Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Những câu chuyện xung quanh dàn hợp xướng người Việt duy nhất tại nước ngoài và nữ chỉ huy không chuyên luôn tràn trề tình yêu đất nước.

Cộng đồng người Việt tại Pháp chắc hẳn không hề xa lạ với cái tên Hợp ca Quê Hương (HCQH). Được thành lập một cách đầy ngẫu hứng nhờ vào niềm đam mê âm nhạc của những kiều bào yêu nước, HCQH hiện đang là dàn hợp xướng hoạt động quy củ duy nhất của người Việt ở nước ngoài. Để có thể duy trì và phát triển HCQH sang năm thứ 10, không thể không nhắc tới bà Nguyễn Ngân Hà - người chỉ huy, đồng thời cũng được coi là linh hồn và sức sống của dàn hợp xướng. Và không hề tình cờ, câu chuyện xung quanh cuộc đời, gia đình và sự cống hiến cho cộng đồng của người phụ nữ Việt này cũng thú vị như chính HCQH vậy.

Hợp ca Quê hương và Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện Rouen (Pháp) trình diễn tại ca khúc "Tiếng hát người chiến sỹ biên thuỳ" trong Hòa nhạc "Tổ quốc yêu thương" tại Nhà hát Espace Reuilly (Paris) tối 3/12/2016


Người phụ nữ Việt tam tòng tứ đức giữa Paris và dàn hợp xướng đong đầy tình yêu quê hương - Ảnh 2.

Dàn hợp xướng HCQH ra đời vào tháng 4/2009 tại Paris, từ ý tưởng của bác sỹ Nguyễn Ngọc Hà, một trong những người thành lập phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp - cũng là bố của bà Ngân Hà. Mong muốn ban đầu là tập hợp những người Việt cùng chung niềm đam mê ca hát, yêu thích những bài hát Cách mạng, hay còn gọi nôm na là "nhạc đỏ" của Việt Nam. Từ một nhóm nhỏ chỉ khoảng 15 người, hàng tuần thường đến tập hát ở nhà riêng của bà Ngân Hà, giờ đây, HCQH đã là một dàn hợp xướng với khoảng 50 người - gồm nhiều thế hệ Việt kiều, du học sinh và cả những bạn bè quốc tế yêu mến văn hóa Việt Nam.

Nhớ lại những ngày mới thành lập, bà Ngân Hà chia sẻ, xuất phát điểm chỉ là sở thích; nhưng trong một lần biểu diễn văn nghệ "cây nhà lá vườn" nhân dịp lễ Quốc khánh tại Đại sứ quán Việt Nam ở Paris , Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO lúc đó là ông Văn Nghĩa Dũng đã rất ấn tượng và đề nghị HCQH trình diễn ca khúc "Người Hà Nội" nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long.

Cơ hội đến quá bất ngờ nhưng không ai muốn bỏ qua. Vốn đang làm việc tại UNESCO, bà Ngân Hà thậm chí còn "táo bạo" hơn khi quyết định để HCQH cùng thể hiện ca khúc nổi tiếng với dàn hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng đa quốc tịch của UNESCO.

hcqh910
hcqh910
hcqh7
hcqh7
hcqh6
hcqh6

Một số hình ảnh HCQH trình diễn trong các sự kiện của UNESCO tại Paris

"Lúc đó rất khó khăn", bà kể lại. "Các thành viên trong nhóm phải đi mượn áo dài; còn chúng tôi phải phiên âm lời bài hát ra tiếng Pháp để các bạn nước ngoài có thể hát được". Nhưng kết quả thu về thật ngọt ngào. "Người Hà Nội" của HCQH không chỉ nhận được nhiều lời ngợi khen khi trình diễn tại nhà thờ Saint Louis des Invalides và trụ sở UNESCO; mà còn được phát sóng liên tục trên các kênh truyền hình trong nước suốt dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Sự kiện trên cũng giúp bà Ngân Hà và những người tâm huyết với HCQH quyết tâm đưa hoạt động của dàn hợp xướng trở nên chuyên nghiệp hơn, cụ thể là bắt đầu tham gia vào các sự kiện văn hóa – nghệ thuật sau đó. Hiện tại, HCQH không chỉ thường xuyên trình diễn tại các dịp lễ, Tết cộng đồng do Đại sứ quán Việt Nam tại Paris tổ chức, mà còn tham gia một số liên hoan hợp xướng lớn tại Pháp như "Les Voix sur Berges" (liên hoan hợp xướng truyền thống tổ chức hơn 21 năm nay bên bờ kênh Saint-Martin) hay "Music and Friends" (liên hoan hợp xướng quốc tế hàng năm tại nhà thờ Madeleine)…

Bà Nguyễn Ngân Hà

Mọi người đều hiểu, nếu có thể duy trì một dàn hợp xướng như vậy sẽ là một thành tựu hết sức tốt đẹp, vì vậy ai cũng cố gắng để vượt qua mọi khó khăn.

Điểm đặc biệt nhất của HCQH có lẽ chính là bầu không khí thân thiết giữa các thành viên, không phân biệt bối cảnh, tuổi tác, dân tộc – nhưng tất cả đều sở hữu tình yêu với văn hóa và đất nước Việt Nam. Các du học sinh coi đây là mái nhà thứ hai - nơi họ không chỉ được thể hiện niềm đam mê ca hát mà còn nhận sự giúp đỡ, đùm bọc của cộng đồng kiều bào. Còn đối với những Việt kiều sinh sống ở Pháp, HCQH đem lại cho họ cơ hội được trực tiếp giao lưu, trò chuyện, từ đó hiểu rõ hơn về tình hình quê hương đất nước.

Bà Ngân Hà cho biết, có không ít câu chuyện cảm động xung quanh "đại gia đình" HCQH. Như một thành viên vì hoàn cảnh gia đình từng có người đi lính cho Pháp hồi xưa, nên ở nhà cô không được phép nói Tiếng Việt. Nhưng gặp gỡ rồi say mê HCQH, cô quyết định "vượt rào" học Tiếng Việt và trực tiếp tham gia dàn hợp xướng. Hay một trường hợp khác là một người phụ nữ mang hai dòng máu Việt – Pháp không chỉ tự mình gia nhập, mà còn rủ cả chồng là người Pháp đi hát cùng HCQH…

undefined
undefined
undefined
undefined
undefined
undefined

Các thành viên của HCQH khá đa dạng về lứa tuổi, bối cảnh, nghề nghiệp... nhưng đều có chung niềm đam mê âm nhạc và tình yêu quê hương

Tất nhiên, thành phần tham gia đa dạng như vậy vừa là một lợi thế mà cũng là một khó khăn không nhỏ. Các du học sinh thường không có sự gắn bó lâu dài do phải về nước sau khi học xong hoặc tới địa phương khác làm việc, trình độ chuyên môn của các thành viên không đồng đều, thái độ tập luyện đôi khi chưa đủ nghiêm túc, khác biệt về sở thích âm nhạc giữa các thế hệ… Mỗi lúc như vậy, dù muốn hay không bà Ngân Hà cũng phải đóng vai trò là người "hoà giải". 

"Thông thường thì tôi sẽ nhắc nhở từng người; nếu quá kẹt về mặt giờ giấc thì gọi họ về nhà tôi để tập luyện riêng", bà Ngân Hà chia sẻ. "Tuy vậy, các bạn đều hiểu, nếu có thể duy trì một dàn hợp xướng như vậy sẽ là một thành tựu hết sức tốt đẹp, vì vậy ai cũng cố gắng để vượt qua mọi khó khăn".

Người nhạc trưởng không chuyên cũng không tránh được những khoảnh khắc chạnh lòng. Tự nhận là một người đến với âm nhạc chỉ bằng niềm đam mê mà không trải qua các trường lớp đào tạo chính thức, nhưng bà Ngân Hà vẫn luôn tự đặt ra những tiêu chuẩn mang tính chuyên môn khắc nghiệt, không chỉ cho bản thân mà còn cả cho HCQH. Mặc dù vậy, nhiều khi bà cũng đã phải hy sinh nguyện vọng cá nhân để phục vụ cho một mục đích tốt đẹp hơn.

Bà Nguyễn Ngân Hà

Nếu phải lựa chọn giữa hai con đường, là một nhóm nhỏ xuất sắc hay một dàn hợp xướng hoành tráng để mở màn thật xôm tụ cho mỗi dịp Tết cộng đồng, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái thứ hai.

