• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng đạo đức thì sự suy thoái sẽ tác động rất lớn

Văn hoá 31/10/2016 08:30

(Tổ Quốc) -Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ ra những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… 

Báo điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với GS, NGND Trần Văn Bính, Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về vấn đề suy thoái đạo đức trong Đảng cũng như những giải pháp để tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng. 

+ Thưa ông, tại Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương Đảng khóa XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu quan trọng chỉ ra một cách có hệ thống những biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện của “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…. Ông nhận thức, đánh giá như thế nào về bài phát biểu của Tổng Bí thư?

+ Phát biểu của Tổng Bí thư tại phiên khai mạc và bế mạc Hội nghị Trung ương IV vừa qua là đúc kết ý kiến chung của Đảng kể từ mấy Đại hội trước. Nói một cách cụ thể, ngay từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa  VIII với mục tiêu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc thì Trung ương cũng đã chỉ ra nguy cơ sự suy thoái đạo đức trong xã hội rồi.

Vì vậy, tiếp sau Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII thì Trung ương lập tức ra Nghị quyết 6 lần 2 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Nhưng tiếc rằng chúng ta đã làm chưa được tốt. Rồi tiếp đó Đại hội IX, Đại hội X, Đại hội XI… Đảng đều chỉ rõ những nguy cơ về sự suy thoái tư tưởng đạo đức trong Đảng và trong một bộ phận xã hội. Điều đặc biệt quan trọng là sự suy thoái của một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên, nói một cách cụ thể hơn là người có chức có quyền, đó là một điều rất đáng lo ngại.

Phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi đã chỉ rõ, đó là sự nguy hại khôn lường, nếu không khắc phục ngay hiện tượng đó.

GS.NGND Trần Văn Bính: Chúng ta cần đặt vấn đề, khi có sai lầm khuyết điểm thì mọi người đều phải công bằng như nhau, đều phải được xử lí như nhau, đừng vì anh có chức vụ cao thì xử lí nhẹ, tôi chức vụ thấp thì xử lí nặng (ảnh Thảo Nguyên)

 

Tôi nói nguy hại khôn lường, vì sao? Bởi vì khi một số cán bộ Đảng viên, đặc biệt người có chức, có quyền suy thoái về tư tưởng đạo đức thì bản thân sự suy thoái đó sẽ có tác động dây truyền đến các thế hệ công dân khác. Trước hết những người trong gia đình họ, trong khu chung cư của họ và trong xã hội dẫn tới hệ lụy mà Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, đó là nguy cơ dẫn tới tự diễn biến.

Nói tự diễn biến tức là không phải từ bên ngoài tác động vào mà là tự mình tha hóa, tự mình biến chất, không còn là mình nữa.

Bác Hồ trước khi ra đi đã căn dặn chúng ta “Chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù không đội trời chung của đạo đức cách mạng”. Nếu người cán bộ, Đảng viên của Đảng không còn đạo đức cách mạng nữa thì họ có thể mang danh hiệu Đảng viên Cộng sản không? Chắc chắn là không.

Vậy muốn có đạo đức cách mạng thì phải làm gì? Phải “Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư”. Những điều diễn ra hiện nay trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên, đặc biệt những người có chức có quyền đã chứng tỏ họ đã quên lời dặn của Bác, thậm chí họ không muốn thực hiện lời dặn của Bác. Sự tự diễn biến, tự chuyển hóa là như vậy.

Gần đây nhất là vụ nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ  Huy Hoàng. Với những sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng khi còn đương chức của ông ta mà Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng đã kết luận thì ông ta có đủ tư cách của Đảng viên Cộng sản nữa không? Chưa nói lúc đương nhiệm, tư cách của ông ta là Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Bí thư Ban cán sự của Bộ Công thương. Tôi nói như vậy để thấy “tự diễn biến” là nguy hiểm như vậy, tự mình tự đánh mất mình là như vậy.

Hàng loạt những vụ tham nhũng, lợi dụng chức quyền để đưa người nhà người thân vào những chức vụ béo bở, hiện tượng đó gần đây xuất hiện nhiều gây nhức nhối trong xã hội. Bác Hồ nói rằng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”, thì hành động vơ vét cho cá nhân, lối sống bê tha của một bộ phận cán bộ đảng viên đó có đạo đức, văn minh không?.

Hàng loạt hiện tượng tiêu cực, sai phạm diễn ra hiện nay trong một số cán bộ đảng viên nói lên điều gì? Họ có còn là Đảng viên Cộng sản về thực chất nữa không, hay chỉ mang danh là Cộng sản thôi?

Đồng chí Tổng Bí thư nói “tự diễn biến” là như vậy. Hậu quả của “tự diễn biến” tác hại khôn lường.

+  Theo ông, từ thực tế nào để Tổng Bí thư đưa ra vấn đề suy thoái đạo đức, vấn đề “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong Đảng?

