• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà phê bình Chu Văn Sơn ra đi để lại thanh âm của cái Đẹp

Văn hoá 19/04/2019 15:38

LTS: Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn là một nhà văn thân thiết với Báo điện tử Tổ Quốc từ những ngày đầu thành lập, đặc biệt từ sau Cuộc thi thơ lục bát 6+8=99 do Báo Điện tử Tổ Quốc khởi xướng, tên tuổi ông lại càng gắn bó với Báo.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn ra đi để lại thanh âm của cái Đẹp - Ảnh 1.

Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn (ảnh: Thơ hiện thời plus)


Những ngày này, tin nhà phê bình Chu Văn Sơn không qua được cơn bạo bệnh, lại càng buồn hơn. 

Chúng tôi xin mượn lời của nhà văn Lê Thị Bích Hồng viết về ông như lời tiễn biệt Nhà phê bình Chu Văn Sơn về với các bạn văn miền cực lạc.

TS. Chu Văn Sơn (sinh năm 1962, tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) là giảng viên bộ môn Văn học Việt Nam hiện đại, khoa Ngữ văn, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội từ năm 1986. Trước đó, ông từng giảng dạy tại Trường ĐH Quy Nhơn (Bình Định).

Các tác phẩm đã xuất bản của Chu Văn Sơn: Hàn Mặc Tử, văn chương và dư luận, Ba đỉnh cao thơ mới... là tác giả của một số sách và giáo trình phục vụ đào tạo đại học và sau đại học như: Một vài chương giáo trình về Huy Cận, Nguyễn Đình Thi trong Giáo trình Văn học Việt Nam thế kỷ XX.

Nhà phê bình Chu Văn Sơn từng chia sẻ rằng: "Văn chương là một cuộc sống. Đến với văn là được sống thêm những cuộc đời khác, một thế giới khác, sống những phía khác của con người mình. 

Viết văn là để được ký thác, được chia sẻ với con người về những chiêm nghiệm đối với cuộc sống nhân sinh và nghệ thuật".

CHU VĂN SƠN VÀ CÁI ĐẸP ĐỂ LẠI

Tôi và vợ chồng người bạn cùng khóa đại học đã đến thăm Chu Văn Sơn ở Bệnh viện E vào một chiều muộn. Cầm đôi bàn tay Sơn. Nhìn đôi mắt sáng của Sơn, thương Sơn nhiều lắm...

Và Sơn đã rời xa cõi tạm lúc 13 giờ 40 ngày 18/4/2019 để lại tuổi 58 chưa tròn một hoa giáp giữa lúc sự tinh tấn của trí tuệ, sự trải nghiệm của cuộc đời, sự thăng hoa của văn chương...đang ở độ chín nhất.

Ký ức ùa ập về...

Năm 1979, chúng tôi là cùng nhập học Khoa Ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Đây là khóa đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo có chính sách tuyển thẳng những sinh viên đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi văn, toán toàn quốc. Số học sinh từ Huế trở ra được vào khoa Ngữ văn, khoa Toán Trường Đại học Sư phạm Hà Nội; từ Đà Nẵng trở vào học tại Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh. Sinh viên chúng tôi chân ướt chân ráo mới nhập học, nhưng đều đã nghe tên Chu Văn Sơn. Tên tuổi bạn ấy đã khiến sinh viên chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ. Các bạn chỉ cho tôi cái người có mái tóc bồng bềnh học giỏi văn của Trường cấp 3 Chuyên Lam Sơn (Thanh Hóa).

Khóa 1979-1983 khoa Ngữ văn chúng tôi chia làm 4 lớp: A, B, C, D. Tôi học lớp A. Lớp tôi học chung các môn với lớp B, riêng môn tiếng Nga, học chung với lớp D có "đôi bạn cùng tiến" Chu Sơn - Vân Anh. Vân Anh xinh đẹp, tài hoa là người bạn đời của Sơn. Họ là một cặp đôi hoàn hảo. Họ là một cặp tri kỷ. Họ sinh ra là để cho nhau. Đôi trai tài, gái sắc tài hoa bền bỉ bên nhau xây tòa lâu đài hạnh phúc, dẫu biết không ít khó khăn, cách trở, giông gió đã đến trong cuộc đời của họ. Nhưng họ đã vượt qua bằng chính tình yêu bền chặt.

Ở đâu có tình yêu thì nơi ấy đạt được sự phi thường. Tôi nhớ khuôn mặt thánh thiện của Vân Anh. Tôi không quên dáng người mảnh khảnh của bạn ấy. Vân Anh đi mà như lướt trên cỏ, bay trong gió. Tôi không thể quên sự xuất hiện của Vân Anh đi từ nhà A7 xuống bể nước trước sân A7. Hình ảnh Vân Anh lỉnh kỉnh một tay xô nước, một tay chậu rau, gạo... lo cho người yêu cứ ám ảnh tôi mãi. Năm 1997, về Hà Nội gặp lại đôi bạn Chu Sơn-Vân Anh tôi vẫn nhắc chuyện ấy. Từ đó đến bây giờ, lúc nào tôi cũng thấy Vân Anh trong một hình ảnh một người bạn đời cúc cung, tận tụy, chu đáo...

Bệnh tật không chừa một ai. Chu Văn Sơn tài hoa cũng không ngoài tầm ngắm. Tôi biết Vân Anh đã vái tứ phương để tìm những phương thuốc tốt nhất cho chồng. Tôi biết Vân Anh đã tạo những điều kiện tốt nhất để kéo dài sự sống cho Sơn.

Sơn hưởng dương chưa tròn một hoa giáp, nhưng bạn đã để lại thanh âm của cái Đẹp. Thế mới biết: "Thác là thể phách, còn là tinh anh".

Bạn ra đi thanh thản nhé. Mình vẫn giữ hình ảnh bạn với mái tóc bềnh bồng như thế. Mình vẫn thích giọng văn đẹp của bạn:

"Tiếng chuông rền làm tổn thương hoàng hôn. Bước chân mau làm tổn thương những con đường. Gót giày khua làm tổn thương lối ngõ. Nếp áo nhàu làm tổn thương bao ấp iu của gió. Vệt lá lăn làm tổn thương thảm rêu nhung ẩm ướt bên thềm. Ngòi bút sắc làm đau trang giấy. Nét mực hoen làm đau con chữ gầy. Câu thơ suông làm tổn thương ánh đèn tri kỉ…".

Nhà văn Lê Thị Bích Hồng

NỔI BẬT TRANG CHỦ