Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Vai trò của người cao tuổi luôn có một vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội. Họ không những là người chỉ đường, dẫn dắt thế hệ sau mà còn là tấm gương sáng về phẩm chất đạo đức và nỗ lực đóng góp không ngừng nghỉ cho cộng đồng.
Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 1.

Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, nhiều chủ trương, chính sách đã đi vào cuộc sống nhằm giúp người cao tuổi "sống vui, sống khỏe, sống có ích". Tuy nhiên, tốc độ già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng cũng làm xuất hiện nhiều vấn đề xã hội.

Theo Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa Phạm Minh Quân cho biết: Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Những người từ 60 tuổi trở lên chiếm gần 12% tổng dân số vào năm 2019 và dự kiến đến năm 2050, con số này sẽ tăng lên hơn 25%. Đến năm 2036, Việt Nam bước vào thời kỳ dân số già, chuyển từ xã hội "già hóa" sang xã hội "già". Và theo cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an cung cấp, đến ngày 9/2/2023 cả nước có 16.179.824 công dân từ 60 tuổi trở lên, chiếm gần 17% số dân nước ra. Điều đáng lưu ý là, quá trình quá độ từ già hóa dân số đến dân số già của Việt Nam chỉ trong vòng 20 năm, trong khi các quốc gia phát triển nêu trên kéo dài hàng trăm năm.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 2.

Một trong những thách thức của vấn đề già hóa dân số ở Việt Nam đó là suy giảm năng suất lao động và tăng trưởng kinh tế. Việc tăng nhanh dân số già đồng nghĩa với suy giảm tăng trưởng lực lượng lao động, dẫn đến kìm hãm năng suất lao động, nhất là năng suất các nhân tố tổng hợp. Mặt khác, đó cũng là thách thức trong việc bảo đảm thu nhập cho người cao tuổi và bất bình đẳng trong xã hội. Dân số già có xu hướng sử dụng nhiều dịch vụ y tế và chăm sóc sức khỏe hơn, gây sức ép lớn với hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe nhân dân của quốc gia.

Tuy nhiên theo ông Phạm Minh Quân, đúng là ở người cao tuổi, sức khỏe và khả năng lao động tạo ra của cải cho xã hội của họ bị suy giảm, nhưng điều này không có nghĩa là họ trở thành "gánh nặng" và không đóng góp gì cho gia đình và xã hội.

"Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhận định và phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp mặt các đại biểu về dự Đại hội VI Hội Người cao tuổi Việt Nam: "Trong tình hình mới hiện nay, quá trình già hóa dân số nước ta đang diễn ra nhanh chóng, cùng với tuổi thọ bình quân ngày càng cao; lực lượng người cao tuổi ngày càng nhiều hơn, đông hơn; đó là phúc lớn cho dân tộc". Chính vì thế, Tôi cho rằng, người cao tuổi vẫn có thể còn có những đóng góp cho sự phát triển xã hội, ở những phương diện khác, đặc biệt là từ cấp độ cơ bản nhất, đó là gia đình" – ông Phạm Minh Quân cho biết thêm.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 3.

Người cao tuổi là những tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, kinh nghiệm, công lao trong xây dựng tổ ấm hạnh phúc gia đình. Ông Phạm Minh Quân chia sẻ: "Một trong những tài sản quý giá nhất ở người cao tuổi, đó là kinh nghiệm đúc kết từ cuộc sống. Người cao tuổi với sự trải nghiệm dạn dày về cuộc đời đã trở thành trụ cột tinh thần vững chãi trong gia đình trong hoàn cảnh hiện tại, với việc nêu gương sáng về đạo đức, lối sống để giáo dục cho con cháu những giá trị gia đình truyền thống từ những sinh hoạt và việc làm nhỏ nhất hằng ngày trong gia đình.

Bên cạnh đó, người cao tuổi còn có ưu thế về kỹ năng thuyết phục con cháu mà không phải áp đặt trong việc chọn lọc và tạo sức đề kháng đối với những tác động từ bên ngoài để hình thành nhân cách cho con cháu theo hướng tích cực. Người cao tuổi còn có khả năng và kinh nghiệm trong việc điều hòa các mối quan hệ giữa các thành viên để tạo nên không khí gia đình "trong ấm, ngoài êm".

Còn đối với xã hội, người cao tuổi truyền thụ kỹ năng, kinh nghiệm, giá trị văn hóa truyền thống, tham gia đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội, thông qua đó đóng góp ý kiến, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, cũng như góp phần xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 4.

