• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn với tác phẩm chạm đến nỗi đau mà thiên nhiên đang gánh chịu

Văn hoá 25/09/2018 06:00

(Tổ Quốc) - Viết về thiên nhiên là xu hướng của nhiều tác giả hiện nay nhưng với nhà văn Nguyễn Văn Học có vẻ tự nhiên lại quyến rũ anh đến với đề tài này ngay từ khi bắt đầu cầm bút, mặc dù đa số các tác phẩm đã xuất bản của anh đều viết về những chủ đề khác.

Minh chứng cho việc này có thể tìm trong tác phẩm “Mình ơi, Anh cưới dòng sông nhé?”- tập tạp bút mới ra mắt độc giả của nhà báo, nhà văn Nguyễn Văn Học, chứa đựng tâm hồn, cảm xúc và những suy nghiệm sâu sắc của tác giả về thế giới và con người. Mọi chuyện đều bắt nguồn từ thiên nhiên, thiên nhiên nuôi dưỡng và dạy cho chúng ta những điều kỳ diệu. Việc đối xử tệ bạc với thiên nhiên cũng là bạn tự tay hủy hoại chính mình. Tác phẩm chạm đến nỗi đau mà thiên nhiên đang gánh chịu như sự nhuốm màu và oi nồng mùi ô nhiễm của những dòng sông, tâm trạng xót xa khi nhận ra sự biến mất dần của muôn loài...

Chia sẻ mong muốn bảo vệ cuộc sống tự nhiên, nhà văn Nguyễn Văn Học cho rằng “Trong cuộc sống này, chúng ta có nhiều cách để bảo vệ môi trường. Từ trong gia đình, chúng ta hạn chết sử dụng túi nilon, động viên người thân cũng làm như vậy, nhắc nhở các con ra đường không được vứt rác bừa bãi. Tôi đã thấy con tôi không bao giờ vứt rác ra nơi công cộng, dù cháu mới 5 tuổi. Như vậy là thành công rồi. Cụ thể hóa việc bảo vệ môi trường, khơi gợi những thông điệp không nhất thiết phải là những việc đao to búa lớn mà từ những việc làm nhỏ nhất, ngay trong mỗi gia đình, như vậy đã là góp phần vào cuộc sống xanh.”

Cuốn sách tuy nhỏ bé nhưng chứa đựng biết bao tâm tư, những câu chuyện lớn lao trong thời hiện đại, giữa một thế giới hỗn độn, ngổn ngang và vô cùng phức tạp. Văn hóa ứng xử con người chính là mạch nguồn chung trong bối cảnh con người hôm nay trước những giá trị văn hóa một thời và mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ. Cùng lắng nghe tiếng nói sinh tồn, sinh tử, những bài học diệu kỳ của thiên nhiên. Và trên hết "Mẹ thiên nhiên" - mối quan hệ không thể chia tách giữa tự nhiên - xã hội, hoang dã - văn minh, muôn loài - con người, hôm qua - hôm nay.

Chính cuộc sống của con người trong nhịp sống hiện đại trên phương cách thực dụng, lợi ích, hào nhoáng, vô cảm, quá trình đô thị hóa, phát triển du lịch thiếu tổng quan làm biến đổi, tha hóa, tổn thương mối quan hệ giữa con người với Mẹ thiên nhiên, đẩy thiên nhiên vào cơn thịnh nộ. Và chính con người sẽ là nhân tố chính gánh lấy hậu quả từ thiên nhiên, gánh lấy nỗi mất mát đau thương do thiên nhiên ban trả lại. Trong tác phẩm, tác giả có chia sẻ: “Con người đã tước đoạt đi mạng sống của dòng sông, thì cũng là đang tước đi quyền sống chan hòa, sống chung một cách thân thiện với thiên nhiên vốn rộng lượng và thẳm sâu... Hãy biết lắng nghe và yêu sông như sông đã yêu người.”

Ba mươi chín tản văn mở ra vẻ đẹp vốn có lẫn nỗi đau mà thiên nhiên đang mang nặng. Và nỗi đau ấy không ai khác ngoài con người do không trân trọng đúng mức và nhân danh văn minh để đàn áp, chiếm dụng, vắt kiệt tự nhiên...

Tác phẩm hé mở ra với vô vàn những con suối nên thơ trong lòng Tây Bắc chảy tựa như những mạch máu âm thầm chảy nuôi dưỡng mỗi cánh rừng, mỗi bản làng làm nên cuộc sống và tạo nét văn hóa đặc sắc cho người dân tộc thiểu số. Cảnh vẫn còn đó, nhưng nay đã bớt đi phần nào, cũng như thiếu vắng đi nụ cười giòn giã của các thiếu nữ bên dòng suối. Chuyện người thanh niên tạm bỏ sau lưng những ngày ồn ã chốn thành phố hào hoa, đi về phía bến Đông Dài, nơi thả lại tình yêu một thời không thể tìm lại được như một dòng chảy siết mang theo cùng dòng sông “Chỉ có sông mới biết. Sông ơi hãy nói hộ lòng”. Về mùi hương thầm mà con sông đã cất giữ hộ sau những chia ly trong ngậm ngùi. Những ngày chuyển mình và “cuộc đi trốn” của những người trẻ đô thị thèm nương náu trong những không gian cổ kính để thương nhớ rêu phong những làng cổ khi tốc độ đô thị hóa quá nhanh…

Tạm khoan nói đến những việc làm, cống hiến to tát và lớn lao, chỉ cần yêu thiên nhiên từ những cử chỉ, hành động đời thường nhỏ nhất mà mỗi chúng ta có thể làm được. Yêu thiên nhiên tựa như hơi thở trong lành mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Sách do Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ ấn hành, giới thiệu tới bạn đọc toàn quốc.

Võ Vân

NỔI BẬT TRANG CHỦ