Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook

Yingie | 29-11-2020 - 23:57 PM

(Tổ Quốc) - Người trưởng thành học được cách che giấu cảm xúc, giấu hết đi những điều mình thực sự muốn nói, những nỗi đau và sự đổ vỡ, họ âm thầm nhốt đống tâm trạng khó chịu đó trong lòng, để mặc chúng hoành hành.

Tôi từng đọc được một đoạn trích như thế này trên MXH:

“Người hiện đại chọn suy sụp theo cách im lặng. Nhìn thì rất bình thường, vẫn nói, vẫn cười, vẫn hòa đồng nhưng thực tế nội tâm chứa đầy tâm sự. Họ không đóng sập cửa, không đập phá đồ đạc, họ cũng không khóc, không phát điên. Thế nhưng rồi có thể chỉ trong một khoảnh khắc bất kì nào đó, nội tâm ấy sẽ chất chứa đến cực hạn. Họ không còn muốn nói chuyện, không còn cảm giác mệt mỏi, không muốn sống và cũng chẳng dám chết”.

Có rất nhiều người giống thế. Có đôi khi, bạn nhìn thấy một cô gái cười lên rất ngọt ngào, nói chuyện rất lớn tiếng, nhưng thực tế, nội tâm của cô ấy đã sụp đổ từ rất lâu rồi.

Có đôi khi, bạn thấy một người đàn ông lái xe rất chăm chú, rất điềm tĩnh nhưng thực tế điều anh ta đang nghĩ trong đầu lại là: “Thà chết đi còn hơn”.

Trong thế giới của người trưởng thành, bạn không thể khóc lóc, cũng không thể la hét om sòm chẳng giống ai, ngay cả khi muốn ngã quỵ, bạn cũng phải xếp hàng chờ đợi.

01

Người trưởng thành muốn giải tỏa cảm xúc cũng cần tính đến hậu quả

Trong bộ phim Flowers In Fog có tình tiết kể về một cặp đôi cãi nhau chỉ vì chuyện rất nhỏ, trong cơn tức giận, cả hai đã ném hết điện thoại xuống sông.

Tôi xem bộ phim này cùng một người bạn. Tới cảnh này, cô bạn tôi bĩu môi: “Đúng là chỉ có trên phim, diễn chỉ là diễn thôi. Người lớn bây giờ dù có tức giận, có đau khổ đến đâu cũng không bao giờ có chuyện ném điện thoại đi như thế”.

Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook - Ảnh 1.

Tôi thắc mắc: “Không phải con gái bọn cậu những lúc ức chế cảm xúc đến nỗi không khống chế nổi, trong tay có gì là ném cái đấy à?”.

Bạn tôi cười: “Hồi tôi chia tay người yêu cũ, hai đứa tôi cãi nhau một trận to lắm. Anh ta dám nói tôi là thứ chẳng ai thèm. Thề lúc ấy tôi chỉ muốn phi luôn cốc nước nóng đang cầm trên tay vào mặt anh ta. Nhưng rồi khi vừa giơ lên, tôi phát hiện ra cái cốc Tiffany tôi đang cầm có giá cả triệu đồng. Bằng chút lý trí ít ỏi sót lại, tôi kìm lại cơn giận, tự nhủ thằng chả không đáng. Và tôi đặt cái cốc trên tay xuống, quay đầu tìm một thứ thích hợp hơn để ném anh ta.

Đầu tiên tôi thấy cái một bình thủy tinh, nhưng chợt nhớ giá nó cũng hơi đắt nên thôi. Tiếp đến, tôi nhắm đến cái gương tôi mua ở Miniso với giá 50k. Nghe thì ok rồi nhưng tôi nghĩ bồ cũ của tôi chẳng đáng 50k.

Cuối cùng, tôi vớ cái gối đặt gần đấy và đập. Tuy anh ta không đau nhưng ít nhất tôi đã trút bỏ được cảm xúc của mình, chẳng tốn một xu. Thế chẳng phải tuyệt hơn à?”.

