Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Tại Việt Nam, xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" là chủ trương lớn, để nâng cao chất lượng nhân lực lao động, trí thức, văn hóa. Tại nhiều địa phương, mô hình này đã được lan tỏa thu hút đông đảo người dân tham gia và đạt được nhiều hiệu quả.
Nhân rộng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" tại các địa phương - Ảnh 1.

Mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" đã có tác động tích cực đến mọi mặt đời sống, xã hội của người dân trong cộng đồng cũng như mỗi cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan, đơn vị cho đến quy mô gia đình, khu phố, đều có sự phát triển mạnh mẽ và đạt được những kết quả quan trọng gắn với cuộc vận động xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa; gia đình học tập, dòng họ học tập đang được nhiều địa phương quan tâm, chỉ đạo. 

Báo cáo về kết quả đạt được trong xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", đại diện Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho biết: Đến cuối năm 2022, toàn thành phố đã xây dựng 1.089 dòng họ học tập, trong đó có 1.012 (92,93%) dòng họ đạt danh hiệu Dòng họ học tập. Trong 6 tháng đầu năm 2023 các quận, huyện và thành phố Thủ Đức có 1.548.417/1.913.364 gia đình đăng ký xây dựng "Gia đình học tập", tỷ lệ 80,93%; có 1.117/1.211 và dòng họ đăng ký xây dựng "Dòng họ học tập", tỷ lệ 92,24%

Nhân rộng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" tại các địa phương - Ảnh 2.

Việc xây dựng các mô hình học tập phường, xã, thị trấn là một động lực to lớn, động viên, khuyến khích thúc đẩy mọi thành phần trong cộng đồng tham gia học tập, tạo điều kiện, cơ hội cho mọi người được học tập thường xuyên, học tập suốt đời theo Kế hoạch số 2801/KH-UBND ngày 10 tháng 08 năm 2022 của Ủy ban nhân dân thành phố; mục tiêu cụ thể đến năm 2025 có 70% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập", 65% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập" và đến năm 2030 có 80% gia đình được công nhận đạt danh hiệu "Gia đình học tập"; 75% dòng họ được công nhận đạt danh hiệu "Dòng họ học tập".

Theo đại diện Sở Văn hoá, Thể thao Hà Nội, năm 2022, toàn thành phố Hà Nội có trên 1,4 triệu Gia đình học tập, đạt tỉ lệ 67,4%; gần 7.000 Dòng họ học tập, đạt tỉ lệ 59%; trên 4.300 Cộng đồng học tập (cấp thôn, tổ dân phố); trên 2.800 Đơn vị học tập cấp xã; trên 1,5 triệu Công dân học tập, đạt tỉ lệ 27,1%. Các mô hình học tập đã góp phần nâng cao nhận thức người dân về vai trò của việc học, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, văn hóa đối với các cá nhân, gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, thực tiễn triển khai các mô hình học tập này cho thấy việc nhân rộng và phát triển các mô hình cũng đang gặp phải những khó khăn nhất định như: chất lượng của các mô hình học tập còn hạn chế so với yêu cầu của tiêu chí đánh giá. Công tác tuyên truyền về xây dựng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" chưa có chiều sâu tại một số địa phương. 

Nhận thức của một bộ phận người dân lao động chưa đồng đều, chưa thật chuyển biến, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Đồng thời, các hoạt động học tập suốt đời ở ngoài nhà trường chưa đa dạng, phong phú, điều kiện hoạt động còn nhiều khó khăn. Vấn đề kinh phí cũng đang là mối lo chung khi các trung tâm, các thiết chế văn hóa cơ sở không được cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách; việc thực hiện xã hội hóa để tạo nguồn cũng không dễ dàng nên ảnh hưởng lớn đến kinh phí tổ chức các hoạt động.

Nhân rộng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" tại các địa phương - Ảnh 3.

Trước thực trạng đó, để nhân rộng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập", đại diễn Sở Văn hóa, Thể thao thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Cần rà soát ban hành bộ tiêu chí đánh giá, công nhận các mô hình học tập của thành phố, bổ sung các tiêu chí "Gia đình học tập", "Cộng đồng học tập" vào tiêu chí đánh giá, công nhận "Nông thôn mới, đô thị văn minh". Đưa nội dung công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập vào chương trình bồi dưỡng chính trị hàng năm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; hệ thống cấp ủy, chính quyền các cấp cần tăng cường tuyên truyền, vận động, triển khai thực hiện có hiệu quả phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ.

Ngoài ra, cần tăng cường phối hợp với ngành Giáo dục, ngành Văn hóa, ngành Thông tin tổ chức đánh giá, công nhận các danh hiệu "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" theo các giai đoạn, các cấp cần tổ chức hội nghị tổng kết, biểu dương, khen thưởng các nhân tố và điển hình tiên tiến, tiếp tục xây dựng phong trào phát triển đồng đều và có chiều sâu. Kịp thời củng cố, bổ sung nhân sự lãnh đạo Hội khuyến học cấp quận, huyện và phường, xã, thị trấn nhằm tổ chức triển khai, giám sát, đánh giá công nhận các mô hình học tập trong gia đình, dòng họ tại địa phương. 

Cùng với đó, tăng cường huy động nguồn lực xã hội hóa nhằm tăng cường sự đóng góp của cộng đồng trong việc thúc đẩy phong trào học tập suốt đời, nhân rộng các mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" góp phần xây dựng xã hội học tập trong thời gian tới.

Nhân rộng mô hình "Gia đình học tập", "Dòng họ học tập" tại các địa phương - Ảnh 4.

Đồng quan điểm trên, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội chia sẻ: Muốn đẩy mạnh công tác khuyến học cơ sở hoạt động có hiệu quả hơn góp phần tích cực vào việc xây dựng "Xã hội học tập" từ cơ sở, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện các chỉ thị văn bản của cấp trên về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập. 

Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, phong trào xây dựng Gia đình hiếu học, Dòng họ khuyến học cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên liên tục của Cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo giám sát tạo điều kiện của chính quyền địa phương. Thành lập chi hội khuyến học ở tất cả các thôn, ấp của địa phương. Kiện toàn củng cố Ban Chấp hành chi hội. Đội ngụ cán bộ hội phải có sức khỏe, có điều kiện, tâm huyết với sự nghiệp "trồng người", sự nghiệp khuyến học, biết làm việc tham mưu với cấp ủy Đảng, Chính quyền vận động quần chúng làm công tác khuyến học, khuyến tài.

Bên cạnh đó, hội khuyến học cơ sở cần phối hợp chặt chẽ với các trường học trong địa bàn để đẩy mạnh các hoạt động khuyến học trong nhà trường. Đồng thời tổ chức tốt các hoạt động khuyến học ở gia đình và xã hội, tổ chức tốt phong trào thi đua nêu gương sáng khuyến học. Thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả các hoạt động khuyến học, khuyến tài của các chi hội trong địa phương. Thực hiện nghiêm túc các quy định về nội dung và thời hạn báo cáo về hội cấp trên.

Phát triển mô hình học tập "Gia đình học tập, "Dòng họ tập" đã mang lại lợi ích thiết thực góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục; xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới và nâng cao chất lượng cuộc sống cho mỗi gia đình và cộng đồng./.

Nội dung: Thương Nguyễn

Thiết kế: Thu Mai 


*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện