• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà hát Lớn “rộng cửa” với nghệ thuật đỉnh cao: Thêm lợi thế trong cuộc cạnh tranh du lịch

Du lịch 26/08/2016 06:46

(Tổ Quốc)- “Nếu Việt Nam cũng có thể đưa ra các chương trình biểu diễn mang dấu ấn riêng của quốc gia và được đầu tư công phu thì chắc chắn điều này sẽ thêm một lợi thế trong cuộc cạnh tranh du lịch đang ngày trở nên gắt gao ở khu vực”.

Bày tỏ sự ủng hộ lớn đối với chủ trương của Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện về việc đưa nghệ thuật đỉnh cao vào biểu diễn thường xuyên tại Nhà hát Lớn, các doanh nghiệp lữ hành cho rằng, nếu được đầu tư công phu và có dấu ấn riêng, các chương trình nghệ thuật trong Nhà hát Lớn sẽ đem lại lợi thế cho du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, điều khiến các doanh nghiệp băn khoăn là làm thế nào để xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn trong Nhà hát Lớn phù hợp với thị hiếu, lịch trình và “túi tiền” của đa số du khách?

Ông Lê Công Năng- Trưởng phòng Truyền thông Vietrantour: Một chủ trương đúng đắn và sáng suốt

Nhà hát lớn Hà Nội là một sàn diễn lâu đời, có lịch sử, quy mô khá lớn ở trung tâm thủ đô. Do vậy, việc đưa các tác phẩm nghệ thuật truyền thống và đỉnh cao trình diễn ở Nhà hát Lớn Hà Nội là một chủ trương đúng đắn và sáng suốt của người đứng đầu Bộ VHTTDL.

Trong thời đại cạnh tranh du lịch mạnh mẽ giữa các nước trong khu vực thì chỉ có sự khác biệt, dấu ấn riêng mới làm nên nét đặc sắc thu hút du khách đến Việt Nam

Tuy nhiên, để các chương trình biểu diễn trong Nhà hát Lớn trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn và Nhà hát Lớn trở thành điểm đến không thể bỏ qua đối với khách du lịch thì có 3 vấn đề cần quan tâm, đó là: Lịch biểu diễn có lịch ấn định thường xuyên không? Chương trình biểu diễn có thể hiện được sự khác biệt (đặc sắc) so sánh với các nước trong khu vực, có đủ sức hấp dẫn với khách du lịch? Giá vé biểu diễn cho mỗi chương trình biểu diễn là bao nhiêu?

Ba vấn đề này có ảnh hưởng trực tiếp đến việc công ty du lịch có thể xây dựng sản phẩm du lịch kết hợp xem biểu diễn trở thành dòng sản phẩm phổ thông chào bán cho du khách.

Theo tôi được biết, các nước bạn như Thái Lan luôn có những chương trình biểu diễn độc đáo như Alcaza (show diễn hoa hậu chuyển giới), Siam Niramit (show diễn lịch sử Thái Lan hoành tráng) được đầu tư công phu, chất lượng hay Nanta show (kịch đầu bếp) của Hàn Quốc cũng có mặt ở Thái Lan… Các đơn vị biểu diễn này luôn chủ động giới thiệu đến các công ty du lịch các chương trình biểu diễn, các khung giá ưu đãi để công ty du lịch xây dựng sản phẩm tour có kết hợp xem chương trình của họ.

Hoặc ở Trung Quốc có những chương trình biểu diễn ca vũ mang đậm dấu ấn văn hóa Trung Hoa rất hấp dẫn du khách như “Tống Thành thiên cổ tình” của đạo diễn tài ba Trương Nghệ Mưu, kịch “Biến Mặt” truyền thống đặc sắc của vùng Tứ Xuyên… Những chương trình biểu diễn này đều có giá thành và lịch biểu diễn cố định phù hợp để đưa vào chương trình tour du lịch phục vụ du khách. Nếu Việt Nam cũng có thể đưa ra các chương trình biểu diễn mang dấu ấn riêng của quốc gia và được đầu tư công phu thì chắc chắn điều này sẽ thêm một lợi thế cho chúng ta trong cuộc cạnh tranh du lịch đang ngày trở nên gắt gao ở khu vực.

Để tạo sự thu hút cho du khách quốc tế, tôi cho rằng, đối với các nhà hát, chúng ta cần đầu tư các chương trình đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, dễ hiểu cho du khách và đan xen yếu tố giải trí để du khách thực sự tận hưởng màn biểu diễn. Đội ngũ hoạt động lĩnh vực nghệ thuật của Việt Nam có thể tham khảo chương trình "Fantasy" của Thái Lan hoặc "Ấn tượng Lệ Giang" của Lệ Giang Trung Quốc hay chương trình kịch đầu bếp của Hàn Quốc v.v. Những chương trình này đáp ứng yêu cầu truyền tải đến khán giả đặc sắc văn hóa, dấu ấn riêng của mỗi quốc gia và sức hút, sự dễ hiểu nhờ trình diễn trên ngôn ngữ điện ảnh, ca, vũ – điều mà dù bất đồng ngôn ngữ, khán giả vẫn dễ dàng tìm thấy sự đồng cảm.