Trong thế giới của người trưởng thành, không có 2 chữ “dễ dàng”. Ngay cả việc giải tỏa cảm xúc cũng cần tiết kiệm.

Đập đồ rẻ thì được chứ tuyệt đối đừng đập đồ đắt, chỉ có trẻ con mới nổi loạn, mới đập phá mà không tính đến hậu quả thôi.

Bởi người trưởng thành ngay cả ném cái gối thôi cũng phải tính đến chuyện lát sẽ phải nhặt nó lên.

02

Người trưởng thành muốn sụp đổ cũng phải xếp hàng

Minh - bạn tôi mỗi lần tan làm lái xe về, trước khi vào nhà đều sẽ ngồi im trong xe độ 10 phút. Nó không làm gì cả, chỉ yên lặng hút thuốc. Thỉnh thoảng thì gục trên vô lăng và khóc như một đứa trẻ. 10 phút sau, nó tắt thuốc, lau khô nước mắt và bước ra khỏi xe vào nhà như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Năm ngoái, Minh cầm cố hết tài sản để làm vốn kinh doanh. Nhưng tới năm nay thì mọi thứ bỗng trở nên bế tắc, công việc không thuận lợi, hàng loạt nhân viên phụ thuộc vào Minh để kiếm miếng cơm, trong nhà có lớn có bé, một khi Minh thất bại, nó sẽ trắng tay.

Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook - Ảnh 2.

Nhưng nó không thể thể hiện cảm xúc suy sụp này của mình với gia đình hay nhân viên, thành ra chỉ có thể trút bỏ sự mệt mỏi và áp lực trong không gian nhỏ bé trên xe. Nó châm một điếu thuốc, khói thuốc mù mịt che đi đôi mắt đỏ hoe, giấu luôn cả những giọt nước mắt nó không kìm được.

Sau khi giải tỏa được cảm xúc, nó lấy lại tinh thần, mỉm cười, vỗ nhẹ vào mặt, bước ra ngoài hít một hơi thật sâu, duy trì nụ cười trên môi, mở cửa và nói thật hào hứng: “Chào con trai, bố về rồi đây, con trai của bố hôm nay có ngoan không?”.

Hóa ra sự sụp đổ của người trưởng thành cũng cần phải xếp hàng. Bạn không thể khóc cùng con khi con khóc, lại càng không thể rơi nước mắt trong lúc bố mẹ đang cần sự chăm sóc từ bạn.

Bạn phải là một ông bố, một bà mẹ tốt và bạn cũng cần là một đứa con tốt trước. Khi con khóc, bạn cần tìm cách dỗ con, bất kể là đóng hài hay kể chuyện. Khi bố mẹ cần bạn chăm sóc, bạn cần làm mọi thứ để bố mẹ được thoải mái, dù là giúp họ thay đồ hay nấu ăn.

Sau khi xử lý xong tất cả những công chuyện này, bạn mới có thời gian cho riêng mình để suy sụp, để buồn bã…

03

Người trưởng thành lúc bất lực còn chẳng dám đăng gì lên MXH

Nhiều người cho rằng khi tâm trạng bạn không tốt, bạn chỉ cần xả hết lên Facebook là xong. Đôi ba câu chửi tục, một chút oán thán sự đời, như nào cũng được vì chẳng ai biết bạn là ai, chẳng ai quan tâm bạn làm gì, cảm giác đấy thật tốt. Một vài người cẩn thận hơn sẽ lập sẵn clone, giải tỏa hết cảm xúc trên đó. Họ phân rõ ràng tài khoản chính dành cho bạn bè, gia đình, đồng nghiệp, khách hàng và tài khoản phụ thì chỉ có bản thân và những người xa lạ.

