• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để cưỡng chế xử lý vi phạm hành chính: Không nhân văn, thể hiện sự bất lực

Thời sự 18/06/2020 11:13

(Tổ Quốc) - Sáng nay (18/6), Quốc hội đã tiến hành thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bổ sung biện pháp “cắt điện, nước” để tránh tình trạng “phạt cho tồn tại”

Đề xuất bổ sung biện pháp "ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước" để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính vào Luật lần này vẫn nhận được nhiều sự quan tâm, tranh luận của nhiều vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH).

Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để xử lý vi phạm hành chính: Sao không cắt thêm cả dịch vụ viễn thông? - Ảnh 1.

ĐBQH Lê Công Định (Đoàn Long An).

Bày tỏ tán thành việc bổ sung biện pháp “Ngừng cung cấp dịch vụ điện nước” để xử lý vi phạm hành chính, ĐB Lê Công Định (Đoàn Long An) cho biết, qua thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm hành chính nhất là lĩnh vực xây dựng rất khó xử lý. Bởi nhiều lý do nhất là khi các cá nhân cố tình vi phạm. Chính vì vậy, chỉ thực hiện biện pháp tạm giữ tang vật, phương tiện, giấy phép là chưa đủ răn đe.

ĐB Định cũng nêu tình trạng: “Lập biên bản thì cứ lập, làm thì cứ làm, khi lực lượng đến thì dừng lại còn khi quay đi thì tiếp tục thực hiện. Đó là chưa kể một số trường hợp phạt xong cho tồn tại. Thực tế rất ít công trình vi phạm bị cưỡng chế tháo dỡ”.

“Không có đội ngũ, lực lượng, cơ sở nào đủ sức ngăn chặn vi phạm hành chính hiệu quả nếu không bổ sung biện pháp này. Việc bổ sung biện pháp này cũng nhằm góp phần đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạm phải được ngăn chặn kịp thời” - ĐB Lê Công Định nêu quan điểm.

Nếu cắt điện, nước thì phải cắt thêm cả dịch vụ viễn thông

Trái với quan điểm của ĐB Định, ĐBQH Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam) cho rằng, quy định một số biện pháp cưỡng chế vi phạm hành chính bằng hình thức ngừng cung cấp, điện nước, đối với các nhân vi phạm là chưa thuyết phục, tính khả thi không cao và trái với nguyên tắc tự thỏa thuận, tự chịu trách nhiệm bộ luật dân sự.

Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để xử lý vi phạm hành chính: Sao không cắt thêm cả dịch vụ viễn thông? - Ảnh 2.

ĐBQH Trần Tất Thế (Đoàn Hà Nam). Ảnh: Quochoi.vn

Dịch vụ cung cấp điện nước là sự thỏa thuận giữa bên cung cấp dịch vụ và bên sử dụng dịch vụ thông qua hợp đồng. Việc ngừng cung cấp dịch vụ này phải đảm bảo theo hợp đồng giữa các bên tham gia.

Do đó, Đại biểu Trần Tất Thế đề nghị không nên hành chính hóa quan hệ dân sự này, điện nước không phải là tang vật, phương tiện sử dụng cho hành vi vi phạm hành chính nên không thể là công cụ cưỡng chế được.

ĐB Thế cũng đề nghị thêm: “Nếu bổ sung biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện nước thì tại sao không bổ sung cả hình thức ngừng cung cấp cả dịch vụ viễn thông. Bởi, thời đại 4.0, các dịch vụ viễn thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Thiếu dịch vụ viễn thông sẽ làm tê liệt hệ thống. Ở khía cạnh nào đó, ngừng dịch vụ viễn thông còn là biện pháp mạnh hơn cả các biện pháp khác”.

Ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước để xử lý vi phạm hành chính: Sao không cắt thêm cả dịch vụ viễn thông? - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định)

Đồng tình với quan điểm của ĐB Trần Tất Thế, ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, việc cắt điện nước có thể ảnh hướng đến các bên liên quan đến vi phạm. Chúng ta cần tránh việc bổ sung quy định để giải quyết một việc trái pháp luật nhưng lại gây ra một thiệt hại lớn hơn.

Đại biểu Cảnh đề nghị, Luật nếu bổ sung nội dung ngừng cung cấp các dịch vụ điện nước tại địa điểm vi phạm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất kinh doanh dịch vụ như một biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm thì cũng cần bổ sung một nội dung kèm theo, đó là việc ngưng cung cấp dịch vụ điện nước không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cá nhân, tổ chức không liên quan đến hành vi vi phạm.

Theo Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận), việc bổ sung biện pháp cắt điện, nước để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính thể hiện sự bất lực của công tác quản lý nhà nước.

"Đây là giải pháp không có tính nhân văn vì có những người không liên quan đến vi phạm hành chính đó lại trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm. Làm luật phải phù hợp với thực tiễn, nóng 39 - 40 độ mà cắt điện của người ta là không nên. Biện pháp này thì chỉ nên quy định đối với lĩnh vực xây dựng chứ không nên áp dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh" - ĐB Cương nói.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính.

Một trong hai nội dung trong Dự án Luật này là về bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Tờ trình đưa ra 2 loại ý kiến: Loại ý kiến thứ nhất đề nghị bổ sung biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm” và dự thảo Luật thể hiện theo loại ý kiến này).

Loại ý kiến thứ hai đề nghị quy định biện pháp này là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý xử lý vi phạm hành chính.

Trình bày thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, vấn đề này hiện còn những ý kiến khác nhau.

Trong đó, nhiều ý kiến tán thành với loại ý kiến thứ hai, bổ sung biện pháp “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm” là biện pháp ngăn chặn đối với hành vi vi phạm hành chính, trong đó điện, nước được sử dụng làm công cụ, phương tiện vi phạm hành chính.

Một số ý kiến còn lại tán thành với loại ý kiến thứ nhất, bổ sung biện pháp cưỡng chế này để có thêm công cụ hữu hiệu trong trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm không tự nguyện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính sau khi đã áp dụng các biện pháp hiện hành như đề xuất trong dự thảo Luật; đồng thời đề nghị thu hẹp trường hợp áp dụng biện pháp này theo hướng chỉ áp dụng để cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt bằng hình thức đình chỉ hoạt động có thời hạn.

Thế Công

NỔI BẬT TRANG CHỦ