Qua đó, việc chăm sóc sức khỏe và bảo đảm quyền và phát huy tri thức, kinh nghiệm của người cao tuổi, một trong những yếu tố quan trọng để người cao tuổi thực sự sống vui, sống khỏe, sống có ích, có thể đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển xã hội.

Coi người cao tuổi là một nguồn lực quan trọng của xã hội, theo ông Phạm Minh Quân chia sẻ: "Trong số người cao tuổi, có rất nhiều những giáo sư, bác sĩ, nhà khoa học, thầy giáo, ở độ tuổi "thất thập cổ lai hy" vẫn đang miệt mài làm việc, sáng chế, truyền cảm hứng, không ngừng xây dựng thêm nhiều giá trị cho cộng đồng, cho xã hội, cho đất nước. Họ không muốn nghỉ ngơi thụ động, phụ thuộc vào con cái mà muốn có cuộc sống chủ động, tích cực, tham gia công việc gia đình, xã hội.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 5.

"Vì vậy, gia đình, Nhà nước và xã hội cần thay đổi quan niệm, cách tiếp cận, cách nhìn đối với vấn đề người cao tuổi. Coi người cao tuổi không chỉ là vấn đề để tập trung chăm sóc, coi người cao tuổi là đối tượng đi thăm, tặng quà vì đã quá già và nghèo. Thực tế có rất nhiều người còn sức khỏe, nhất là từ tuổi 60 đến 75, họ vẫn muốn tiếp tục cống hiến, vẫn muốn được tạo điều kiện nhưng chưa được đáp ứng. Vậy nên, người cao tuổi không chỉ là vấn đề cần giải quyết mà còn là cơ hội, nguồn lực cho sự phát triển, cấn quan tâm tạo có chế, chính sách để thu hút, khai thác nguồn lực đó một cách hiệu quả" - ông Phạm Minh Quân nói.

Để có thể làm được điều đó, gia đình và cộng đồng cần tạo điều kiện hơn nữa để người cao tuổi có thể phát huy một cách tối đa vai trò của mình trong gia đình và cộng đồng. Gia đình không chỉ là sự hỗ trợ về vật chất và chăm sóc sức khỏe, mà còn là chỗ dựa nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi. Bởi người cao tuổi trong thời buổi hiện nay cũng gặp nhiều vấn đề về tâm lý.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 6.

"Ngày nay, ở thời đại mới, kinh nghiệm không còn hữu dụng như trước nữa, thậm chí còn bị coi là lỗi thời. Tuổi càng trẻ, hay càng ở thế hệ sau, thì càng có cơ hội tiếp cận được với cái mới, cái hữu ích. Người già càng có nhiều nguy cơ trở thành một thứ người thừa. Nên người cao tuổi sẽ xảy ra những vấn đề tâm lý như cảm thấy cô đơn, lạc lõng và coi bản thân là gánh nặng cho gia đình. Và để xóa nhòa nó, cần có sự chia sẻ, ủng hộ và cảm thông của người thân, khuyến khích người cao tuổi mạnh dạn tham gia các hoạt động tập thể, cộng đồng, để thấy được rằng họ vẫn còn có vai trò trong xã hội" – ông Phạm Minh Quân nhấn mạnh.

Còn đối với xã hội, Nhà nước cũng có thể lồng ghép yếu tố người cao tuổi, chính sách đối với người cao tuổi vào chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng hướng trực tiếp đến người cao tuổi; khuyến khích, tạo điều kiện, hỗ trợ cho họ rèn luyện sức khỏe; tham gia học tập; hoạt động kinh tế, văn hoá, xã hội. Nhà nước cần bố trí nguồn lực hằng năm để thực hiện pháp luật, chính sách chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, nhất là đối với những người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt.

Người cao tuổi là nguồn lực quan trọng của gia đình và xã hội - Ảnh 7.

Với những nỗ lực của gia đình, xã hội và Nhà nước sẽ tạo ra môi trường xã hội thúc đẩy tính năng động của quá trình già hóa, điều kiện và cơ hội tốt nhất phát huy được đầy đủ khả năng của người cao tuổi và cùng xã hội đáp ứng tốt nhất nhu cầu của nhóm xã hội đặc biệt này./.

Thương Nguyễn


* Vụ Gia đình, Bộ VHTTDL thực hiện