"Chúng tôi luôn cố gắng tập hợp các thành viên theo số đông để có được một đại gia đình với đời sống văn hóa vui vẻ, vì vậy ai cũng sẽ được mời đi hát. Nhưng nếu ai hay hát sai quá, thì cũng sẽ được 'nói thầm' là lúc lên sân khấu thì đứng nhép miệng thôi cũng được", bà Ngân Hà vui vẻ kể lại. "Nếu phải lựa chọn giữa hai con đường, là một nhóm nhỏ xuất sắc hay một dàn hợp xướng hoành tráng để mở màn thật xôm tụ cho mỗi dịp Tết cộng đồng, tôi sẽ không ngần ngại chọn cái thứ hai".

Hợp ca quê hương trên chặng đường 10 năm (2009 - 2019)


Người phụ nữ Việt tam tòng tứ đức giữa Paris và dàn hợp xướng đong đầy tình yêu quê hương - Ảnh 8.

Những uy tín của bà Ngân Hà và gia đình trong cộng đồng người Việt tại Pháp có lẽ trước hết xuất phát từ tình yêu và sự gắn bó của từng thành viên gia đình với quê hương đất nước. Bản thân là một người phụ nữ từng được nuôi dạy theo tư tưởng "tam tòng tứ đức" ngay giữa lòng Paris hoa lệ, bà tâm sự, hai cô con gái của mình ngay từ khi sinh ra đã được dạy Tiếng Việt và những truyền thống của dân tộc. Ngoài ra, từ trước tới nay gia đình luôn sống cùng cộng đồng Việt kiều yêu nước. Chính vì vậy, gắn kết tình cảm với nguồn cội đều đã thấm vào máu từng thành viên trong gia đình.

Cũng giống như nhiều gia đình người Việt ở nước ngoài, bà Ngân Hà và chồng từng phải đối mặt với nỗi lo lắng, khi các con trưởng thành sẽ quên mất gốc rễ Việt Nam của mình. "Mặc dù chồng tôi luôn nhắc nhở các con là 'không được mất gốc đấy nhé', nhưng càng lớn, mỗi đứa lại phản ứng theo các cách khác nhau", bà kể lại. Một trong những may mắn là, văn hóa – nghệ thuật dường như đã trở thành một cầu nối để các con bà trở nên gần gũi với Việt Nam hơn.

Bà Nguyễn Ngân Hà

Mặc dù chồng tôi luôn nhắc nhở các con là 'không được mất gốc đấy nhé', nhưng càng lớn, mỗi đứa lại phản ứng theo các cách khác nhau.

Người con gái cả, Nguyễn Thanh Trâm học về mỹ thuật Việt Nam và hiện đang là một trong những cái tên hàng đầu về nghiên cứu chùa chiền Việt Nam trong giới học thuật Pháp. Chồng chị Trâm là một giáo sư người Pháp nhưng lại nói rất sõi Tiếng Việt. Anh cũng có đóng góp lớn vào trao đổi khoa học và học thuật Pháp – Việt, khi thường xuyên về Việt Nam giảng dạy và giúp đỡ rất nhiều cho các sinh viên Việt Nam sang Pháp du học.

Người con gái thứ hai, nghệ sỹ guitar nổi tiếng Nguyễn Thanh Hằng - lại bị bố mẹ đánh giá là có phần "nổi loạn" hơn. "Lúc ở nhà, mỗi khi bố nhắc nhở, Thanh Hằng thường tỏ ý phản kháng rất mạnh; nhưng đến khi ra ngoài xã hội, thì mọi người đều nhận xét rằng, Thanh Hằng rất có ý thức gìn giữ và bảo vệ nguồn gốc Việt của mình", bà Ngân Hà tự hào chia sẻ.

Tốt nghiệp Nhạc viện Paris, nghệ sỹ Thanh Hằng từng nhiều lần về Việt Nam tham gia liên hoan guitar, biểu diễn với Dàn nhạc giao hưởng TP Hồ Chí Minh và giảng dạy tại Nhạc viện TP…

Khi được hỏi có từng đặt ra yêu cầu các con phải lấy chồng là người Việt hay không, bà mẹ Việt trả lời: "Tôi nói với các con của mình rằng, 'Nguyện vọng của bố mẹ là muốn các con cưới người Việt Nam, nhưng nếu con gặp được người nào yêu quý con, và nhất là trân trọng văn hóa Việt Nam, thì bố mẹ cũng sẽ rất vui mừng".

