• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Người viết trẻ: Phải linh hoạt để tác phẩm khỏi bị "ế"!

Văn hoá 18/06/2019 07:17

(Tổ Quốc) - Trong số các tác giả trẻ hiện nay, Nguyệt Chu là một tác giả định hình được một lối đi riêng cho mình với những truyện ngắn lịch sử giàu cảm xúc. Những câu chuyện viết về đề tài này của Nguyệt Chu nhận được nhiều lời nhận xét tích cực từ các nhà văn cũng như độc giả.

Sau tác phẩm Người canh giữ phù dung xuất bản tháng 02/2018, khắc họa tám nhân vật nữ trong lịch sử, mới đây Nguyệt Chu lại ra mắt tập truyện ngắn Chiếc khăn của mẹ với 13 tác phẩm khẳng định lối viết riêng của mình. Những câu chuyện và hành trình định hình lối đi riêng cho mình của tác giả trẻ này trong cuộc sống đầy những nhọc nhằn mưu toan cuộc sống cũng là những điều đáng nói.

Người viết trẻ: Phải linh hoạt để tác phẩm khỏi bị ế! - Ảnh 1.

Cây bút trẻ Nguyệt Chu (ảnh NVCC)

Văn chương là câu chuyện của cảm xúc

Đọc các câu chuyện của Nguyệt Chu viết thấy rõ một điều, miêu tả và cảm xúc là những gì hiển hiện rõ nhất trong các tác phẩm của cây bút trẻ này. Chị từng chia sẻ về khởi nguồn câu chuyện viết lách của mình như vậy. ""Không gia đình" của nhà văn Hector Malot là cuốn tiểu thuyết đầu tiên tôi đọc từ khi còn nhỏ. Tôi đã khóc rất nhiều trước cảnh ngộ bất hạnh của cậu bé Remy, ông già Vitalis… Ngập tràn trong kí ức tôi là những cánh rừng lá kim mênh mông tuyết trắng, là những bước chân bơ vơ giữa đêm hoang lạnh, đói rét, cô độc của kiếp nghệ sĩ xiếc rong, một già một trẻ bám víu vào nhau và cùng bầu bạn với bầy thú nhỏ. Câu chuyện ấy ám ảnh, hằn in trong trí nhớ non nớt và tạo nên một xúc cảm mạnh mẽ từ những hình ảnh tươi đẹp bậc nhất và cũng đau đớn đến tột cùng. Để từ đó về sau, với tôi, văn chương, trước hết là câu chuyện của cảm xúc, là sự kết nối của những hình ảnh mang đến cho người đọc sự rung động mãnh liệt".

Không chỉ là chuyện đọc một tác phẩm rồi bị lôi cuốn mà đó còn là cách nhà văn trẻ này tìm ra cách viết cho mình: mỗi khi viết một câu chuyện, tôi thường nhắm mắt và tưởng tượng ra nó. Lúc ấy, trong đầu tôi hiện ra một cuốn phim quay chậm và tôi sẽ viết những thứ tôi đang nhìn thấy hay chính là miêu tả lại khung cảnh đang hiện ra trong đầu tôi. Cũng là tả đấy, nhưng cách tả của tôi thường là nhìn từ lăng kính của xúc cảm. Xúc cảm sẽ chi phối hiện thực chứ không phải là hiện thực đơn thuần như nó vốn có.

Để từ đó khẳng định một điều: miêu tả và cảm xúc là thế mạnh trong văn của Nguyệt Chu. Bởi vậy, nếu văn không chú trọng yếu tố miêu tả và cảm xúc thì sẽ rất dễ rơi vào khô cứng, kém sự mềm mại, tinh tế, khó tìm thấy những câu văn đẹp. Nguyệt Chu cũng quan niệm, dù có kể câu chuyện gì đi chăng nữa thì một truyện ngắn hay phải là một truyện ngắn đẹp, đẹp từ nội dung đến hình thức. Nhiều nhà văn nhận xét rằng truyện của người này có văn, của người kia không có văn. Sao lại vậy? Rõ ràng, truyện là văn rồi! Nhưng "văn" ở đây muốn nói đến vẻ đẹp của ngôn từ. Mà nếu không có xúc cảm tinh tế thì rất khó để có "văn" trong truyện.

Người viết trẻ: Phải linh hoạt để tác phẩm khỏi bị ế! - Ảnh 2.

