• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người hack Facebook Quang Hải sẽ phải đối diện với án phạt thế nào?

Thể thao 23/06/2020 10:00

(Tổ Quốc) - Theo đó, người có hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng.

Sau khi bị hacker tấn công và tung ra hàng loạt những thông tin gây ảnh hưởng tới bản thân, cầu thủ Nguyễn Quang Hải đã lên tiếng khẳng định sẽ làm việc với những cơ quan có thẩm quyền để giải quyết sự việc này. Tiền vệ sinh năm 1997 cho rằng đây là hành vi sử dụng trái phép. Việc phát tán những điều riêng tư của người khác lên mạng là 1 hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến quyền cá nhân và pháp luật.

Người hack Facebook Quang Hải sẽ phải đối diện với án phạt thế nào? - Ảnh 1.

Quang Hải lên tiếng trên trang cá nhân

Luật sư Diệp Năng Bình – Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cho biết, tình trạng các cá nhân lợi dụng không gian mạng để đăng tải các thông tin không đúng sự thật nhằm mục đích làm nhục, vu khống cho các tổ chức, cá nhân khác, xâm phạm trái phép các thiết bị cá nhân, các trang xã hội đã gây hậu quả xấu đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, ảnh hưởng xấu đến an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. 

Theo quy định tại Điều 8 Luật an ninh mạng năm 2018, pháp luật nghiêm cấm việc thực hiện các hành vi có liên quan đến an ninh mạng trong đó có việc Sử dụng các công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có những hành vi cản trở, gây rối loạn hoạt động của mạng, hệ thống xử lý điều khiển mạng hoặc phát tán những trường trình gây hại trên mạng, xâm nhập trái phép vào các mạng viễn thông, điện tử, máy tính nói chung và điều khiển thông tin, phương tiện điện tử, phát tán những chương trình gây hại cho hoạt động của không gian mạng. Có hành vi xâm nhập trái phép vào mạng viễn thông, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu, phương tiện điện tử của người khác...

Đồng thời pháp luật cũng nghiêm cấm những hành vi mang tính chất xâm phạm đến các bí mật của cá nhân, gia đình, bí mật nhà nước, bí mật công tác và đời sống riêng tư trên không gian mạng theo quy định tại Điều 17 Luật an ninh mạng năm 2018 như sau: 

 – Thực hiện các hành vi như gián điệp mạng hoặc xâm phạm đến các thông tin mang tính bí mật của nhà nước, của cá nhân, gia đình, các bí mật về công tác, kinh doanh và trong cả đời sống riêng tư trên không gian mạng, cụ thể như: 

 + Có hành vi chiếm đoạt hoặc thực hiện việc mua bán, thu giữ một cách trái phép, cố ý làm lộ các nguồn thông tin thuộc bí mật của nhà nước, cá nhân cũng như bí mật công tác, bí mật kinh doanh và đời sống riêng tư gây ảnh hưởng một cách nghiêm trọng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 

 + Thực hiện các hành vi cố ý xóa, làm hư hỏng, thất lạc hoặc thay đổi các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật đời tư cá nhân hay bí mật trong công tác, bí mật kinh doanh dẫn đến hậu quả thông tin bị rò rỉ, truyền tải trên không gian mạng. 

 + Thực hiện các hành vi nhằm mục đích thay đổi, hủy bỏ, vô hiệu hóa những biện pháp được sử dụng để bảo vệ thông tin thuộc bí mật của nhà nước, của cá nhân, đời sống riêng tư cũng như bí mật công tác, kinh doanh. 

 + Truyền tải trái pháp luật những thông tin chứa đựng nội dung liên quan đến bí mật của nhà nước, bí mật cá nhân, đời sống riêng tư và bí mật công tác, kinh doanh gây ảnh hưởng nghiêm trọng. 

+ Có hành vi nghe hoặc ghi âm, ghi hình trái phép hoặc thực hiện các hành vi khác xâm phạm đến những nội dung thuộc phạm vi bí mật gây hậu quả nghiêm trọng. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Nghị định 15/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, CNTT và giao dịch điện tử. Nghị định 15/2020 của Chính phủ quy định một cách cụ thể về mức xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều lĩnh vực khác nhau. 

Đáng chú ý khi Mục 2 của Nghị định 15 đã chỉ ra mức xử phạt cụ thể đối với các hành vi vi phạm về an toàn thông tin mạng. Theo Điều 80 của Nghị định này, người có hành vi bẻ khóa, trộm cắp, sử dụng mật khẩu, khóa mật mã và thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng sẽ bị xử phạt với số tiền từ 10 - 20 triệu đồng. Mức phạt này sẽ dao động từ 30 - 50 triệu đồng đối với hành vi truy cập trái phép vào mạng hoặc thiết bị số của người khác để chiếm quyền điều khiển thiết bị số hoặc thay đổi, xóa bỏ thông tin lưu trữ trên thiết bị số hoặc thay đổi tham số cài đặt thiết bị số hoặc thu thập thông tin của người khác. 

Bên cạnh đó, việc xâm nhập, sửa đổi, xóa bỏ nội dung thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng, cản trở hoạt động cung cấp dịch vụ của hệ thống thông tin, ngăn chặn việc truy nhập đến thông tin của tổ chức, cá nhân khác trên môi trường mạng và làm mất an toàn, bí mật thông tin của tổ chức, cá nhân khác đều sẽ được mức xử lý theo quy định này. Đáng chú ý khi Điều 80 của Nghị định 15/2020 còn có thêm một hình thức xử phạt bổ sung. Theo đó, người nước ngoài có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 của Điều 80 sẽ có thể bị trục xuất khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đăng Huy

NỔI BẬT TRANG CHỦ