• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người phụ nữ dành trọn niềm đam mê cho văn hóa dân gian

23/10/2017 09:00

(Tổ Quốc) - Bà Đặng Thị Kim Liên được nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017 ở lĩnh vực văn hóa. Nhân kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, bà đã chia sẻ niềm vui này cùng Báo điện tử Tổ Quốc.

Nhà văn hóa Đặng Thị Kim Liên sinh năm 1949, là Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian VN tỉnh Quảng Bình, từng 4 lần được nhận giải thưởng Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình. Với đam mê lớn nhất là sáng tác thơ văn, đến nay bà đã có 7 tập thơ và 9 tập sách nghiên cứu về văn hóa dân gian. Bà vừa vinh dự là một trong mười cá nhân nhận Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam năm 2017.

Nhà văn hóa Đặng Thị Kim Liên bên Giải thưởng Phụ nữ Việt Nam 2017

- Là một người sáng tác thơ, vậy cơ duyên nào dẫn dắt bà đến với văn hóa dân gian để có tới 9 cuốn sách hơn hẳn số tập thơ đã xuất bản - 7 cuốn?

+ Tôi may mắn là con của một người mẹ thuộc rất nhiều ca dao, tục ngữ, câu đố và những câu chuyện rất hay… phản ánh về con người, miền đất Quảng Bình. Chính mảnh đất Quảng Bình cũng có nhiều thứ đặc biệt: từng bị chia cắt và xảy ra các cuộc chiến tranh trong quá khứ, đa sắc thái văn hóa, lại có văn hóa Chăm, văn hóa Việt. Cuốn sách nghiên cứu đầu tiên của tôi là “Địa chí làng Đức Phổ” như một sự tri ân với mảnh đất quê hương được hoàn thành trong vòng 2 năm, và 4 năm trước đó là để tìm tư liệu. Và càng tìm hiểu nghiên cứu tôi càng say mê và nhận ra: có những điều mọi người cứ đánh giá khen - chê, thậm chí khiến nhiều người khác, trong đó có cả tôi cũng khó định hướng được là khen chê thế đúng hay sai. Nhưng khi nghiên cứu hương ước thì tôi khẳng định ông cha ta ngày xưa vô cùng thông minh, vô cùng chặt chẽ, khoa học, có đầu óc tổ chức cụ thể, thưởng phạt rõ ràng…

- Khi hoàn thành xong cuốn sách đầu tay, ai là người thẩm định cuốn sách đó và bà có gặp khó khăn nào trong việc in ấn để cuốn sách đến tay độc giả không?

+ Khi viết xong cuốn sách “Địa chí làng Đức Phổ”, tôi có ra Hà Nội đưa cuốn sách cho nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tô Ngọc Thanh. Cuốn sách được ông ủng hộ và đánh giá cao, thậm chí ông còn nói rằng, chỉ cần một cuốn này là có thể kết nạp tôi vào Hội được rồi. Sau đó tôi về thu xếp 70 triệu để làm kinh phí in cuốn sách.

- Vâng, để in được cuốn sách phải bỏ ra kinh phí 70 triệu vào thời điểm gần hai chục năm về trước là không hề nhỏ, vậy chồng con trong gia đình bà có ủng hộ hay phản đối quyết định in sách?

+ Rất may mắn là tôi được cả chồng, con ủng hộ trong việc in sách. Lúc đó tôi phải thế chấp sổ đỏ để vay tín dụng. Sau đó tiền lương của hai vợ chồng tôi phải giữ lại toàn bộ, không dám tiêu để trả nợ dần. Ngoài ra tôi cũng phải làm nhiều việc khác như trồng rau, viết thêm báo… để trang trải cuộc sống hàng ngày. Và sau ba năm tôi cũng trả được hết nợ.

- Khó khăn để in được cuốn sách về văn nghệ dân gian, vậy tại sao bà vẫn tiếp tục viết, tiếp tục in sách?

+ Tôi biết là rất gian khổ, nhưng được chồng con, đồng nghiệp động viên, ủng hộ nên lại quyết tâm. Tôi vừa viết văn hóa dân gian lại vừa in thơ, vì dù sao in thơ cũng dễ bán hơn. Và lý do nữa quan trọng hơn thôi thúc tôi cầm bút tiếp tục nghiên cứu, tiếp tục viết, đó là vốn văn hóa cổ của dân tộc đang có nguy cơ dần dần bị mai một, dần dần bị lãng quên. Sự tàn phá của chiến tranh khiến một phần văn hóa bị mất đi đã khổ lắm rồi. Nếu giờ đây, không ai khôi phục, tìm lại, giữ gìn cho thế hệ sau thì rất đáng tiếc. Hơn nữa, số người viết về văn hóa dân gian rất ít, bởi không dễ viết, đòi hỏi người viết phải đi tìm tư liệu, khai thác nhân chứng sống rất vất vả. Nhưng tôi quan niệm, dù thế nào tôi cũng làm.

- Được biết bà còn có cuốn “Chợ quê Quảng Bình”, nguyên cớ nào khiến bà viết cuốn sách này?

+ Khi tôi đi chợ, tôi nhận ra đây là nơi có rất nhiều văn hóa dân gian nên đã thôi thúc tôi nghiên cứu và cầm bút viết về đề tài này. Những câu hỏi như tại sao địa điểm này họ ngồi mà địa điểm kia họ không ngồi, tại sao ở chợ mọi thông tin ai cũng biết hết, tại sao mọi người nói khách hàng là thượng đế và phải mời chào khách như thế nào thì họ mới mua. Và sau cuốn sách này tôi gửi cho Hội Văn nghệ dân gian và được Hội cho viết theo đề án quốc gia.

- Khi nghiên cứu về Văn hóa dân gian hiện nay, điều gì khiến bà trăn trở nhất?

+ Điều khiến tôi trăn trở nhất là các tài liệu gốc hầu như thất lạc. Vì thế khi viết tôi phải rất vất vả để đi tìm. Và càng đi tôi càng phát hiện ra nhiều điều. Khó khăn nữa là giờ đây số người dành tâm huyết cho văn hóa dân gian rất ít, phần lớn lại là người tuổi đã cao, dường như chưa có lực lượng kế cận. Vấn đề kinh phí cũng là một khó khăn.

- Vậy bà có dự định mở rộng phạm vi nghiên cứu và viết về văn hóa dân gian ngoài mảnh đất quê hương Quảng Bình mình không?

+ Tôi mong muốn được tìm hiểu và viết về văn hóa dân gian của Quảng Trị, vì đây là mảnh đất đầy tiềm năng, có nhiều cái hay. Tôi hy vọng có thời gian và sức khỏe để cho phép thực hiện được mong muốn này…

- Cảm ơn bà!.

Hà Anh (thực hiện)


Hà Anh

NỔI BẬT TRANG CHỦ