• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

“Nghiện tin tức” tác động đến sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào?

Thế giới 02/10/2022 08:18

(Tổ Quốc) - Việc tiếp xúc với một chu kỳ tin tức 24 giờ đi kèm các sự kiện diễn biến liên tục có thể tác động nghiêm trọng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của mọi người.

Trong hai năm qua, người dân trên thế giới đã phải trải qua một loạt các sự kiện toàn cầu đáng lo ngại, từ đại dịch COVID-19 cho đến cuộc khủng hoảng ở Ukraine, những cuộc biểu tình quy mô lớn, các vụ xả súng và cháy rừng thảm khốc.

Đối với nhiều người, đọc những tin tức xấu có thể khiến họ cảm thấy bất lực và đau khổ.

Việc tiếp xúc với một chu kỳ tin tức 24 giờ với các sự kiện diễn biến liên tục có thể tác động nghiêm trọng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất. Nghiên cứu mới nhất cho thấy, những người nghiện đọc tin tức rất dễ rơi vào tình trạng ốm yếu về thể chất.

Bryan McLaughlin, phó giáo sư trường cao đẳng Thông tin và Truyền thông tại Đại học Công nghệ Texas cho biết:

“Với một số người, việc phải chứng kiến liên tục những sự kiện này ngày hàng giờ có thể khiến họ trở nên quá khích và trong mắt họ, thế giới dường như chỉ là nơi tăm tối và nguy hiểm”.

Để nghiên cứu hiện tượng “nghiện tin tức”, McLaughlin cùng các đồng nghiệp  - Tiến sĩ Melissa Gotlieb và Tiến sĩ Devin Mills, đã phân tích dữ liệu từ một cuộc khảo sát trực tuyến với 1.100 người trưởng thành ở Mỹ.

Tại sao “nghiện tin tức” có tác động tiêu cực đến cả sức khỏe thể chất và tinh thần? - Ảnh 1.

Thường xuyên đọc những tin tức xấu có thể khiến nhiều người cảm thấy bất lực và đau khổ

Trong cuộc khảo sát, mọi người được hỏi về mức độ đồng ý của họ với những câu nói cho sẵn như dưới đây: 

“Tôi bị cuốn vào tin tức đến mức quên cả thế giới xung quanh”; “Tâm trí của tôi thường xuyên bận rộn với những suy nghĩ về tin tức”; “Tôi thấy rất khó ngừng đọc hoặc xem tin tức”; và “Tôi thường không tập trung ở trường học hoặc nơi làm việc vì tôi đang đọc hoặc xem tin tức”.

Những người tham gia khảo sát cũng được hỏi về mức độ thường xuyên họ trải qua cảm giác căng thẳng và lo lắng, cũng như các bệnh về thể chất như mệt mỏi, đau đớn, kém tập trung cùng các vấn đề về đường tiêu hóa.

Kết quả cho thấy 16,5% số người được khảo sát “gặp vấn đề nghiêm trọng” trong việc hấp thụ tin tức.

Những cá nhân như vậy thường xuyên đắm chìm vào những câu chuyện tin tức đến nỗi chúng chi phối cả suy nghĩ của họ, làm gián đoạn thời gian của họ với gia đình và bạn bè, khiến họ khó tập trung ở trường học hoặc công việc và là tác nhân gây ra tình trạng bồn chồn và không thể ngủ được.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi những người “nghiện tin tức” có xu hướng mắc bệnh về tinh thần và thể chất cao hơn đáng kể so với những người đọc tin tức ít hơn.

Khi những người tham gia khảo sát được hỏi về mức độ thường xuyên trải qua các triệu chứng liên quan tới sức khỏe tâm thần hoặc thể chất, kết quả cho thấy:

73,6% số người nghiện tin tức thừa nhận họ bị rối loạn tâm thần “một chút” hoặc “rất nhiều”, trong khi những triệu chứng này chỉ ghi nhận khoảng 8% ở những người khác.

61% trong số những người nghiện tin tức nghiêm trọng cho biết họ bị suy yếu sức khỏe thể chất “một chút” hoặc “rất nhiều” so với chỉ 6,1% ở tất cả những người tham gia nghiên cứu khác.

Theo giáo sư McLaughlin, kết quả khảo sát cho thấy cần phải tiến hành các chiến dịch truyền thông tập trung để giúp mọi người có cách tiếp cận lành mạnh hơn với tin tức.

“Mặc dù chúng tôi luôn muốn mọi người tiếp tục theo dõi tin tức, nhưng điều quan trọng là họ phải duy trì được mối quan hệ lành mạnh hơn với tin tức”.

Tú Anh

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