• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người da màu Mỹ từ chối đeo khẩu trang: Hơn cả COVID-19, đó là lựa chọn giữa ranh giới "sống còn"

Thế giới 08/04/2020 15:38

(Tổ Quốc) - Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ mới đây đã khuyến cáo người dân sử dụng vải tự chế để che mặt tại những nơi công cộng nhằm hạn chế sự lây lan của COVID-19.

Tuy nhiên, giáo sư kinh tế tại Đại học Ohio State, Trevon Logan sẽ không làm theo hướng dẫn trên.

"Chúng ta đã có rất nhiều ví dụ về những người da đen bị cho là tội phạm", ông Logan, một người Mỹ gốc Phi nói với CNN. "Và rồi chúng ta được khuyên nên đi ra ngoài với một thứ… mà chắc chắn sẽ khiến chúng ta bị nhìn nhận như là tội phạm hoặc bất chính, đặc biệt là đối với đàn ông da màu".

Không chỉ Logon có nỗi lo trên. Trên mạng xã hội và trong các cuộc phỏng vấn báo giới, một số người da màu, bao gồm các nhà hoạt động, học giả và cả thường dân, đều bày tỏ sự quan ngại rằng, khẩu trang tự làm có thể khiến gia tăng tình trạng phân biệt chủng tộc đồng thời đẩy người da màu và người Mỹ Latin vào nguy hiểm.

"Tôi không thấy an toàn khi dùng khăn tay hay một thứ khác không phải là khẩu trang y tế để che mặt khi tới cửa hàng bởi vì tôi là một người da màu sống trong thế giới này", Aaron Thomas, một giáo viên tại Columbus, Ohio viết trên Twitter. "Tôi muốn được sống nhưng tôi cũng muốn tồn tại". Cập nhật của Thomas đã nhận được 121.000 lượt thích.

Giáo sư Logan thừa nhận với CNN, trong bối cảnh đại dịch, việc kêu gọi người dân bảo vệ khuôn mặt là điều rất có lý, nhưng nếu một người da màu từ chối đeo khẩu trang thì cũng không phải là một điều kỳ lạ. "Đeo khẩu trang tự chế là một phản ứng chấp nhận được nếu anh bỏ qua bối cảnh xã hội nước Mỹ. Khi anh không làm được vậy, về cơ bản anh đang yêu cầu mọi người trông như những phần tử nguy hiểm, nhất là khi những khuôn mẫu phân biệt chủng tộc vẫn đang tồn tại ngoài kia", ông Logan nói.

Người da màu Mỹ từ chối đeo khẩu trang: Hơn cả COVID-19, đó là lựa chọn giữa ranh giới "sống còn" - Ảnh 1.

Một cửa hàng bán khẩu trang các loại ở Brooklyn, TP New York ngày 2/4 (ảnh: getty)

Khăn choàng và các phục sức khác có ý nghĩa gì đối với người da màu tại Mỹ?

Tại Mỹ, những đánh giá về tội phạm và thời trang đôi khi lại đi kèm với nhau. Theo phó giáo sư về tội phạm học tại Đại học Georgia State Cyntoria Johnson, loại khăn vuông (bandana) với những màu đặc biệt thường tạo liên tưởng tới các hoạt động bạo lực và băng đảng. Nhóm tội phạm đường phố từ California "Máu và Khoai chiên" hay sử dụng các khăn quàng sặc sỡ như một dấu hiệu nhận biết. Sở Cảnh sát Los Angeles từng miêu tả "đồng phục của các băng đảng gốc Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha" là "thắt khăn bandana ở trên trán giống như băng đô".

"Người da màu phải đưa ra các quyết định tỉnh táo mỗi ngày về cách họ xuất hiện và được người khác nhận ra, đặc biệt là bởi cảnh sát", giáo sư Logan chia sẻ.

Tình trạng phân biệt chủng tộc ngay trong những người thực thi pháp luật tại Mỹ đã được đề cập trong nhiều nghiên cứu. Một dự án của Đại học Stanford từng xem xét hơn 100 triệu trường hợp người qua đường bị chặn lại từ năm 2011 tới 2017 và phát hiện rằng, cảnh sát thường dừng người da đen với tỷ lệ cao hơn so với người da trắng. Trong những năm gần đây, số vụ cảnh sát bắn người da đen cũng làm dấy lên nỗi sợ hãi cho cộng đồng người Mỹ gốc Phi.

Người da màu Mỹ từ chối đeo khẩu trang: Hơn cả COVID-19, đó là lựa chọn giữa ranh giới "sống còn" - Ảnh 2.