Theo kinh nghiệm hoạt động lữ hành nhiều năm, tôi cho rằng chúng ta cần đầu tư, xây dựng chương trình biểu diễn kết hợp hài hòa ngôn ngữ điện ảnh, ca, múa, nhạc công phu, quy mô, có sức tác động đến du khách. Những chương trình này cần có nội dung thể hiện được nét khác biệt, sự đặc sắc của một dân tộc bao gồm trong nó 54 dân tộc anh em hoặc lựa chọn câu chuyện kể về cuộc sống, tình yêu của một dân tộc điển hình trên nền nhạc truyền thống cho thấy dấu ấn riêng (chẳng hạn như cải biên dựa trên các tác phẩm hùng tráng như sử thi Đam San của dân tộc Ê đê) so với các quốc gia trên thế giới. Bởi trong thời đại cạnh tranh du lịch mạnh mẽ giữa các nước trong khu vực thì chỉ có sự khác biệt, dấu ấn riêng mới làm nên nét đặc sắc thu hút du khách đến Việt Nam.

Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Hanoi Redtours: Cần tính toán chương trình nghệ thuật phù hợp với thị hiếu và lịch trình của du khách

Thực ra, các thiết chế văn hóa phải là nơi dành cho công chúng, du khách đến tìm hiểu các giá trị văn hóa. Nhà hát đâu phải chỉ có công năng là nơi biểu diễn nghệ thuật hay Bảo tàng đâu phải chỉ là cất giữ các giá trị văn hóa, nó phải là nơi trưng bày, trình diễn dành cho công chúng và du khách. Nhà hát, bảo tàng chỉ thực sự phát huy tác dụng khi có khách đến tham quan. Vấn đề là chúng ta phải khai thác đúng giá trị công năng.

"Muốn thu hút du khách đến với Nhà hát Lớn thì phải tính toán chương trình nghệ thuật phù hợp với thị hiếu và lịch trình của du khách" 

Chẳng hạn, Nhà hát Lớn là nơi khai thác các chương trình nghệ thuật đỉnh cao. Tôi rất muốn Nhà hát Lớn tổ chức các show biểu diễn nghệ thuật, nhưng phải là các chương trình nghệ thuật phù hợp với không gian Nhà hát Lớn. Ví dụ, Nhà hát Lớn có thiết kế theo kiểu kiến trúc Pháp thì những loại hình nghệ thuật phù hợp đầu tiên phải là giao hưởng, thính phòng, opera… Chúng ta cũng có thể biểu diễn một số loại hình nghệ thuật truyền thống ở đó, nhưng phải phù hợp với không gian. Thứ hai, muốn thu hút du khách đến với Nhà hát Lớn thì phải tính toán chương trình nghệ thuật phù hợp với thị hiếu và lịch trình của du khách, nghĩa là show nghệ thuật có thời lượng bao lâu, tổ chức vào thời điểm nào. Ví dụ, khách nước ngoài đến Hà Nội chỉ thưởng thức nghệ thuật trong thời gian khoảng 1 tiếng chứ không thể xem show vài tiếng. Thời gian thường là chiều tối, buổi tối.

Chúng ta phải tính toán thời gian cụ thể và phải nghiên cứu xem show đó phù hợp với đối tượng khách hàng nào. Bởi vì, chúng ta rất nhiều đối tượng khách châu Âu, châu Á, khách nội địa…, nhu cầu và thị hiếu khác nhau.

Thứ ba, chúng ta vẫn có thể tổ chức các show diễn định kỳ, nhưng cần có cơ chế thoải mái, thuận lợi hơn để các doanh nghiệp lữ hành có thể có yêu cầu riêng của họ nhằm đưa khách đến nhà hát. Chúng ta đang phát triển du lịch MICE (du lịch hội nghị) và địa điểm tổ chức MICE là một điều rất quan trọng. Chẳng hạn, người ta thường thích tổ chức du lịch MICE ở Singapiore hay Thái Lan bởi vì điều kiện tổ chức MICE ở Hà Nội, ở Việt Nam không có hoặc không tốt. Nhưng nếu chúng ta đồng ý cho phép Nhà hát Lớn cho doanh nghiệp thuê để tổ chức các sự kiện cho khách hàng thì đây sẽ là một điểm nhấn, nâng cao tính cạnh tranh của du lịch MICE với các nước khác.

Ví dụ, hãng Everes vừa rồi tổ chức sự kiện cho Hitachi quy mô toàn cầu, có một gala nghệ thuật. Nếu gala được tổ chức ở Nhà hát Lớn Hà Nội- một thiết chế văn hóa nghệ thuật tốt nhất ở Việt  Nam, mang đậm ý nghĩa về lịch sử, văn hóa thì người ta sẽ thích ngay, còn khách sạn 5 sao thì nước nào cũng có./.

Lâm Minh

NỔI BẬT TRANG CHỦ