Càng ngày bạn bè tôi càng ít update status, có chăng cũng chỉ là những chiếc story sẽ biến mất sau 24 giờ. Lý do cho việc này chính là hiện tại, ngay cả MXH cũng không còn là nơi bạn có thể thoải mái bộc lộ tâm trạng nữa. Bạn phải học cách thiết lập từng nhóm nhỏ, suy nghĩ, sàng lọc người xem trước khi đăng.

Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook - Ảnh 3.

Bạn không muốn người khác thấy những gì tiêu cực về bạn. Bạn muốn mình trong mắt mọi người lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan. Bạn có nhiều bạn bè, cả bạn mới và bạn cũ. Bạn đi du lịch, đi ăn, đi chơi khắp nơi. Bạn lúc nào cũng ổn.

Thế nhưng ở một tài khoản mà mọi người không biết, nơi đó lại ngập tràn thứ năng lượng tiêu cực, bạn than vãn vì mọi thứ: thời tiết xấu, sếp khó ưa, khách hàng phiền phức, bản thân kém cỏi… toàn những chuyện nhỏ nhặt trong cuộc sống.

Do đó, ngay cả khi buồn bã, bạn vẫn phải dành chút thời gian để đổi qua đổi lại tài khoản.

Người trưởng thành học được cách che giấu cảm xúc, giấu hết đi những điều mình thực sự muốn nói, những nỗi đau và sự đổ vỡ trong đêm khuya, họ âm thầm nhốt đống tâm trạng khó chịu đó trong lòng, để mặc chúng hoành hành, mặc chúng nuốt chửng hết niềm vui, sức sống của bản thân.

Không để người khác thấy năng lượng tiêu cực từ mình, đây là biểu hiện của sự trưởng thành, đồng thời nghe cũng thật xót xa.

04

Người trưởng thành mỗi lúc suy sụp đều sẽ nói “Tôi không sao”

Lời nói dối lớn nhất trong cuộc đời một người trưởng thành chính là câu "Tôi ổn”/ “Tôi không sao”.

Một mình vật lộn nơi đất khách, cơm không đủ ăn, bố mẹ gọi điện, bạn nói: “Con không sao”.

Vòng xoáy thất tình, thất nghiệp khiến bạn cảm thấy cuộc đời mình thật vô vọng, bạn bè tới tấp hỏi thăm, bạn chỉ kịp nặn ra một nụ cười gượng và nói: “Mình không sao”.

Trong bộ phim My So Has Got Depression, anh chồng được coi là một đại diện cho nhóm người sụp đổ trong vô hình như thế. Thoạt nhìn, anh ta vẫn thức dậy ăn sáng, lên tàu điện ngầm và đi làm như người bình thường. Khi có người phát hiện ra tâm trạng anh ấy không tốt và quan tâm hỏi han, anh ta cười nói: “Tôi không sao”.

Thực ra, anh ta “có sao” từ lâu lắm rồi, và nội tâm anh ta đã trên bờ vực sụp đổ.

Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook - Ảnh 4.

Ngoài đời thực chúng ta không phải cũng như thế hay sao? Nhiều khi nghe câu “Tôi không sao” từ người khác, ta thực sự cho rằng người ấy vẫn ổn nhưng tới một ngày khi chính mình nói ra, bạn mới hiểu ý nghĩa thật của câu nói ấy. Nó thường xuất hiện vào thời điểm bạn cảm thấy tồi tệ nhất.

Chính vì thế nên bạn chỉ cần nhớ kĩ một đoạn này thôi, rằng:

Khi bạn hỏi ai đó “Bạn có sao không?” và người đó đáp “Tôi không sao” thì thực ra đang họ có chuyện đấy.

Còn khi bạn hỏi ai đó “Có ổn không?”, người đó mặt mũi ngơ ngác hỏi lại “Sao cơ?”, khi ấy họ mới thực sự ổn.

Ảnh: Tổng hợp

Người trưởng thành không thể khóc lóc hay la hét om sòm, ngay khi bất lực cũng không dám đăng lên Facebook - Ảnh 5.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM