Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: "Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm"

(Tổ Quốc) - Theo người dân chặn xe tại cổng vào bãi rác Nam Sơn cho biết, sau nhiều lần không tìm được tiếng nói chung về vấn đề giải quyết di dời và đền bù, người dân đã căng lều bạt chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn. Hiện, chính quyền địa phương đang phải vận động người dân tháo bỏ rào chắn.

Những ngày gần đây, người dân quanh khu vực bãi rác Nam Sơn đã căng lều bạt ngăn không cho xe chở rác từ TP. Hà Nội vận chuyển rác vào bãi. Sự việc này dẫn tới một lượng lớn rác thải ở nội thành Hà Nội bị ùn ứ, bốc mùi, không thể được đưa đi xử lý.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 1.

Người dân thôn 2, xã Hồng Kỳ dựng lều bạt chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn

Theo ghi nhận của chúng tôi vào trưa ngày 26/10, tại thôn 2, xã Hồng Kỳ (huyện Sóc Sơn, Hà Nội), nhiều người dân nơi đây đang tụ tập tại cổng đường ra vào bãi rác để ngăn xe chở rác tập kết vào trong bãi.

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Phương Bột (65 tuổi), người dân xóm Hòa Bình (thôn 2, xã Hồng Kỳ) cho biết, do bức xúc về vấn đề ô nhiễm môi trường ngày một tăng và không tìm được tiếng nói chung trong việc di dời, đền bù nên đã xảy ra tình trạng mọi người lập điểm chặn xe chở rác.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 2.

Nhiều người dân bức xúc vì chưa tìm được tiếng nói chung về các vấn đề giải quyết, đền bù mặt bằng và khu tái định cư với chính quyền

"Những ngày này, khu vực bãi rác bốc mùi nồng nặc. Xe chở rác ngoài đường làm rò, rỉ nước rác bốc mùi hôi thối nồng nặc ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của chúng tôi. Ruồi nhặng cũng quá nhiều, có những hôm ăn cơm phải chui vào trong màn để ăn không thể chịu được.

Hôm nào gia đình quanh khu vực có công việc lớn như đám cưới, ma chay thì bãi rác ảnh hưởng đến cực kỳ lớn. Nếu không xử lý dứt điểm được vấn đề giải quyết đền bù, giải phóng mặt bằng thì nên đóng cửa bãi rác để chúng tôi tiếp tục sinh sống", ông Bột nói.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 3.
Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 4.

Nhiều người dân tập trung tại điểm chặn xe, và thay ca xuyên ngày đêm tại đây

Theo ông Bột, toàn bộ diện tích đất của gia đình ông đều nằm trong vùng ảnh hưởng của bãi rác Nam Sơn. Cụ thể, gia đình ông có 7 sào ruộng với giá 180 triệu đồng 1 sào đã được thanh toán. Tuy nhiên gia đình ông hiện còn 400m2 đất sổ đỏ, 800m2 đất vườn (đất liền kề) vẫn chưa được giải quyết nên vô cùng bức xúc.

Những hộ dân quanh khu vực bãi rác xã Nam Sơn và Hồng Kỳ cho biết, tiến độ giải phóng mặt bằng dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường Khu liên hiệp xử lý chất thải Sóc Sơn, vùng bán kính 500m từ hàng rào xử lý chưa đảm bảo tiến độ nên mọi người tỏ ra bức xúc.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 5.
Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 6.

Hiện bãi rác Nam Sơn đã được che phủ bạt một phần để tránh mùi hôi thối bốc lên

Bên cạnh đó, bãi rác Nam Sơn thuộc Khu liên hợp xử lý rác thải Sóc Sơn đã quá tải, hạn vận hành bãi rác là 20 năm nhưng đến nay đã 21 năm. Một số nhà dân chỉ cách bãi rác 100m khiến cuộc sống vô cùng khổ cực.

Cùng chung kiến nghị, bà N.T.C (thôn 2, xã Hồng Kỳ) cho biết, hiện tại bãi rác đã quá cao, hết thời hạn 20 năm nên chính quyền địa phương cần sớm giải quyết dứt điểm cho người dân.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 7.

Ông Bột bức xúc nói về việc chưa được giải quyết thoả đáng các vấn đề về di dời, đền bù mặt bằng

"Chính quyền cần xem xét giải quyết tiền bồi thường và khu tái định cư cho hợp lý. Chúng tôi sinh sống ở đây mấy chục năm nay đã quá khổ. Giờ số người mắc các bệnh ung thư, bệnh tuyến giáp, amidan… ngày một nhiều lên, khiến người dân hết sức lo lắng", bà C. bày tỏ.

Người dân chặn xe vào bãi rác Nam Sơn: Mấy chục năm nay chúng tôi đã quá khổ rồi, ruồi nhặng nhiều khiến có hôm phải chui vào màn ăn cơm - Ảnh 8.

Ông Trần Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ trao đổi về việc giải quyết các vấn đề với người dân tại bãi rác Nam Sơn

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Ngọc Hà - Chủ tịch UBND xã Hồng Kỳ cho biết, hiện chính quyền địa phương đã tiến hành tuyên truyền, vận động người dân về hành vi chặn xe chở rác không cho vận chuyển rác vào bãi rác Nam Sơn là hành vi vi phạm pháp luật.

"Người dân có nhiều khúc mắc nhưng cần tìm hướng để giải quyết. Hành vi chặn xe chở rác là trái pháp luật, không hợp lý. Hiện tại, cả hệ thống chính trị của xã đã vào cuộc, thành lập nhiều tổ công tác tuyên truyền vận động người dân đảm bảo an ninh trật tự, không nên chặn xe rác.

Song song với đó, lãnh đạo xã cũng đã có các cuộc họp với các đơn vị có thẩm quyền để báo cáo các khúc mắc, kiến nghị và nguyện vọng của nhân dân. Những điều người dân kiến nghị đều thuộc chính sách, thuộc thẩm quyền của Thành phố và Quốc hội nên xã tổng hợp những ý kiến đó để chuyển lên trên" - ông Hà thông tin.

Long Quyền

Tin mới