• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Âu: Đối phó ảnh hưởng Nga, Trung Quốc

Thế giới 11/08/2020 15:32

(Tổ Quốc) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã bắt đầu chuyến công du kéo dài một tuần đến Trung Âu vào thứ hai, khi Hoa Kỳ tìm cách đối phó với sự cạnh tranh kinh tế và địa chính trị của Nga và Trung Quốc ở châu Âu.

Nhà ngoại giao hàng đầu của Hoa Kỳ đi đến Praha và Pilsen ở Cộng hòa Séc; Ljubljana, Slovenia; Thủ đô Viên, nước Áo; và Warsaw, Ba Lan, từ ngày 11 đến ngày 15/8.

Ông Pompeo sẽ trở thành ngoại trưởng đầu tiên của Mỹ kể từ năm 2011 tới thăm Slovenia, nơi ông sẽ ký Tuyên bố chung về công nghệ 5G khi Washington đang đối phó với những rủi ro do Trung Quốc "xâm nhập vào các mạng công nghệ cao" trong khu vực.

Chuyến đi này diễn ra khi Lầu Năm Góc chuẩn bị thực hiện kế hoạch đưa gần 12.000 quân rời khỏi Đức và tái triển khai một phần lực lượng Mỹ tới Ba Lan và các quốc gia NATO khác. Điều này đã dấy lên lo ngại ở nội bộ nước Mỹ và ở châu Âu dù 1 số quan chức cấp cao Mỹ cho rằng đây là một chiến lược cần thiết.

Đại sứ Philip Reeker, quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về các vấn đề châu Âu và lục địa Á-Âu của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết ông Pompeo sẽ thảo luận với những người đồng cấp về Thỏa thuận Hợp tác Quốc phòng Tăng cường Hoa Kỳ - Ba Lan (EDCA) vừa mới hoàn tất. Văn bản này nhằm "cung cấp một khuôn khổ" để tăng cường hơn nữa "an ninh quy mô lớn xuyên Đại Tây Dương".

Ngoại trưởng Mỹ đến Trung Âu: Đối phó ảnh hưởng Nga, Trung Quốc - Ảnh 1.

Ông Pompeo đang đến Praha và Pilsen ở Cộng hòa Séc; Ljubljana, Slovenia; Thủ đô Viên, nước Áo; và Warsaw, Ba Lan. Ảnh: Cyprus Mail.

Các quan chức Mỹ cho biết, thỏa thuận quốc phòng này cho phép Hoa Kỳ đưa thêm 1.000 quân vào "triển khai luân phiên" để "tăng cường khả năng răn đe chống lại Nga, củng cố NATO" và trấn an các đồng minh. Khoảng 4.500 lực lượng Mỹ đã được luân chuyển tại Ba Lan.

Tăng cường liên kết Trung Âu

Tại Praha, Cộng hòa Séc, ông Pompeo sẽ gặp Thủ tướng Andrej Babis để thảo luận về hợp tác năng lượng hạt nhân và Sáng kiến Ba Biển, một nền tảng chính trị nhằm thúc đẩy kết nối giữa các quốc gia ở Trung và Đông Âu bằng cách thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng, năng lượng và liên kết kỹ thuật số.

Sáng kiến này được đặt tên từ ba vùng biển giáp ranh với khu vực: Baltic, biển Đen và Adriatic.

Vào thứ Tư, ông Pompeo sẽ có bài phát biểu tại Thượng viện Quốc hội Cộng hòa Séc về quan hệ song phương và chính sách đối ngoại.

Tại Ljubljana, Slovenia, ông Pompeo sẽ ký Tuyên bố chung về công nghệ 5G với Ngoại trưởng Slovenia Anže Logar.

Trong năm qua, các quốc gia châu Âu, bao gồm Ba Lan, Estonia và Cộng hòa Séc, đã ký thỏa thuận với Mỹ cam kết rằng các nhà cung cấp 5G cho họ sẽ không chịu sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài, điều do một cơ quan tư pháp độc lập đánh giá. Thỏa thuận này được cho là nhằm loại trừ các công ty Trung Quốc.

Slovenia sẽ tham gia cùng các quốc gia này trong chương trình "Mạng 5G sạch", theo đó sẽ chỉ sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy nhằm đảm bảo cho các ứng dụng viễn thông, đám mây, phân tích dữ liệu và di động quan trọng.

Reeker nói với trang VOA rằng điều đó "phản ánh sự cống hiến chung trong việc bảo vệ quyền riêng tư" và an ninh mạng.

Tại Vienna, Áo, quan hệ Đối tác Chiến lược Hoa Kỳ-Áo và mối quan hệ thương mại ngày càng phát triển sẽ nằm trong chương trình nghị sự tại cuộc gặp của ông Pompeo với Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Bộ trưởng Ngoại giao Alexander Schallenberg.

Áo cũng là nơi đặt trụ sở của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế IAEA - chịu trách nhiệm về vấn đề hạt nhân, trong đó có việc giám sát sự tuân thủ của Iran trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 – văn bản mà Mỹ đã rút khỏi năm 2015.

Ông Pompeo cũng sẽ hội đàm với Tổng giám đốc IAEA Rafael Mariano Grossi, khi Washington đang kêu gọi các thành viên khác của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc gia hạn vô thời hạn lệnh cấm vận vũ khí đối với Iran, dự kiến sẽ hết hạn vào ngày 18/10.

An ninh năng lượng

An ninh năng lượng cũng sẽ là một vấn đề quan trọng hàng đầu trong cuộc thảo luận của ông Pompeo với các nhà lãnh đạo ở Trung Âu khi đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 gây tranh cãi của Nga nối Nga và Đức sắp hoàn thành.

Reeker cho biết: "Chúng tôi đã rất tận tâm giúp đỡ các nước đó tìm các nguồn thay thế để họ có thể đa dạng hóa nguồn cung từ Nga.

Mỹ lâu nay luôn cảnh báo về rủi ro an ninh đối với các đường ống xuất khẩu năng lượng của Nga, đặc biệt là dự án Nord Stream 2. Các quan chức Mỹ cho biết nếu hoàn thành, các dự án này sẽ làm suy yếu an ninh châu Âu và tăng cường khả năng Nga sử dụng các nguồn năng lượng của mình để gây sức ép lên các đối tác châu Âu và các đồng minh của Mỹ.

Tại Warsaw, Ba Lan, nhà ngoại giao Hoa Kỳ sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Mateusz Morawiecki và Bộ trưởng Ngoại giao Jacek Czaputowicz về việc làm sâu sắc hơn các mối quan hệ quốc phòng, khôi phục sau đại dịch COVID-19, bảo đảm an ninh của mạng 5G và cải thiện năng lượng và cơ sở hạ tầng khu vực thông qua Sáng kiến Ba Biển.

Morawiecki cho biết Ba Lan, là "quốc gia thân châu Âu nhất và thân Mỹ nhất" ở châu Âu, cũng như đang củng cố liên minh xuyên Đại Tây Dương.

Ông Pompeo cũng sẽ gặp Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đã đến thăm Nhà Trắng vào cuối tháng Sáu. Ba Lan coi Nord Stream 2, sẽ tăng gấp đôi công suất xuất khẩu khí đốt của Nga qua Biển Baltic, là mối đe dọa đối với an ninh năng lượng của Châu Âu.

Tháng trước, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết những bên đầu tư hoặc tham gia vào các hoạt động liên quan đến Nord Stream 2, bao gồm các tàu đặt đường ống và hỗ trợ kỹ thuật trong việc triển khai các đường ống, có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ.

Ông Pompeo nói trong cuộc họp báo ngày 15/7: "Đó là một lời cảnh báo rõ ràng đối với các công ty: hỗ trợ và tiếp tay cho các dự án gây ảnh hưởng xấu của Nga sẽ không được dung thứ".

"Hãy để tôi nói rõ. Đây không phải là các dự án thương mại. Chúng là công cụ chính của Điện Kremlin để khai thác và mở rộng sự phụ thuộc của châu Âu vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga", ông Pompeo nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