• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhà văn Y Ban: Tập truyện… không hư cấu

12/03/2011 10:47

Nhà văn Y Ban vừa ấn hành tập truyện mini đầu tiên "Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy?" (NXB Trẻ). So với các sáng tác trước đây của Y Ban, dường như tập truyện mini này chị viết mà không cần “tưởng tượng” nhiều. Lâu nay, văn chương rất cần hư cấu và hư cấu là một phần không thể thiếu của văn chương. Lẽ nào nhà văn Y Ban không cần “thêm nếm gia vị” vào tập truyện này?

Nhà văn Y Ban vừa ấn hành tập truyện mini đầu tiên "Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy?" (NXB Trẻ). So với các sáng tác trước đây của Y Ban, dường như tập truyện mini này chị viết mà không cần “tưởng tượng” nhiều. Lâu nay, văn chương rất cần hư cấu và hư cấu là một phần không thể thiếu của văn chương. Lẽ nào nhà văn Y Ban không cần “thêm nếm gia vị” vào tập truyện này?

TT&VH có cuộc trò chuyện với tác giả của I am đàn bà, Người đàn bà có ma lực...
* Xin chúc mừng tập truyện mini đầu tiên sau hàng chục tập truyện ngắn, truyện vừa và tiểu thuyết của chị. Nhưng bảo rằng Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy? là tập truyện thì e rằng tài “hư cấu” của chị giống thực tế quá?

- Quan niệm rằng nhà văn là hư cấu có lẽ hơi cổ điển rồi chăng. Nhưng cho dù có là hư cấu trên trời dưới biển đi chăng nữa thì cũng phải trên cái nền của cuộc sống. Tôi chưa từng thấy có nhà văn nào hư cấu những điều xa lạ với con người.

Tập truyện mini này tôi không hư cấu. Tôi chỉ nhặt rời rạc những mảnh đời, những gương mặt, những câu nói, những nếp nghĩ... của người đời để viết chúng ra thôi.

Nhà văn Y Ban thăm hỏi sức khỏe nhà văn Nguyễn Quang Sáng tại Đại hội Nhà văn Việt Nam vào tháng 8/2010

* Với những truyện như Đi câu mực ở biển Sầm Sơn, Loa loa loa ai người tài giỏi và Bản kiểm điểm 1.000 năm... người đọc thấy giống một bài phóng sự, nhàn đàm và tiểu phẩm hơn là truyện. Vậy sao chị không gọi cuốn sách của mình là “viết ngắn” thay vì truyện mini?

- Nếu chỉ đưa ra tiêu chí là viết ngắn thì dễ dàng quá chăng? Tôi muốn đưa ra một khái niệm mới về truyện ngắn mi ni. Và có lẽ qua tập sách này tôi muốn thay đổi một chút về lối đọc hiện giờ. Nếu tất cả những điều tôi viết trong tập sách này tôi lùi lại khoảng 10 năm nữa, có nghĩa rằng đến năm 2021 tôi mới xuất bản thì tôi dám chắc đa phần sẽ nói sao tôi hư cấu tài quá trời. Nhưng do thời điểm xuất bản là năm 2011 nên mọi điều trong tập sách này nóng hổi như là chương trình thời sự vậy.


* Như chị vừa nói tập truyện này không hư cấu, vậy bài viết Nhân nghĩa bà Tú Đễ - lấy tích từ câu nói cửa miệng của mẹ chị - phần tái bút chị vẫn không hiểu tích này từ đâu ra. Sao chị không hỏi thẳng mẹ mình mà lại nhờ độc giả mách giùm?

- Đó là ý đồ của tôi. Tôi muốn có sự tương tác qua lại với độc giả. Với lại người mẹ này là... hư cấu.

* Tác giả của 2 tiểu thuyết, 3 tập truyện vừa, 10 tập truyện ngắn, theo chị viết ngắn trong thời điểm “người người bận rộn” hiện nay có phải là cách tiếp cận và tiết kiệm thời gian cho người đọc?

- Với hồi âm của bạn đọc khi tập sách xuất bản chưa được một tháng thì dường như đây là kiểu viết đắc địa. Những người đọc cuốn sách này đã cười (phần nhiều), đã sung sướng, đã suy ngẫm và đã khóc... không phải chỉ thoáng qua đâu mà có khi qua đêm, qua ngày mới ngẫm ra để cười để khóc. Như vậy, có thể thấy là không cứ cần nhiều chữ, nhưng cũng không phải là để tiết kiệm thời gian mà vấn đề ở đây là tác giả đã gửi thông điệp câu chữ gì đến độc giả.

* Ở bìa 4 cuốn sách, những tên truyện mini được sắp đặt mang ý nghĩa và hình thức giống như một “bài thơ”. Nhưng trong nhiều truyện mini khác, có vẻ như chị không “cảm tình” lắm với một số người “không biết làm gì nên làm thơ”. Xin hỏi, nhà văn Y Ban có “đố kỵ" với thơ không?

- Về điều này thì tôi phải gửi lời tri ân đến nhà thơ Phạm Sĩ Sáu. Chính anh đã xếp những tên truyện của tôi thành bài thơ như vậy.

Tôi không hề đố kỵ với các nhà thơ. Tôi chỉ cười nhạo những người không biết làm thơ và mượn thơ để mưu cầu gì gì đó thôi. Cũng xin mở ngoặc là tôi thích đọc thơ.

* Xin cảm ơn chị.

Bài thơ “vô tiền khoáng hậu”

“Bài thơ” dưới đây tập hợp tên những truyện mini của nhà văn Y Ban làm thành in ở bìa 4 Này hỏi thật đã nhìn thấy gì chưa đấy? Theo nhà văn Y Ban, người làm bài thơ này là nhà thơ Phạm Sĩ Sáu, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM và là người biên tập cuốn sách này. Những chữ in nghiêng trong các câu là một tên truyện để phân biệt với những chữ in thường cũng là tên truyện.

Công chúa mắt nai khóc hờ nhà tư vấn

Miếng giữa làng bảo toàn năng lượng đất thiêng

Sáng kiến của tổng biên tập không biết lùi

Trong đối tác có đối tượng, trong đối tượng có đối tác

Ăn cắp vặt thủ trưởng ơi cứu em với

Người ta tiến thì mình lùi, người ta hơn thì mình kém

Hai người nhẫn tâm tử tế tặng quà

Ước mơ của bố mẹ thằng Cò tặng sách

Việc một nhà thơ nhập hồn vào vợ sang đường

Ô hô, bức tượng quy ra tiền là bao nhiêu?

Thế còn bộ xương biết vứt đi đâu?

Ô hô, chảy máu chất xám câu lạc bộ một nghìn

Thế giới phẳng ô hô, triết lý sống mới

Vô cùng thương tiếc vụ đắm đò

Hàng xóm cho xin lại cái bút

Đêm tôi ngủ được có 5 tiếng bệnh thận

Họp báo khủng bố

Đường ở chân người nghèo



(TT&VH)

NỔI BẬT TRANG CHỦ