Người Việt Nam có thể học gì từ những tinh hoa và công nghệ thiết kế Ý?

Quỳnh Như | 08-11-2020 - 19:48 PM

(Tổ Quốc) - Trong vài năm gần đây, người Ý liên tục tăng cường tổ chức các sự kiện giới thiệu về những tinh hoa – công nghệ trong ngành thiết của họ tại Việt Nam. Nhưng theo giới chuyên môn, người Việt mới chỉ bị ảnh hưởng phong cách thiết kế ý trong nội thất còn kiến trúc vẫn chưa rõ nét.

Kể từ năm 2017, sáng kiến "Italian Design Day – Ngày Thiết kế Ý" của Bộ Ngoại giao và Hợp tác quốc tế Ý cùng Fondazione Compasso d’Oro và The Triennale di Milano đã được tổ chức ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Mỗi năm, 100 đại sứ văn hóa Ý tại 100 thành phố sẽ chia sẻ, trao đổi và cùng những người yêu nghệ thuật, những nhà thiết kế, các kiến trúc sư và những nhà hoạch định cảnh quan, phát triển đô thị tại các quốc gia tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi mang tính thời đại về hình mẫu thế giới trong tương lai, sự phát triển bền vững cũng như lưu giữ vẻ đẹp vĩnh cửu.

Đây đồng thời là chuỗi hoạt động ý nghĩa mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực thiết kế, cũng như trình diễn những sản phẩm đặc trưng của nền công nghiệp thiết kế Ý.

Chuỗi sự kiện năm nay được bắt đầu bằng cuộc triển lãm trưng bày các bản phác thảo những thiết kế nổi tiếng của kiến trúc sư, Nhà thiết kế Vico Magistretti – một trong những người đặt nền móng cho ngành thiết kế công nghiệp Ý. Triển lãm diễn ra tại 4 trường Đại học trên cả nước: Đại học Miền Trung (Tuy Hòa – Phú Yên), Đại học Xây dựng (Hà Nội), Đại học Văn Lang và Đại học Hoa sen (TP. HCM) kéo dài trong tháng 10 và tháng 11/2020.

Người Việt Nam có thể học gì từ những tinh hoa và công nghệ thiết kế Ý? - Ảnh 1.

Ngài Antonio Alessandro – Đại sứ Ý tại Việt Nam

"Chủ đề của ‘Ngày thiết kế Ý’ lần thứ tư này là ‘Vẽ nên tương lai - Phát triển - Đổi mới - Bền vững - Vẻ đẹp’ được ban tổ chức quyết định vào đầu năm 2020; nhưng tôi nghĩ đó cũng chính là một vấn đề cốt lõi của cuộc tranh luận hiện tại cho thế giới hậu Covid-19. Đây là cơ hội, cũng là việc cần thiết để hình dung lại thế giới của chúng ta và không có điểm xuất phát nào chính xác hơn là từ các kiến trúc sư, nhà thiết kế và nhà quy hoạch đô thị.

Điều này đặc biệt đúng ở Việt Nam, đất nước đang tăng trưởng theo cấp số nhân. Lĩnh vực bất động sản là một phần rất lớn trong thành công của nền kinh tế này. Sự phát triển nhanh chóng như vậy phải được hoạch định cẩn thận để bền vững và không làm tổn hại đến vẻ đẹp của đất nước. Và thậm chí còn đúng hơn ở Hà Nội, gần đây đã trở thành một phần của mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, theo tiêu chí thiết kế", Ngài Antonio Alessandro – Đại sứ Ý tại Việt Nam chia sẻ.

