Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại

Văn Tiên | 14-12-2020 - 23:53 PM

(Tổ Quốc) - Hai năm trước, chị từng có ý định sẽ đóng cửa OBV, nhưng đến khi lên kế hoạch trả trẻ về lại cho gia đình thì chẳng ai dám nhận lại. Tụi nhỏ không còn nơi nào để về, và OBV phải tiếp tục, vì tụi nhỏ, vì những đứa trẻ không may gặp “tai nạn” trong những năm tháng đầu đời…

Chị Nguyễn Yên Thảo - Giám đốc điều hành Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc (OBV) mở đầu câu chuyện bằng giọng trầm buồn. 11 năm đồng hành với những bé gái bị xâm hại tình dục tại Việt Nam, chị Thảo hiểu được phần nào trách nhiệm, gánh nặng của mình khi chẳng thể nào đóng cửa OBV. Bởi ở ngoài kia vẫn còn có rất nhiều trẻ em bị xâm hại, cần đến OBV như một cứu cánh của cuộc đời.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 1.
Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 2.

Một buổi trưa cuối tuần, chúng tôi may mắn được gặp chị Nguyễn Yên Thảo, người phụ nữ được biết đến bởi hành trình 11 năm ròng đi giải cứu, cưu mang hàng trăm bé gái là nạn nhân (hoặc có nguy cơ) bị xâm hại tình dục.

Tính đến thời điểm hiện tại, Ngôi nhà nhịp cầu hạnh phúc đã trở thành nơi tiếp nhận, nuôi dưỡng cho khoảng 300 em nhỏ từ 4 đến dưới 18 tuổi tại Việt Nam. Trong đó có những em ở tại OBV đã 10 năm, có em chỉ đến một vài ngày rồi gia đình đón về khi được đánh giá là an toàn, môi trường tốt nhất cho bé.

Chia sẻ về lý do thành lập OBV, chị Thảo cho biết ở Việt Nam, mỗi năm có rất nhiều nạn nhân bị xâm hại tình dục, đa số các bé đều sống trong những môi trường không an toàn, OBV trở thành chỗ tạm lánh, giúp các bé ổn định tâm lý, cuộc sống trước khi tự mình có thể đương đầu với mọi thứ xung quanh.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 3.

Mỗi khi tiếp nhận thông tin về trường hợp bị xâm hại (hoặc có nguy cơ) từ nhiều nguồn khác nhau, OBV sẽ đi xác minh thực tế nhiều lần trước khi ngồi lại để đánh giá về tính chất, phương thức hỗ trợ đối với từng trường hợp cụ thể.

"Hiện nay OBV đang chăm sóc 30 bé gái, hầu hết là nạn nhân bị xâm hại tình dục nhưng không có được sự bảo vệ tuyệt đối từ phía gia đình, có nhiều bé bố mẹ không có khả năng nuôi, nhiều bé lại sống trong môi trường thiếu an toàn. Riêng đối với những bé bị xâm hại nhưng không đến sống chung bởi OBV đánh giá, việc bé gặp phải chẳng qua là 'tai nạn'. Trong khi gia đình có nhiều động thái hỗ trợ tích cực, việc các bé ở nhà vẫn tốt hơn rất nhiều. Dù khi được sống tại OBV không thiếu thốn gì, nhưng bên chị vẫn không thể nào bù đắp hết tình thương cho các bé như gia đình ruột thịt. Nói thế nào đi nữa, nhà của mình vẫn là nơi các bé cảm thấy hạnh phúc nhất", chị Yên Thảo chia sẻ.

11 năm làm Giám đốc điều hành OBV, đến thời điểm hiện tại chị cảm thấy điều gì là khó khăn nhất?

Tùy vào mỗi giai đoạn, bản thân chị cũng như OBV sẽ gặp những khó khăn nhất định. Như giai đoạn đầu mới thành lập, mọi thứ đều rất mới mẻ với tất cả mọi người khi ở Việt Nam, chưa có mô hình nào tương tự để giúp đỡ những em nhỏ bị xâm hại tình dục.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 4.

Việc đi giải cứu cũng rất gian nan, nhất là lúc đầu mọi người chưa biết bên chị là ai. Em thử nghĩ xem, khi nhà em đang có chuyện, tự nhiên một người nào đó nhảy vô nói rất nhiều rồi đòi đưa con em đi, hứa sẽ lo này, lo kia…, ai mà chấp nhận được. Tâm lý đầu tiên của gia đình các bé là muốn giữ kín bởi họ lo sợ mọi chuyện sẽ phức tạp hơn, điều tiếng nhiều hơn về gia đình. Họ đâu có biết được mình sẽ làm được gì, và điều mình làm có thật sự là điều gia đình họ mong muốn hay không? Dù biết là việc đi giải cứu này rất vô vọng nhưng khi đó chị nghĩ, nếu hôm nay mình kiên trì gieo hạt, thì đến một ngày nào đó nhất định sẽ nảy mầm. Và thực tế sau bao nhiêu lần không thành công, đến nay, OBV được mọi người biết đến nhiều hơn, được sự tin tưởng, gửi gắm của gia đình các bé bị xâm hại tình dục.