- Qua tổng kết của Nghị quyết Trung ương 5, về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, thì Trung ương đã khẳng định nguy cơ về sự suy thoái đạo đức trong Đảng. Cho nên, sau Hội nghị tổng kết đó, Trung ương khóa XI đã họp và ra Nghị quyết, mà ta gọi là Nghị quyết 33 hay Nghị quyết 9 về xây dựng, phát triển, văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của sự phát triển bền vững đất nước. Để khẳng định rằng vai trò văn hóa cực kì quan trọng và sự xuống cấp về văn hóa hiện nay ở nước ta không phải là bình thường nữa, không thể coi thường, xem nhẹ được nữa.

Tôi nhớ tại hội nghị tổng kết 15 năm xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc do Ban Bí thư Trung ương tổ chức tại Hội trường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tôi có phát biểu một ý rằng: Nguy cơ về suy thoái đạo đức hiện nay ở nước ta, không những làm hạn chế tốc độ phát triển kinh tế, mà còn có nguy cơ làm chệch hướng phát triển đất nước. Cái chệch hướng phát triển đất nước cực kì nguy hiểm, có nghĩa là ta xác định đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhưng cái nguy cơ đó vẫn còn nó sẽ lái chúng ta đi theo con đường khác.

Tôi có nhắc lại một câu nói của Đại văn hào Maksim Gorky, đại ý: Đối với tôi, lời kêu gọi tổ quốc lâm nguy cũng không đáng sợ hơn lời kêu gọi văn hóa lâm nguy. Văn hóa lâm nguy thì đâu còn tổ quốc nữa, đâu còn dân tộc nữa, đâu còn chế độ Xã hội Chủ nghĩa nữa.

Cho nên phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư vừa rồi rất thẳng thắn, là sự tổng kết lại thực tiễn của chúng ta hiện nay, và khẳng định nguy cơ đó đòi hỏi chúng ta phải có những quyết sách, quyết tâm lớn nhằm chấn chỉnh, xây dựng Đảng trong tình hình mới. Bởi vì Đảng phải là bộ phận lãnh đạo tiên phong. Nếu Đảng suy thoái, một bộ phận cán bộ Đảng suy thoái, thì dân sẽ không tin, không thực hiện những quyết sách đó.

+ Như ông nói, vấn đề suy thoái đạo đức trong một bộ phận Đảng viên, một bộ phận xã hội đã được đề cập đến trong rất nhiều kì Đại hội của Đảng rồi. Tuy nhiên, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư lần này, vấn đề suy thoái đạo đức trong một bộ phận cán bộ, Đảng viên được chỉ ra quyết liệt. Đã đến lúc phải giải quyết vấn đề một cách mạnh mẽ. Theo ông, cần phải hành động ra sao để khắc phục điều đó?

- Bây giờ khi Đảng đã thống nhất quan điểm, nhận thức như vậy rồi thì phải tổ chức hành động quyết liệt. Tổ chức hành động là cực kì quan trọng. Lâu nay chúng ta hô hào nhiều, chúng ta mới dừng lại ở phong trào, có tính hình thức. Có phê bình tự phê bình nhưng mà rồi nhiều khi nể nang nhau, vuốt ve là chính chứ chưa bao giờ trực diện nói thẳng những vấn đề của bản thân mình, của đồng chí mình.

Mà như vậy thì hãy nhớ lại lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bác nói rằng: “Một Đảng mà không dám thừa nhận khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng”. Một Đảng chân chính là Đảng dám nói thẳng, dám thừa nhận khuyết điểm của mình và chỉ ra cái sai lầm, khuyết điểm đó và biện pháp khắc phục cái sai lầm khuyết điểm đó là gì.

Và tôi nghĩ rằng về phương diện này nên học cuộc đấu tranh chống tham nhũng mà Trung Quốc đang kiên quyết tiến hành. Khi Trung Quốc nói rằng cuộc đấu tranh này không loại trừ bất cứ ai, không kiêng nể bất cứ ai, không ai có quyền can thiệp thì trong thực tế họ đã làm như vậy. Chúng ta cần đặt vấn đề, khi có sai lầm khuyết điểm thì mọi người đều phải công bằng như nhau, đều phải được xử lí như nhau, đừng vì anh có chức vụ cao thì xử lí nhẹ, tôi chức vụ thấp thì xử lí nặng.

Thậm chí theo quan điểm của riêng tôi, cùng một khuyết điểm, người Đảng viên có cương vị càng cao thì phải xử lí càng nặng. Vì sao như vậy? Vì người ở cương vị cao thì sự suy thoái, sai phạm sẽ nguy hiểm hơn nhiều so với người Đảng viên bình thường. Như thế mới là hợp lí, như thế mới là xây dựng, củng cố Đảng ta./.

Kỳ II: Làm gì để dân thêm niềm tin với Đảng

Thảo Nguyên (thực hiện)

NỔI BẬT TRANG CHỦ