• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà sáng lập WikiLeaks "đối mặt" án tử và phản ứng từ Moscow?

Thế giới 12/04/2019 09:46

(Tổ Quốc) - Cựu nhân viên CIA nhận định, nhà sáng lập WikiLeaks có thể sẽ phải đối mặt với tội danh cáo buộc nếu bị dẫn độ về Mỹ.

Hôm 11/4, chính quyền Anh đã bắt giữ nhà sáng lập WikiLeaks Julian Assange ngay bên trong đại sứ quán Ecuador tại London. Cùng lúc, Bộ Tư pháp Mỹ công bố, Assange bị cáo buộc có âm mưu xâm nhập máy tính - với mức án phạt tối đa lên tới 5 năm tù. Tổng thống Ecuador Lenin Moreno cho biết, ông đã hủy bỏ thân phận tị nạn chính trị của Assange sau khi phía Anh đảm bảo sẽ không dẫn độ ông tới một quốc gia, nơi nhà sáng lập WikiLeaks sẽ phải đối mặt với sự tra tấn hoặc án tử hình.

"Chính quyền Mỹ đang cáo buộc Assange tội danh mà họ cho rằng có thể dẫn độ ông ta", Philip Giraldi, một cựu quan chức CIA nói với hãng tin Sputnik. "Một khi Assange được đưa tới Mỹ, ông ta có thể sẽ dính phải các tội danh khác, bao gồm cả gián điệp".

Nhà sáng lập WikiLeaks đối mặt án tử và phản ứng từ Moscow? - Ảnh 1.

Julian Assange đã bị bắt giữ tại London sau nhiều năm tị nạn trong đại sứ quán Ecuador (ảnh: foxnews)

Bộ luật gián điệp Mỹ (EA) 1917 coi một hành động là gián điệp khi nó truyền tải những thông tin gây ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của quân đội Mỹ trong một cuộc chiến tranh, hoặc giúp tăng khả năng thành công cho đối thủ của Mỹ. Theo điều 704 của đạo luật, hành vi cung cấp thông tin tình báo quốc phòng cho một chính phủ nước ngoài có thể sẽ bị phạt tử hình.

Tuy nhiên, cũng theo ông Giraldi, việc Assange có được coi là một nhà báo hay không, cũng ảnh hưởng tới khả năng khởi tố thành công. Trong lịch sử, chưa có một nhà báo nào bị kết tội theo đạo luật EA.

So với trường hợp của cựu nhân viên CIA Edward Snowden, tính pháp lý trong trường hợp Assange tỏ ra yếu hơn nhiều.

"Snowden thực sự đã ăn cắp thông tin trong khi sẽ khó để chứng minh Assange làm điều tương tự", Giraldi nói.

Giraldi cũng cho rằng, Assange giống như là một nhà báo cung cấp các tin tức mà dựa trên nhận định của ông ta, chúng sẽ gây nguy hiểm cho một số người khác.

Chính quyền Anh thông tin, nhà sáng lập WikiLeaks sẽ bị giam giữ cho tới phiên tòa tiếp theo, dự kiến diễn ra vào ngày 2/5. Trong khi đó, luật sư của Assange khẳng định, sẽ đấu tranh đến cùng chống lại yêu cầu dẫn độ từ Mỹ.

Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Điện Kremlin hy vọng các quyền của Assagne sẽ được tôn trọng. Đây cũng là điều mà nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới đang kêu gọi.

Kể từ năm 2012, Assange đã ở tại Đại sứ quán Ecuador ở London, nhằm tránh bị dẫn độ tới Thụy Điển, nơi ông sẽ phải đối mặt với cáo buộc tấn công tình dục. Mặc dù năm 2017, cảnh sát Thụy Điển đã dừng cuộc điều tra, Assange vẫn luôn e ngại về viễn cảnh bị dẫn độ về Mỹ.

Cựu nhân viên lập trình máy tính bắt đầu được biết tới khi WikiLeaks công bố nhiều tài liệu mật, bao gồm cả những văn kiện liên quan tới việc lạm dụng quyền lực và tội phạm chiến tranh của quân đội Mỹ tại Afghanistan, Iraq và nhà tù Guantanamo…

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