Còn theo Ngài Dante Brandi – Tổng lãnh sự Ý tại TP. HCM, nước Ý sẵn sàng mang những kinh nghiệm trong ngành thiết kế đề cao kiến trúc bền vững và đổi mới sáng tạo truyền lại cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ấn tượng đầu tiên của Ngài Dante Brandi đối với Việt Nam: cảm giác đây là một đất nước tràn đầy năng lượng. Có thể kiến trúc của Việt Nam phát triển mà chưa có quy hoạch tốt, cơ sở - hạ tầng chưa được hệ thống hóa, cảnh quang chưa đẹp đẽ như các nước phát triển… nhưng vẫn có nhiều không gian để phát triển.

Thế nên, chỉ cần Việt Nam tiếp thu được những tinh hoa kiến trúc ở bên ngoài cũng như thường xuyên đi ra ngoài xem thế giới đang làm gì, mọi chuyện sẽ dần ổn.

"Chúng ta có thể học hỏi những tinh hoa kiến trúc – thiết kế của thế giới, chứ không hẳn chỉ mỗi Ý, để giải quyết các vấn đề nội tại của bản thân. Như ở đợt lụt lịch sử vừa rồi, rất nhiều kiến trúc ở miền Trung đã bị phá hủy. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp cá biệt, vì năm nào cũng giống năm nào, miền Trung đều lũ và nhiều kiến trúc bị phá hủy. Thiết kế một ngôi nhà bền vững rất dễ nhưng không quan trọng, tốt hơn là nên thiết kế một môi trường bền vững để không mỗi năm đến lũ lại dắt díu nhau chạy.

Ngoài bền vững, sự sáng tạo cũng rất quan trọng trong ngành thiết kế và kiến trúc. Hiện nay, trên thế giới, công nghệ đang thay đổi kỹ thuật xây dựng – thiết kế truyền thống. Theo dự đoán của tôi, trong 10 đến 15 năm nữa, việc sử dụng công nghệ AI vào thiết kế - kiến trúc, sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ ngành nghề truyền thống này", Kiến trúc sư Từ Phú Đức – Trưởng khoa Thiết kế trường Đại học Hoa Sen khẳng định.

Người Việt Nam có thể học gì từ những tinh hoa và công nghệ thiết kế Ý? - Ảnh 2.

Ngài Dante Brandi – Tổng lãnh sự Ý tại TP.HCM (trái) và Kiến trúc sư Từ Phú Đức – Trưởng khoa Thiết kế trường Đại học Hoa Sen đang tham gia thảo luận.

Dù trong vài năm gần đây, người Ý liên tục tăng cường tổ chức các sự kiện giới thiệu về những tinh hoa – công nghệ trong ngành thiết của họ tại Việt Nam; nhưng theo ông, người Việt mới chỉ bị ảnh hưởng phong cách thiết kế Ý trong lĩnh vực nội thất còn kiến trúc vẫn chưa rõ nét.

Ông Từ Phú Đức kể: ông nhiều lần dẫn sinh viên của mình vào các showroom nội thất cao cấp – trong đó có rất nhiều sản phẩm đến từ Ý, sinh viên của ông luôn hỏi "sản phẩm rất đẹp, nhưng thưa thầy tại sao lại mắc quá!’. Ông giải thích rằng: đồ nội thất Ý, ngoài sự tinh tế - lịch lãm, mỗi nhà thiết kế còn gửi gắm vào các sản phẩm của mình làm ra những nét văn hóa Ý và cá tính riêng của họ. Tức, mỗi sản phẩm nội thất xuất phát từ Ý, đằng sau đều có những câu chuyện riêng.

"Mục tiêu cuộc đời của tôi là làm sao có thể dẫn dắt sinh viên của mình thiết kế ra những tác phẩm đẹp và bán giá cao như người Ý", ông Từ Phú Đức kết luận. Bên cạnh đó, đồ nội thất phong cách Ý vẫn chưa xâm lấn đến phân khúc trung cấp và đây có thể là cơ hội của các doanh nghiệp Việt Nam.

Ngành kiến trúc của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi phong cách các nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… hơn là Mỹ hoặc các nước châu Âu như Ý.

CÙNG CHUYÊN MỤC
XEM