'Nghiện' tín dụng đen, thế hệ Y đang thổi bùng lên cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc

(Tổ Quốc) - Thế hệ Y tại Trung Quốc có thể đang duy trì niềm tin rằng chính phủ sẽ giữ giá bất động sản tăng trong nhiều năm tới. Nếu chính phủ không thể giữ lời hứa này, một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

*Bài viết thể hiện quan điểm của Andy Xie. Ông là một kinh tế gia tại Thượng Hải và từng là kinh tế gia trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Morgan Stanley.

Theo SCMP, nợ hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng trở lại sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, do nhiều người đặt cược rằng giá bất động sản sẽ hồi phục mạnh mẽ. Đến cuối năm 2020, nợ hộ gia đình tại quốc gia này có thể đạt mức 150% thu nhập khả dụng. Hơn nữa, các khoản nợ này có xu hướng tập trung ở thế hệ Y.

Thế hệ này có thể đang duy trì niềm tin rằng chính phủ sẽ giữ giá bất động sản tăng trong nhiều năm tới. Nếu chính phủ không thể giữ lời hứa này, một cuộc khủng hoảng tài chính có thể xảy ra.

Nợ hộ gia đình của Trung Quốc đã tăng gần gấp 4 lần trong 5 năm qua, lên 62 nghìn tỷ CNY (9,4 nghìn tỷ USD). Dù số liệu thống kê chi tiết còn sơ sài, dữ liệu của một số ngân hàng đã cho thấy thế hệ Y là nguyên nhân chính và việc họ tin rằng giá bất động sản tăng lên là động lực chủ yếu. Nợ tập trung vào thế hệ này khiến rủi ro đối với sự ổn định tài chính tăng cao hơn.

Hệ thống tài chính của Trung Quốc đã ở trạng thực cực kỳ ổn định. Dù các khoản nợ xấu tăng lên tới 40% vào năm 1998, hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục hoạt động trơn tru. Các ngân hàng với tỷ lệ nợ xấu cao cũng sau đó cũng hồi phục nhờ lạm phát tài sản.

Nghiện tín dụng đen, thế hệ Y đang thổi bùng lên cuộc khủng hoảng nợ ở Trung Quốc - Ảnh 1.

Tỷ lệ nợ/GDP tại Trung Quốc.

Sau khi Trung Quốc thoát khỏi cuộc khủng hoảng ngân hàng này, chiến lược tài chính của chính phủ dường như vẫn được giữ nguyên cho đến hiện tại. Khi ngành tài chính gặp vấn đề, thời gian sẽ giải quyết chúng.

Chiến lược này hiệu quả, bởi Trung Quốc có tiềm năng tăng trưởng cao và tỷ lệ đòn bẩy thấp. Mô hình tăng trưởng của Trung Quốc tập trung vào đầu tư và xuất khẩu, được thúc đẩy bởi tỷ giá hối đoái thấp. Nhờ mô hình này, Trung Quốc có thể kìm hãm áp lực lạm phát của việc mở rộng quy mô của đồng CNY bằng cách chuyển thanh khoản dư thừa vào các thị trường tài sản. Giá bất động sản tăng nhanh là nguồn vốn chủ yếu của hệ thống tài chính Trung Quốc.

Dẫu vậy, mô hình trên đang gặp khó khăn trong 5 năm qua, chủ yếu là do tiềm năng tăng trưởng bị giảm sút. Năng suất thu được từ hoạt động đầu tư đã bị thu hẹp, do tính lặp lại. Lực lượng lao động của Trung Quốc đã sụt giảm. Khi tốc độ tăng trưởng thấp, việc mở rộng chính sách tiền tệ nhanh chóng để hỗ trợ thị trường bất động sản đã khiến nợ gia tăng và hệ thống tài chính ngày càng trở nên mỏng manh.

Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự ổn định tài chính của Trung Quốc là hệ thống ngân hàng được nhà nước hậu thuẫn. Khi thị trường bất động sản suy thoái, hệ thống ngân hàng có thể trì hoãn việc trả nợ và giúp người đi vay tránh tình trạng phá sản. Do đó, các con nợ thường có cơ hội đợi giá bất động sản hồi phục.

Trong khi đó, hệ thống ngân hàng ngầm "trỗi dậy" đang khiến yếu tố trên bị suy yếu. Năm 2015, thị trường chứng khoán đã lao dốc, nguyên nhân chủ yếu là bởi các ngân hàng "ngầm" bán tháo tài sản. Hệ thống này ngày càng trở nên quan trọng đối với các doanh nghiệp Trung Quốc. Ví dụ, chính sách tài trợ trả trước là một động lực quan trọng của thị trường bất động sản. Với tỷ lệ giá bất động sản/thu nhập ở mức cao, tài trợ trả trước đóng vai trò không thể thiếu trong việc thúc đẩy nhu cầu.

Khi thị trường đi lên, đây không phải là một vấn đề cấp bách. Các khoản nợ có thể được chuyển đổi thành chứng khoán, bởi giá trị tăng lên sẽ mang lại sự thoải mái cho người đi vay. Thế nhưng, những rắc rối bắt đầu đến trong lúc thị trường rơi vào tình trạng suy thoái dài hạn.

Hơn nữa, hệ thống ngân hàng "ngầm" còn đóng vai trò lớn hơn đối với các nhà phát triển bất động sản. Những khoản tín dụng đen có thể vượt quá con số 10 nghìn tỷ CNY, lớn hơn nhiều so với "quả bong bóng" gây ra cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Khi hệ thống ngân hàng "ngầm" cân nhắc về việc thị trường bất động sản đang rơi vào xu hướng sụt giảm, khả năng hỗn loạn xảy ra là rất lớn.

Giờ đây, đã có những dấu hiệu ban đầu cho thấy rủi ro sắp xảy ra đó là tình trạng phá sản của các công ty cho thuê nhà ở. Các công ty này cho thuê bất động sản từ các chủ nhà, sau đó cho người dùng cuối thuê lại. Họ giữ dòng tiền dương nhờ đi vay từ hệ thống ngân hàng "ngầm". Do khoản vay luôn lớn hơn lợi nhuận từ việc cho thuê, các công ty này đa số đều thua lỗ. Giờ đây, các công ty này đang phá sản hàng loạt. Ngoài ra, tác động của tình trạng này đối với hệ thống ngân hàng "ngầm" vẫn chưa kết thúc.

Bên thứ 3 trong những kế hoạch đa cấp này thường là thế hệ Y. Trưởng thành trong thời kỳ lạm phát bất động sản kéo dài, nên thế hệ này đặt niềm tin vào việc vay nợ để đầu cơ. Dù bong bóng thị trường chứng khoán vỡ tung hồi năm 2015 đã mang đến cho họ một bài học, nhưng rõ ràng rằng điều này vẫn chưa đủ đau đớn, khi tình trạng đa cấp vẫn "mọc lên như nấm" kể từ đó.

Đặt cược vào bất động sản là hoạt động diễn ra phổ biến nhất trong số đó. Hầu hết các khoản tín dụng của Trung Quốc được sử dụng để đầu cơ bất động sản. Dẫu vậy, thị trường không có diễn biến thuận lợi như họ mong đợi. Cả các ngân hàng và công ty đầu cơ đều áp dụng chiến lược chờ đợi. Do đó, họ muốn có thêm khối lượng đòn bẩy. Đây dường như là một khoản đặt cược một chiều, lý giải tại sao các khoản vay trả trước tăng mạnh.

Các ngân hàng "ngầm" hứa hẹn với nhà đầu tư mức lãi cao trong một môi trường lãi suất thấp. Khi mong muốn của thế hệ Y về đòn bẩy ngày càng phát triển, những kế hoạch đa cấp nợ sẽ càng "nảy nở" trong hệ thống ngân hàng "ngầm".

Tham khảo SCMP

Lục Lam

Tin mới