Một thành niên mặc áo có mũ và dùng khăn vuông che mặt đi trên đường phố tại Beverly Hills, California ngày 18/3 (ảnh: getty)

Tuy nhiên, bất cập trên dường như đã bị bỏ qua khi vào cuối tuần trước khi CDC kêu gọi người dân "đeo vải che mặt ở nơi công cộng mỗi khi gặp khó khăn trong việc duy trì giãn cách xã hội". CDC cũng phát kèm một video trong đó, Tổng Y sinh của nước Mỹ, Tiến sỹ Jerome Adams hướng dẫn người dân cách biến một chiếc khăn bandana, khăn quàng hay áo phông thành khẩu trang.

Phó giáo sư đến từ Đại học Nam California Robynn Cox nhận định, khuyến nghị của CDC là một ví dụ về những hiệu quả không đồng nhất.

"Chỉ vì điều gì đó có thể có tác động hoặc đúng đắn với số đông không có nghĩa là nó cũng sẽ đúng đắn hoặc có tác động theo cùng cách với các nhóm khác nhau", ông Cox nói. "Rõ ràng, có những cái giá phải trả khác mà người da đen cần cân nhắc khi lựa chọn loại trang phục bảo vệ mà họ muốn đeo".

Người da màu Mỹ từ chối đeo khẩu trang: Hơn cả COVID-19, đó là lựa chọn giữa ranh giới "sống còn" - Ảnh 3.

Tình trạng khan hiếm khẩu trang đã khiến người Mỹ phải sử dụng khẩu trang hoặc vải che mặt "tự chế" (ảnh: shutterstock)

Khi đeo khẩu trang hay không trở thành tình huống "thua toàn bộ"

Giám đốc điều hành Liên hiệp Tự do Dân sự Mỹ (ACLU) tại bang Georgia Andrea Young đánh giá, "cho tới thời điểm hiện tại cả chính quyền liên bang và bang Georgia vẫn chưa giải quyết được sự khác biệt chủng tộc trong tiếp cận chăm sóc y tế, Internet và năng lực làm việc tại nhà". "Người Mỹ da đen đang phải chịu đựng một cách bất công từ đại dịch", bà Young nói.

Những lo ngại liên quan tới đeo khẩu trang tự chế ngày càng gia tăng khi các thống kê chính phủ chỉ ra, dịch bệnh đang tập trung hơn tại các khu vực thành thị lớn như TP New York và vùng đông nam - nơi có tỷ lệ phần trăm người Mỹ gốc Phi và gốc Latin cao hơn.

Theo một báo cáo từ Viện Chính sách Kinh tế, nhân viên gốc Phi và Latin cũng "ít có khả năng" làm việc tại nhà hơn so với các đồng nghiệp da trắng.

Bà Renika Moore, giám đốc chương trình Công lý Phân biệt chủng tộc của ACLU nhấn mạnh, khuyến nghị đeo khẩu trang của CDC đã không tính toán đến các thực tế trên. "Đối với nhiều người da đen, đeo khăn bandana tại nơi công cộng là một tình thế thua toàn bộ và có thể dẫn tới những hậu quả đe dọa tới tính mạng theo cách này hay cách khác", bà Moore cảnh báo. "Không đeo đồ che mặt là chống lại khuyến nghị và làm tăng khả năng nhiễm COVID-19 nhưng nếu đeo, điều đó đồng nghĩa với việc họ có thể bị bắn hoặc bị giết do trở thành mục tiêu của những định kiến phân biệt chủng tộc".

Ngay cả như vậy, Che Johnson-Long, một phụ nữ da đen tại Atlanta dự định sẽ vẫn đeo khẩu trang khi đi ra ngoài. "Tôi đeo khẩu trang chỉ vì nó giúp bảo vệ người khác khỏi nguy cơ mà tôi có thể có", bà nói với CNN. "Nhưng khi đeo khẩu trang, tôi cũng sẽ làm mọi thứ mà một người da màu ở Atlanta đang làm".

"Tôi sẽ sẽ nhắn tin cho người thân trước khi rời nhà để một ai đó biết tôi đang ở đâu. Tôi sẽ chỉ đi cùng với người quen hoặc báo cho ai đó khi về tới nhà", bà chia sẻ. "Nếu đi bộ, tôi sẽ chào mọi người để họ nhận ra tôi sống trong cùng khu. Tôi sẽ làm mọi việc có thể để không bị cảnh sát chặn lại giữa đường".

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