhờ tổ chức.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều học viên khẳng định, sau 2 năm đào tạo tại các cơ sở nói trên đều được trường Đại học Chu Văn An cấp bằng cử nhân Luật kinh tế hành chính theo hình thức vừa học vừa làm.

Trung tâm giáo dục thường xuyên tuyển sinh đại học?

Thời gian qua một số học viên phản ánh, liệu từ năm 2018 trở về trước, có chuyện đại học Chu Văn An đào tạo theo hệ vừa học vừa làm nhưng lại cấp bằng cử nhân hệ chính quy không? Bằng chứng cho thấy, một số cán bộ đang công tác trong một số cơ quan nhà nước đã sử dụng tấm bằng do chính trường đại học này cấp để hợp thức.

Thông báo tuyến sinh của trường ĐH Chu Văn An

Thông báo tuyển sinh của trường ĐH Chu Văn An (Ảnh VTV)

Một số cán bộ nói trên từng theo học khóa học trước đó theo chương trình tại thông báo tuyển sinh số 58/2018/TB/HĐTS-CVA ngày 18/9/2018 của trường Đại học Chu Văn An mà lãnh đạo Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình, thì trung tâm đã từng là đơn vị được trường này ủy quyền phát hành và thu hồ sơ tuyển sinh đại học vào thời gian này.

Để tìm hiểu thực hư, trao đổi với chúng tôi bà Bùi Thị Diệu Thúy, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cho biết: đơn vị này có một lần duy nhất, đó là vào cuối năm 2018 trường ĐH Chu Văn An tuyển sinh các lớp đào tạo đại học và nhờ trung tâm là nơi đặt địa điểm, còn cán bộ của trường đi đến các xã để tuyển sinh, sau đó mượn 1-2 buổi để tập hợp hồ sơ tại trung tâm.

Cũng tương tự, lãnh đạo trung tâm giáo dục nghề nghiệp huyện Quỳnh Phụ cho biết, năm 2018, đơn vị này từng cho trường Đại học Chu Văn An thuê địa điểm để trường mở lớp dạy học, với mức giá 500.000 đồng/buổi.

Không được phép

Trả lời chúng tôi về vấn đề trên, ông Đặng Xuân Phong, Phó Giám đốc Sở Giáo dục đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết, đơn vị chưa nắm được thông tin các trung tâm trên có sự liên kết, có sự phối hợp liên kết hay chiêu "hộ" Đại học Chu Văn An và sẽ cho kiểm tra lại.

"Chúng tôi khẳng định việc các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên của thành phố có hoạt động liên kết, hoặc tham gia tuyển sinh cho các trường đại học như thông tin đã nêu là không được phép, theo chức năng nhiệm vụ của trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố là không được phép", ông Phong nói.

Học viên đã được cấp bằng, nhà trường khẳng định không mở lớp? - Ảnh 2.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo (nguồn VTV)

Không chỉ ở Thái Bình, sau khi có thông tin, chúng tôi cũng làm việc với bà Nguyễn Thị Chính, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp, Giáo dục thường xuyên huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.

Bà Chính thừa nhận, cách đây 2 năm về trước, có một số buổi cho trường đại học Chu Văn An mượn địa điểm để mở lớp dạy học.

Về vấn đề pháp lý, bà Chính cũng thừa nhận không được phép ký hợp đồng tuyển sinh, hay mở địa điểm tại đây. Tuy nhiên vì "nể" các học viên nên cho học "nhờ".

Đại diện trường ĐH Chu Văn An lên tiếng phủ nhận

Trước sự việc trên, ông Dương Phan Cường, Bí thư Đảng ủy Trường Đại học Chu Văn An đã có những câu trả lời hoàn toàn trái ngược với những gì có ở trên, mà phủ nhận hoàn toàn.

Đại diện nhà trường cam kết và khẳng định Đại học Chu Văn An không mở lớp đào tạo tại các trung tâm dạy nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên ở các tỉnh.

Đồng thời lãnh đạo nhà trường cũng phủ nhận việc liên kết mở lớp đào tạo ở các tỉnh như Thái Bình, Hải Phòng và khẳng định một số lớp đại học từng diễn ra ở các trung tâm giáo dục nghề nghiệp thuộc huyện Vĩnh Bảo - Hải Phòng, huyện Quỳnh Phụ - Thái Bình không phải do trường nhờ tổ chức.

Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu và thông tin về vụ việc.

Minh Ngọc

Tin mới