• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm: "Hiện tượng doanh nghiệp giải thể, phá sản... là bình thường"

Kinh tế 27/04/2019 14:58

(Tổ Quốc) - "Trong thời kỳ khởi nghiệp quốc gia, số doanh nghiệp khởi nghiệp sẽ ngày càng tăng theo khuynh hướng nên điều kiện quản lý, khoa học kỹ thuật, nhân lực, công nghệ… phần lớn chưa đủ mạnh, chưa đủ đáp ứng trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt cũng như diễn biến kinh tế quá nhanh", ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm: Hiện tượng doanh nghiệp giải thể, phá sản... là bình thường - Ảnh 1.

Ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. Nguồn: Zing.vn

Tổng số doanh nghiệp ngừng hoạt động, giải thể, phá sản trong quý I/2019 lên tới 34.208 doanh nghiệp, cao hơn 120% số doanh nghiệp thành lập mới trong cùng thời kỳ. Năm ngoái, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động ở mức 90.651 doanh nghiệp, tăng gần 50% so với năm 2017. Có thể nói, số doanh nghiệp giải thể, phá sản mỗi năm một tăng cao. 

Báo Điện tử Tổ Quốc đã trao đổi với ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam về vấn đề này, 

-Ông nhìn nhận thế nào về con số này?

+  Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập càng sâu thì sự phát triển doanh nghiệp càng nhanh. Nhất là trong thời kỳ khởi nghiệp quốc gia nhiều doanh nghiệp, nhiều thành phần kinh tế tư nhân hưởng ứng theo chủ trương, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân. Và tự do phát triển thì doanh nghiệp khởi nghiệp ngày càng tăng theo khuynh hướng nên điều kiện quản lý, khoa học kỹ thuật, nhân lực, công nghệ, năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh… đều chưa đủ mạnh trong bối cảnh hội nhập, thị trường cạnh tranh khốc liệt và diễn biến kinh tế quá nhanh. 

Đứng trước những khó khăn như vậy, doanh nghiệp sẽ buộc phải giải thể rất nhanh. Đó là lý do chính giải thích tại sao doanh nghiệp ra đời nhiều nhưng con số giải thể, phá sản cũng rất nhanh. Những doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam không đáp ứng được các điều kiện đặt ra trong môi trường kinh tế cạnh tranh như vậy thì sẽ bị đào thải thôi.

-Ngoài những lý do chủ quan về năng lực tài chính, năng lực quản trị ...của doanh nghiệp thì đâu là lý do khách quan, thưa ông?

+ Trong giai đoạn này Chính phủ đang tập trung giải quyết vấn đề cắt giảm thủ tục, cải cách hành chính… nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp. Tuy rằng, tới thời điểm này hiệu quả chưa được thể hiện rõ rệt nhưng nhìn chung, sự tháo gỡ của Chính phủ về thủ tục hành chính đã thể hiện phần nào.

Hiện tượng doanh nghiệp kêu ca về thủ tục hành chính vẫn xảy ra. Tôi cho rằng, đây cũng là một trong những nguyên nhân, rào cản gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số vấn đề đã được nhiều doanh nghiệp nêu lên rồi sẽ sớm được giải quyết.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm: Hiện tượng doanh nghiệp giải thể, phá sản... là bình thường - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập sâu như thế này thì các chính sách về thủ tục hành chính rườm rà, các quy định về kinh doanh chồng chéo, tình trạng nhũng nhiễu ... phải càng phải sớm được giải quyết, phải có những bước đột phá sao cho hiệu quả thì doanh nghiệp mới tồn tại nổi.

-Theo ông, trong bối cảnh hội nhập này thì doanh nghiệp phải đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 như thế nào?

+Theo tôi, đối với cơ quan nhà nước trên tinh thần kiến tạo của Chính phủ phải rà soát, xử lý ngay những văn bản, biện pháp có tính chất cản trở, hạn chế sự phát triển của doanh nghiệp. Việc này, ngoài những cơ quan lập chính sách thì cơ quan quản lý, cơ quan chức năng phải phát hiện, điều tra kịp thời để xử lý nghiêm minh những tồn tại đó, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đang  khốc liệt như thế này.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải nghiêm túc kiểm điểm lại mình, nếu có những mặt chưa đáp ứng được thì phải khắc phục chứ tìm biện pháp trốn tránh, tránh né thì không thể tồn tại. Chính sách kinh tế thì vẫn phát triển và được bổ sung rất hoàn chỉnh. 

Những doanh nghiệp nào thích nghi nhanh, đáp ứng nhanh.. thì mới tồn tại được và khi đó tình trạng giải thể, phá sản mới được khắc phục.

Hà Giang

NỔI BẬT TRANG CHỦ