Người phụ nữ Việt tam tòng tứ đức giữa Paris và dàn hợp xướng đong đầy tình yêu quê hương - Ảnh 10.

HCQH chọn con đường theo đuổi các ca khúc Cách mạng, hay còn gọi là "nhạc đỏ"

Người phụ nữ Việt tam tòng tứ đức giữa Paris và dàn hợp xướng đong đầy tình yêu quê hương - Ảnh 11.

"Khi bắt đầu tôi không hề tính trước tương lai của HCQH, chỉ nghĩ rằng mình làm xong cái này sẽ ngừng, làm xong cái kia sẽ ngừng…nhưng rốt cuộc lại kéo dài tới năm 2019 khi HCQH tròn 10 tuổi", bà Ngân Hà chia sẻ.

Quãng đường một thập kỷ của HCQH và những người cống hiến cho nó không hề dễ dàng.

"HCQH nghèo lắm, không có tiền đâu", bà Ngân Hà cười nói. Mức phí thường niên của mỗi thành viên là 40 euro/năm, nhưng không phải thành viên nào cũng đóng đủ và nhiều khi những người tổ chức dàn hợp xướng cũng không nỡ "đòi tiền" vì nhiều lý do khác nhau. Số tiền thu được dùng để may áo dài, đặt hàng các nhạc sỹ viết tổng phổ bài hát, chi trả cho những lần tham gia liên hoan hợp xướng…

Bà Nguyễn Ngân Hà

Hợp ca quê hương nghèo lắm, không có tiền đâu...

"Chúng tôi phải gửi tiền về Việt Nam để may áo dài trắng làm đồng phục biểu diễn, bà Ngân Hà cho biết. "Bao giờ trong nhà tôi cũng có sẵn tầm 10 – 15 bộ áo dài để sẵn sàng cho các em mặc khi có sự kiện".

Bên cạnh đó, do lựa chọn chuyên về dòng nhạc đỏ, nên HCQH cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm tổng phổ cho các ca khúc trình diễn. Bà Ngân Hà và một số thành viên nòng cốt phải tranh thủ từng chuyến về thăm Việt Nam để gặp gỡ và kết nối với các nhạc sỹ trong nước nhằm tìm bài, hoặc đặt hàng tổng phổ…

dsc_0075
dsc_0075
hcqh3
hcqh3

Những nỗ lực của HCQH và bản thân bà Ngân Hà cho cộng đồng người Việt tại Pháp nhận được sự đánh giá cao từ các cấp lãnh đạo . Tuy vậy, để duy trì hoạt động thường xuyên cho một dàn hợp xướng hàng chục người như vậy luôn là một bài toán khó. 


Mặc dù vậy, HCQH và bà Ngân Hà vẫn tràn đầy ý tưởng và năng lượng cho một năm kỷ niệm đặc biệt. Bên cạnh các hoạt động thường niên, tháng Ba sắp tới, HCQH sẽ lại có cơ hội trình diễn với dàn nhạc giao hưởng UNESCO nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày Bác Hồ gửi bản yêu sách về quyền của người dân An Nam tới Hội nghị Versailles, đánh dấu sự ra đời của các phong trào yêu nước của người Việt Nam trên thế giới.

Dự định lớn hơn, đó là thu âm CD thứ hai của HCQH. Bà Ngân Hà bật mí, so với CD từng phát hành hai năm trước đó, CD này sẽ mang "nội dung chính trị" mạnh mẽ hơn nữa, thể hiện qua những ca khúc Cách mạng hào hùng như Trường ca Sông Lô, Hoan hô chiến sỹ Điện Biên, Người là niềm tin tất thắng, Giai điệu Tổ Quốc, Chiến đấu vì độc lập tự do, Đường chúng ta đi…

"Mong muốn lớn nhất của các thành viên là được biểu diễn bên ngoài nước Pháp", bà Ngân Hà chia sẻ. "Nhưng với điều kiện tài chính hiện giờ, thì trước mắt, đó sẽ vẫn là một ước mơ mà chúng tôi đang không ngừng phấn đấu".

Nội dung: Lan Phương

Ảnh: nhân vật cung cấp

Đồ hoạ: Minh Trang