Tập truyện ngắn mới xuất bản "Chiếc khăn của mẹ"

Tìm hiểu về câu chuyện sáng tác của tác giả trẻ này được biết, những truyện đầu tiên mà Nguyệt Chu viết là về đề tài xã hội, đó là những câu chuyện về cuộc sống gia đình, làng xóm, quê hương thân thuộc, những mảnh đời xung quanh tác giả trẻ này, hạnh phúc có mà đau khổ cũng nhiều; đó là không gian gần gũi hằng ngày mà chúng ta đang sống. Thế nên, chị rất tự tin viết về đề tài này. Nó tự nhiên như hơi thở, cơm ăn, nước uống, những công việc hằng ngày mà mỗi chúng ta đều phải trải qua.

Còn với thế mạnh ở mảng truyện lịch sử, tác giả trẻ này lại có khát vọng kiến tạo một lịch sử qua lăng kính chủ quan của mình, nỗ lực lấp đầy những góc khuất, những điểm mờ của lịch sử bằng sự tưởng tượng, hư cấu. Khi viết truyện lịch sử, phải tạo được không gian cảnh cũ người xưa, cách đây hàng trăm năm, hàng nghìn năm, đã trở thành xa lạ hay rơi vào quên lãng với nhiều người, chị quan niệm.

Và câu chuyện tác giả trẻ tìm cách mưu sinh bằng nghề

Văn học Việt Nam hiện đại, bên cạnh kiểu truyện đào sâu vào hiện thực xã hội là kiểu truyện đào sâu vào hiện thực tâm trạng. Nhìn ra các nước khác, các nhà văn như Kawabata (Nhật Bản), Milan Kundera (Tiệp Khắc)... tác phẩm được mờ hóa theo những dòng xúc cảm của nhân vật, yếu tố cốt truyện nhiều khi bị đẩy lùi. Đọc truyện, độc giả như lạc vào một miền sương khói huyền ảo, mông lung.

Có thể thấy, mỗi nhà văn có một phong cách sáng tác của riêng mình, việc thay đổi là rất khó và khi đã thay đổi thì có thể sẽ không còn là mình nữa.

Chính vì vậy, việc định hình phong cách sáng tác cho riêng mình cũng được Nguyệt Chu quan tâm mỗi khi đặt bút viết. Tuy nhiên với cây bút trẻ này, việc thử thay đổi những cách viết để xem sự thay đổi ấy có phù hợp với mình không cũng được chị cân nhắc và nếu việc thay đổi không thành công thì chị vẫn sẽ vẫn đi theo con đường của mình, nơi mà mình phát huy được sở trường một cách trọn vẹn.

Nói đến chuyện đặt ra việc "thử thách" để thay đổi mình là bởi, với nhiều tác giả trẻ hiện nay, sự đam mê với nghề và nghiệp viết không phải là việc đơn giản bởi còn mưu sinh, còn bao việc khác trong cuộc sống mà mỗi nhà văn phải quan tâm.

cơm áo không đùa với khách thơ và tác giả trẻ này cũng nằm trong cái guồng quay ấy của cuộc sống. Viết và cộng tác với nhiều báo, Nguyệt Chu nói rằng, "Một câu chuyện đầy đặn với những diễn biến tâm lý phức tạp của nhân vật, những cảnh huống éo le của đời sống thì chắc hẳn tốn nhiều giấy mực, tất nhiên không phải là kiểu dài lê thê, dây cà ra dây muống. Và giờ để in những truyện ngắn như vậy cũng chỉ có vài tờ văn nghệ như báo Văn nghệ, tạp chí Văn nghệ quân đội hay tạp chí Sông Hương."

Tuy nhiên, tác giả trẻ này cũng lạc quan khi tỏ ra "không lo lắm" về chuyện có hợp "gu" với nhiều báo hay không. Bởi với chị, viết trước hết là thỏa mãn cái Tôi của mình nên phải nói hết được cái gì mình cần nói, chứ phải bó mình trong một khuôn khổ, một giới hạn thì cứ như người bị chặt mất tay mất chân vậy.

Và để tìm một lối đi cho riêng mình, chị cũng từng "thử sức" với những truyện có dung lượng ngắn để in ở những tờ báo khác. Nguyệt Chu xác định khi mình định viết cho tờ nào thì cần chuẩn bị trước để điều chỉnh sao cho phù hợp. Ví dụ gửi đến báo Nhân dân cuối tuần hay Người lao động thì chỉ viết khoảng 2.000 chữ thôi. Bằng chứng là tập truyện ngắn mới ra mắt độc giả của nữ tác giả này.

Nhà văn này cũng không ngại ngần thổ lộ "Nói chung là mình cũng cần phải linh hoạt để khỏi bị "ế"!".

Khánh Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