Còn bây giờ thì chị sợ, sợ chẳng thể đóng cửa được ngôi nhà (chị Thảo cười).

Tại sao chị lại sợ không thể đóng cửa, vì bản thân chị, vì các bé hay một lý do nào khác?

Em thử nghĩ xem, một ngôi nhà được xây dựng lên với mục đích là bảo vệ các em bé không may gặp tai nạn, nó sẽ không tồn tại nếu như ở Việt Nam chẳng còn ai cần đến nó. Nhưng chắc là khó, vì chị nghĩ việc xâm hại tình dục ở trẻ bằng hình thức này hay hình thức khác sẽ vẫn tồn tại trong xã hội, mình chỉ ước là OBV đủ duyên để đồng hành, tiếp thêm sức mạnh, giúp các con ổn định lại sau những tai nạn trong cuộc đời.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 5.

2 năm trước, vì nhiều lý do, OBV tính dừng lại, nhưng đến khi tụi chị ngồi lại để trả trẻ về với gia đình thì lúc đó mới biết là trẻ chẳng còn chỗ nào để đi hết. Gia đình các em không muốn nhận lại dù phía chị đã lên phương án hỗ trợ cho gia đình các bé một số vốn để làm ăn. 

Nhìn các bé buồn, khóc nức nở khi biết tin, có đứa sợ hãi khi sắp phải quay về môi trường cũ, sẽ chẳng còn yên bình, không được đi học, thậm chí không được an toàn… khiến OBV quyết định vì các con sẽ tiếp tục cố gắng, mọi lý do khác đều không còn quan trọng nữa, chỉ cần bảo vệ được các con, OBV sẽ vẫn tồn tại.

Trong suốt thời gian làm công việc thầm lặng, đi giải cứu những đứa trẻ bị xâm hại (hoặc có nguy cơ), đã bao giờ chị cảm thấy bất lực với chính bản thân, công việc mà mình đang làm?

Có chứ em, nhiều lắm, không thể kể hết đâu. Như em biết, trẻ ở OBV hầu hết là trẻ đã gặp tai nạn (cách nói khác của việc bị xâm hại tình dục), chỉ có 10% là trẻ có nguy cơ cao nên việc bên chị gặp phải rất nhiều vấn đề khác nhau. Ở mỗi trường hợp là một câu chuyện, một khó khăn riêng. Điều buồn nhất là mình biết họ cần giúp đỡ nhưng mình lại chẳng thể nào giúp được, thà em giúp được 1-2 ngày hoặc gì đó, đằng này em chấp nhận phải buông tay khi còn chưa bắt đầu.

Bất lực lắm, có ca em đã lên phương án hết rồi, họ chấp nhận rồi, đến khi tới nhà thì họ lại đổi ý bởi chịu tác động của những người xung quanh khiến họ phải thu mình lại. Dù mình có giải thích, chứng minh như thế nào họ cũng không nghe. Vậy mình phải làm sao, phải buông tay thôi…

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 6.

Như chị nói, để chứng minh một điều gì đó với người khác thì trước hết bản thân mình phải cho thấy mình đã làm được gì, vậy có khi nào chị sợ mình đã làm sai hoặc sai một điều gì đó trong việc duy trì, phát triển OBV hay chưa?

Tất nhiên là không có ai hoàn hảo cả, bên chị cũng đã từng sai, thậm chí sai rất nhiều nhưng chị không bao giờ xấu hổ hay sợ khi mọi người biết về cái sai của mình. Bởi có sai mà không biết sửa mới là điều khiến chúng ta hổ thẹn.

Để duy trì hoạt động của OBV, đâu phải lúc nào mình cũng đúng, từ việc chăm sóc trẻ, hiểu tâm lý của trẻ cho đến việc đối nội với nhân viên, đối ngoại đơn vị hỗ trợ… Có rất nhiều lần mình sai, nhưng sai ở đâu, vướng mắc chỗ nào thì phải ở đó để mà tháo gỡ, phải biết cách chấp nhận thay đổi để tốt hơn.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 7.

Ví dụ như trong cách giáo dục trẻ, với nhiều gia đình, việc con cái sai là phải la mắng, đánh roi, dù ban đầu OBV không phạt roi các bé nhưng lại bắt các bé quỳ gối để tự nhìn nhận lại mình. Nhưng chị thừa nhận đó là hình thức sai lầm trong cách giáo dục trẻ, có nhiều bé sẽ không vì những lần bị phạt quỳ mà thay đổi, nhất là với những trẻ đã gặp những chuyện không vui trong quá khứ. Cho nên OBV hiện tại chỉ có thưởng chứ không có phạt, khi mà trẻ ngoan sẽ được các cô phát phiếu hồng, tích góp đủ số phiếu hồng sẽ được một món quà mà các con mong muốn.

Tất nhiên với từng con, cách đánh giá sẽ dựa vào những tiêu chí khác nhau, bảng điểm khác nhau phù hợp với tâm sinh lý, sự phát triển của từng bé. Điều này được bên chị thực hiện rất kỹ càng sau khi nói chuyện cùng với chuyên viên tâm lý.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 8.

Trong suốt 11 năm đồng hành với OBV, có lẽ điều mà chị Thảo sợ nhất là vô tình làm tổn thương một em bé nào đó. Bởi theo chị, chỉ cần một lần mình sai với trẻ, các em sẽ nhớ mãi và khó tha thứ cho mình. Dù các em vẫn biết rằng mình đối xử tốt với các em.

"Có nhiều chuyện buồn lắm, một số em sau khi ra khỏi OBV lại không muốn nhìn nhận lại đã từng sinh sống tại đây vì các em sợ, nếu thừa nhận có nghĩa là các em từng là một đứa trẻ bị xâm hại. Không phải đứa trẻ nào cũng mạnh mẽ vượt qua nỗi sợ đó, người hiểu thì sẽ khác, nhưng nếu không hiểu sẽ nhìn tụi nhỏ bằng ánh mắt khác, tội cho nó lắm chứ…", chị Thảo tâm sự.

Vậy bản thân chị và OBV đã có phương pháp nào để giúp các bé vượt qua nỗi sợ hãi của chính bản thân mình hay chưa?

Mỗi bé đến với OBV, chị nói với con rằng những việc con vừa trải qua, nó chẳng qua là một tai nạn thôi. Bởi tai nạn là điều mà chúng ta không hề mong muốn nó xảy ra. Vậy tại sao mình lại phải xấu hổ vì điều đó chỉ là tai nạn.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 9.

Tụi con được phép buồn, nhưng buồn một chút rồi thôi, riêng tuyệt đối không phải xấu hổ. Bởi ở nhà mình, cũng có rất nhiều chị gặp tai nạn đã đứng lên, đã trưởng thành, đậu đại học, lấy chồng, có một công việc ổn định… Tai nạn này chỉ là khó khăn ban đầu trong cuộc đời của các con thôi nên các con cần phải vượt qua điều đó, các bé cũng cảm nhận được và tự tin hơn rất nhiều.

Trở thành mái nhà chung cho rất nhiều bé gái, có khi nào OBV cảm thấy bị quá tải, không thể nào dung hòa được các bé lại với nhau?

Đó là dựa vào cách quản lý của mình. Mỗi bé có một nền tảng, môi trường sống trước kia khác nhau nên việc đặt ra một quy tắc chung cũng rất khó. Bởi có thể với bé A thì phù hợp nhưng với B lại sai, nhận thức của các con chưa đủ để tiếp thu các điều mà mình cho là đúng, vậy chính người lớn cần phải cân chỉnh.

Nuôi con người khác nó khó lắm, mình cần phải tránh hết những ánh nhìn không thiện cảm từ người ngoài nhìn vào. Mỗi tối chị có một giờ để các bé hồi tâm, đó là lúc các bé nhìn nhận lại những chuyện vui, buồn trong ngày, sau khi giải quyết xong thì quên hết để bắt đầu một ngày mới. Đây cũng là dịp để chính những cô giáo dục viên, bản thân chị nhìn lại một ngày của mình tại OBV.

Trong số những quy tắc mà OBV đặt ra đến thời điểm hiện tại, có điều gì chị cảm thấy nó sẽ khiến các bé chịu thiệt thòi hay không?

Các bé ở đây sẽ không được sử dụng điện thoại, so với các bạn cùng trang lứa, đó là một thiệt thòi rất lớn. Tuy nhiên đó là cách để bảo vệ các bé được an toàn hơn trước vô số những thông tin chưa chọn lọc trên mạng xã hội. Ở OBV, các bé sẽ có giờ học vi tính riêng dưới sự giám sát của các cô giáo dục viên để tìm kiếm những thông tin bổ ích cho việc học tập. Riêng các bạn cấp 2 - 3 khi đến trường, bản thân OBV sẽ không kiểm soát được bởi các bạn cùng lớp sử dụng điện thoại, điều mình có thể làm là hướng dẫn, giải thích cho các em để tránh tiếp nhận những thông tin không phù hợp.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 10.

Ngoài ra, một số quy tắc khác như dạy trẻ không xin đồ của người khác, buổi tối không được nói chuyện với người lạ, không được hỏi chuyện riêng của nhau…, ở mỗi quy tắc mình cần phải giải thích, làm sao cho các con hiểu được các cô làm tất cả những điều đó là để bảo vệ, giúp đỡ các con. Để các bé cảm nhận được ai mới thật sự tốt với mình, yêu thương, lo lắng cho mình…, nhờ vậy mà OBV đã tồn tại 11 năm như thế này.

Được biết đến là một nơi giúp đỡ các bé bị xâm hại (hoặc có nguy cơ), chị có nghĩ là việc đăng tải thông tin về OBV trên nhiều phương tiện truyền thông, MXH sẽ ảnh hưởng đến các bé hay không?

Lúc đầu OBV cũng có suy nghĩ ấy vì sợ khi mọi người biết đến nhiều mình sẽ bị thị phi, nên khoảng 8 năm đầu tiên, tụi chị hoạt động dường như âm thầm, rất ít người biết đến.

Nhưng thời gian gần đây, chị nhận thấy rằng nếu mình cứ giấu thông tin về ngôi nhà thì sẽ là bất công với nhiều trẻ em đang gặp tai nạn mà chưa được đưa ra ánh sáng.

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 11.

Bởi nếu các em biết được trên đời này đang có một ngôi nhà dành cho các em, nơi sinh sống của nhiều em nhỏ khác có hoàn cảnh tương tự mình, ít nhất các em sẽ cảm thấy an ủi khi vừa trải qua những nỗi đau đớn về cả thể xác lẫn tinh thần.

Mặc dù nhà OBV không thể nhận nuôi nhiều trẻ nhưng chị tin là mình truyền cảm hứng được đến với nhiều em nhỏ khác. Vì vậy, chị mới mạnh dạn để OBV được biết đến nhiều hơn, bởi nếu em cứ sợ, thì sẽ mãi ở trong bóng tối, nó không đúng với ý nghĩa mà em đang hướng tới.

Vậy chị và OBV đã có cho mình những kế hoạch, mục tiêu gì trong thời gian tới hay không?

Mới đầu thành lập bên chị cũng có đặt ra mục tiêu nào là đưa trẻ đi du học, làm này làm kia…, nhưng đâu phải cái gì mình muốn cũng thuận lợi đâu em.

Nên giờ bên chị không đặt mục tiêu to lớn nữa, chỉ cần các con được bình yên được ngày nào thì đó là thành công của mình rồi. Còn việc các con có đi đường dài với mình hay không thì đó là dựa vào duyên số của từng đứa nữa.

Điều duy nhất mình phải làm cho được là khi trẻ còn ở với mình, OBV phải giúp hết khả năng, đem lại điều tốt nhất cho các bé. Bản thân OBV chỉ hi vọng chứ không có kỳ vọng ở các con, bởi nếu đặt kỳ vọng sẽ tạo ra áp lực cho chính bản thân các bé cũng như dễ khiến OBV cảm thấy hụt hẫng khi các bé không thực hiện được.

11 năm không phải là con số nhỏ đối với một đời người, có bao giờ chị hối hận khi dành quá nhiều thời gian của mình cho OBV hay chưa?

Hối hận thì sẽ không đâu, nhưng chị từng có những khoảng thời gian cảm thấy bị quá tải. Bởi ngay chính bản thân chị cũng đã có những nỗi đau riêng, giờ mỗi ngày lại tiếp nhận thêm nhiều nỗi đau của người khác, áp lực, đau đầu lắm chứ.

Nhưng rồi mình cũng phải tự tìm cách vực dậy tinh thần bởi khi gặp một trường hợp mới, chị chỉ buồn là sao mà nó cứ có hoài vậy, sao mà việc xâm hại trẻ mãi mãi không chấm dứt.

Cũng nhờ có sự ủng hộ của chồng và con gái, chị mới có thêm động lực để tiếp tục chiến đấu cùng OBV. Mong rằng một ngày nào đó, OBV sẽ chẳng còn phải giải cứu hay tiếp nhận một trường hợp nào nữa!

Cảm ơn chị Nguyễn Yên Thảo rất nhiều!

Người phụ nữ đứng sau ngôi nhà cưu mang những bé gái bị xâm hại: Đã từng muốn đóng cửa nhưng sợ trẻ bơ vơ vì gia đình không dám nhận lại - Ảnh 12.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM