Chia sẻ
(Tổ Quốc) - Công tác nhân sự của bất kỳ kỳ Đại hội Đảng nào cũng được dư luận quan tâm. Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, phóng viên báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (UB TƯ MTTQ) về chủ đề này.

Lời tòa soạn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định công tác nhân sự Đại hội XIII gắn liền với sự sống còn của Đảng, của chế độ và tiền đồ phát triển của đất nước. Để làm tốt công việc hệ trọng này, phải làm tốt công tác nhân sự từ đại hội đảng bộ các cấp. Công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải được tiến hành theo quy trình chặt chẽ, khoa học và nhất quán, bảo đảm thật sự dân chủ, công tâm, thật sự trong sáng, khách quan. Thời điểm này, đại hội Đảng các cấp đang diễn ra ở các địa phương. Người dân mong muốn công tác nhân sự đại hội đảng bộ các cấp, đặc biệt là công tác nhân sự Đại hội XIII của Đảng được tiến hành nhất quán, dân chủ, khách quan và nghiêm túc, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng. Xin gửi tới độc giả Báo điện tử Tô Quốc tuyến bài "Nhân sự Đại hội XIII: Vấn đề sống còn của Đảng, của Đất nước" bàn về chuẩn bị công tác nhân sự với những góc nhìn nhiều chiều như một gợi mở cho các cấp lãnh đạo về công tác trọng yếu này.

Bài 1: Nhân sự Đại hội Đảng XIII: "Bác Hồ nói, chủ trương thì một, biện pháp mười nhưng quyết tâm phải hai mươi"

(Tổ Quốc)- Công tác nhân sự của bất kỳ kỳ Đại hội Đảng nào cũng được dư luận quan tâm. Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng lần thứ XIII, phóng viên Báo điện tử Tổ Quốc đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về chủ đề này.


Cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất: Giáo dục chưa tới nơi tới chốn


- Cả nước đang thực hiện Chỉ thị 35 của Ban Bí thư chuẩn bị nhân sự Trung ương, Tổng Bí thư cũng có nhiều chỉ đạo, bài viết có liên quan tới nội dung này. Gần đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước từng nói, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Song, những khuyết điểm, yếu kém của một bộ phận cán bộ và những hạn chế, bất cập trong công tác cán bộ cũng là một nguyên nhân quan trọng làm cho đất nước phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của chúng ta, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

+ Tôi rất quan tâm tới bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gần đây về công tác cán bộ. Có thể thấy rằng, từ khi đổi mới tới nay Đảng ta đã có 5 lần chỉnh đốn tổ chức, lần gần đây nhất là mở đầu bằng Đại hội lần thứ 12 với Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 4. Tôi cho rằng từ Hội nghị Trung ương 4 khóa XII tới nay, công tác cán bộ của chúng ta có một bước tiến quan trọng, có thể nói, đã ngăn chặn được quá trình thoái hóa, biến chất trong đội ngũ cán bộ chúng ta. Tôi mừng là trong những phát biểu gần đây của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bắt đầu đã bỏ chữ "không nhỏ". Từ trước nay tới nay chúng ta luôn sử dụng cụm từ là "có một bộ phận không nhỏ cán bộ Đảng viên có chức có quyền thoái hóa biến chất" với cách "ăn" tinh vi hơn, tập thể hơn và người ta "ăn" bằng đất.

Tôi nhớ rằng, vấn đề này được đưa ra từ Đại hội X nhưng cụm từ "không nhỏ" trên đã theo đuổi tới tận dự thảo văn kiện của Đại hội XII. Tới lần này, dự thảo đã bỏ được chữ "không nhỏ".

Ông Nguyễn Túc

 

Tại sao bỏ được? Tôi nghĩ thế này, Bác Hồ từng nói rằng: chủ trương thì một, biện pháp thì mười nhưng quyết tâm phải hai mươi. Các chủ trương về công tác cán bộ của chúng ta qua các Đại hội tôi cho rằng đều đúng nhưng biện pháp của chúng ta chưa đầy đủ đặc biệt là quyết tâm chưa cao.

Ở thời kỳ đổi mới, "cái tôi" và "cái ta" giằng xé nhau ghê gớm thành ra trong nội bộ Đảng có tình trạng như cả nể, dĩ hòa vi quý, đấu tranh chưa thật chân thành và chưa thật mạnh mẽ, nên tình trạng thoái hóa biến chất cứ thế tiếp tục tăng và có chiều hướng nguy hiểm hơn.

Thành công của Đại hội 12 đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 chính là chúng ta quán triệt tư tưởng, chủ trương của Bác mặc dù quyết tâm chưa đến hai mươi như Bác nói đâu và các đồng chí lão thành cách mạng nói rằng còn nhiều chỗ chưa "sờ" đến thôi, "sờ" đến chắc chắn cũng có chuyện.

Điều quan trọng nhất Bác Hồ dạy chúng ta là "đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công". Mà lịch sử dựng nước và giữ nước của ông cha nếu chú ý, chúng ta đã có 15 lần chống giặc ngoại xâm, trong đó có 3 lần bị tạm thời thất bại liên quan tới tính đoàn kết.

Nhân sự Đại hội Đảng XIII: “Bác Hồ nói, chủ trương thì một, biện pháp mười nhưng quyết tâm phải hai mươi” - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ

Khi nào dân ta đoàn kết thì đất nước ta được độc lập và khi dân ta chia rẽ thì đất nước ta bị đô hộ. Tinh thần đó cũng được Bác Hồ nhắc đến trong Di chúc. Trong Di chúc vấn đề đầu tiên Bác nhắc tới là Đảng. Người căn dặn rằng: Đảng ta là đảng cầm quyền, mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ Đảng ta thật sự trong sạch, phải giữ Đảng ta thật sự xứng đáng, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.

Nếu Đảng ta làm đúng như điều Bác Hồ nói là một Đảng đạo đức, một Đảng văn minh, một Đảng có ý chí quyết tâm cao thì ta sẽ tạo dựng được thời cơ hiện nay, nhất định đất nước ta sẽ cất cánh. Điều đó tôi cho rằng hoàn toàn có thể thực hiện được vì lịch sử đã chứng minh cho điều đó.

Ông Nguyễn Túc.

- Thưa ông, trong thời gian qua, đã có khoảng 100 cán bộ cấp cao bị xử lý kỉ luật trong đó có cả xử lý hình sự. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nhiều lần đặt ra vấn đề này  trong các bài phát biểu và coi đây là bài học cho đội ngũ cán bộ. Ông có cho rằng, các bài học này có tác động gì cho các cán bộ chuẩn bị tham gia Trung ương trong khóa tới này?

+ Nếu không nhầm gần 100 cán bộ cấp cao bị kỷ luật đa phần là những đồng chí bị ở trong nhiệm kỳ trước, sai lầm, khuyết điểm đa phần ở những nhiệm kỳ trước, và nó tích tụ từ nhiều nhiệm kỳ trước mà giờ mới bung ra. Bài học lớn nhất theo tôi là khi chúng ta phát triển kinh tế nhiều thành phần theo cơ chế thị trường, định hướng XHCN có sự quản lý của nhà nước. Nghĩa là thu nhập sẽ khác nhau dẫn tới mức sống khác nhau, lối sống không giống nhau và sự suy nghĩ nó khác nhau. Trong bối cảnh đó, giữa "cái tôi" với "cái ta" cấu xé nhau ghê gớm lắm không như thế hệ chúng tôi trước đây, sống chủ yếu bằng đồng lương, mọi việc do nhà nước cung cấp, nghèo đều, nhưng tình cảm lại rất sâu đậm, anh em hay nói đùa với nhau là bao giờ cho đến ngày xưa là vì thế, thương nhau quá. Giờ đây có của ăn, của để nhưng tình cảm dường như nhạt phai đi giữa các đồng chí với nhau không còn như ngày xưa, ở đây có khuyết điểm về chính sách. Chúng ta đưa vào trong bối cảnh hiện nay, nghị quyết Đại hội Đảng nói phải giải quyết hài hòa lợi ích giữa "cái tôi" – "cái ta" nhưng chính sách đó làm hơi chậm.

Ông Nguyễn Túc

Thứ 2 là giáo dục chưa tới nơi tới chốn, nói học Bác nhưng chưa thực sự làm theo Bác, giám sát, kiểm tra chưa tới nơi tới chốn. Tâm lý con người là giữa cái tôi – ta để bản thân anh giữ được đã là khó. Nếu không có sự kiểm tra, giám sát của đồng chí, nhân dân, lại còn bị tác động nhiều thứ: vợ- con- họ hàng. Có đồng chí vừa bị kỷ luật còn bị tác động của "bồ" nữa đấy.

Tới Đại hội 10 của Đảng đã nhận thức ra và đưa vào văn kiện là Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội những chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội và nhân dân có trách nhiệm tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh.

Tuy các đồng chí có trách nhiệm, sai lầm, thoái hóa biến chất nhưng sắp tới đại hội thì chúng ta cũng phải có những góp ý với Đảng để thực hiện nghiêm túc.

Tôi nhớ mãi khi Bác Hồ giao quyền Chủ tịch nước cho cụ Huỳnh Thúc Kháng có nói một câu: "dĩ bất biến ứng vạn biến", điều bất biến đó là những người cộng sản đặc biệt là lãnh đạo cấp cao phải trung thành với Chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trung thành với đường lối, quan điểm của Đảng, với Hiến pháp của nhà nước.

Điều bất biến nữa, Bác Hồ nói đây là đảng cầm quyền, phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, phải thật sự cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư. Cái đó không thể thay đổi được.

Điều vạn biến là trong điều kiện hiện nay trong nước và thế giới đã thay đổi, chúng ta không phải ăn vay, ăn đong, ăn xin nữa, mà trở thành nước có thu nhập trung bình, không còn bị bao vây như thời xưa mà đã hội nhập kinh tế quốc tế. Cán bộ hôm nay không thể ăn ngủ, sinh hoạt như thời xưa, cái đó chúng ta phải chấp nhận.

Nhưng thời gian qua điều quan trọng nhất là chúng ta không giáo dục tới nơi tới chốn, Bác nói là phải vì dân, nhà nước của dân do dân và vì dân cơ mà.

Ông Nguyễn Túc

Năm 1998, Trung ương Mặt trận Tổ quốc mới đề nghị và có quy chế dân chủ ở cơ sở, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Chúng ta đưa một loạt kiến nghị lên nhưng cuối cùng tiến hành rất chậm thành ra cái nhạy bén của Đảng, thực hiện, làm theo Bác cũng chậm.

Nhân sự Đại hội Đảng XIII: “Bác Hồ nói, chủ trương thì một, biện pháp mười nhưng quyết tâm phải hai mươi” - Ảnh 3.

Bác nói "dân vi bản", Đại hội 6 đổi mới cũng nói dân là gốc. Nhưng tư tưởng "dân là gốc" chúng ta triển khai chậm, nếu để dân giám sát từ khi chúng ta tiến hành đổi mới thì chắc rằng tham nhũng, thoái hóa sẽ bị hạn chế nhiều hơn. Vì chỗ nào cũng có dân, "anh" ăn cắp về thì cũng đưa cho vợ con hay vụ PMU 18 đưa cho bồ đấy chứ, hay vụ sắp xử ở TP HCM với tội danh là hối lộ tình dục… thì chỗ nào dân cũng biết cả. Mà hầu hết các vụ án đều có đặc điểm: không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và những vụ án lớn phần lớn do dân phát hiện. Thông qua cơ quan báo chí thì các cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước mới vào cuộc. Vụ Trịnh Xuân Thanh dân phát hiện từ biển xe sang, hay vụ Bắc Hà- Ngân hàng BIDV do dân phát hiện, đi đâu làm gì luôn có đoàn xe ghê gớm đi phục vụ…

Sắp Đại hội 13 chúng ta tổng kết công tác xây dựng Đảng cần đi vào những vấn đề mà Bác Hồ đã dạy đặc biệt trong bản di chúc. Điều đầu tiên trong di chúc Bác nói về Đảng chứng tỏ Bác đã thấy được những vấn đề. Đây là cái mà chúng ta cần phải quan tâm kiến nghị với Đảng.

Ông Nguyễn Túc 


Muốn chặn xu nịnh, lợi ích nhóm: Chặn từ cơ sở

 

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh rất nhiều lần là không cho lọt vào Trung ương những cán bộ có biểu hiện xu nịnh, lợi ích nhóm… Theo ông, chúng ta có những cách thức giám sát nào để loại được những cán bộ có dấu hiệu như trên?

+ Trong kỳ này, đồng chí Nguyễn Phú Trọng nói rất nhiều về vấn đề giàu lên một cách nhanh chóng mà không giải trình được, rồi xu nịnh. Tôi thấy rằng, từ khi đổi mới bắt đầu có những cụm từ "chạy chức chạy quyền", "chạy luân chuyển", "chạy bằng cấp", thậm chí cả "chạy tội" điều đó chứng tỏ có "anh xu nịnh" và có "anh chấp nhận xu nịnh".

Ở đây muốn triệt được gốc thì phải ngăn chặn, đẩy lùi những hiện tượng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đưa ra.

Xu nịnh là biểu hiện của động cơ không chính đáng. Muốn quyền cao chức trọng mới phải hối lộ, chạy chức chạy quyền.

Ông Nguyễn Túc 

Tình hình đó phải ngăn chặn, thực hiện nghiêm túc từ cấp cơ sở. Tôi đi phục vụ nhiều đại hội, từ Đại hội Đảng lần thứ 3 năm 1960 thì thấy sang đổi mới tình hình đại hội của chúng ta không đơn giản như thời bao cấp nữa.

Thời bao cấp được tín nhiệm giao nhiệm vụ trước hết thấy ở mình trách nhiệm đã, giờ người ta phấn đấu để đòi nhiệm vụ, đi mua chức, có mua thì phải có bán, có bỏ tiền ra thì phải có lợi ích chứ, con buôn mà.

Năm 1937 đồng chí Hạ Bá Cang tức Hoàng Quốc Việt, Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ thấy rằng bản thân mình lý luận bằng đồng chí Đặng Xuân Khu tức là đồng chí Trường Chinh, khi đó là Xứ ủy viên, lúc ấy đồng chí Hoàng Quốc Việt đề nghị Xứ ủy và Trung ương cho mời đồng chí Đặng Xuân Khu thay ông làm Bí thư Xứ ủy và đồng chí Hoàng Quốc Việt đi về xây dựng cơ sở đảng. Hành động của người Cộng sản đẹp như thế.

Hay tới khi chỉ đạo Cách mạng Tháng 8 gồm có Bác Hồ, đồng chí Trường Chinh, đồng chí Hoàng Quốc Việt, đồng chí Hoàng Văn Thụ. Năm 1944, đồng chí Hoàng Văn Thụ mất, trung ương mới cử đồng chí Nguyễn Lương Bằng vào Bộ Chính trị. Đồng chí vào Bộ Chính trị hơn 1 năm phụ trách Tổng bộ Việt Minh, sau đó xin ra khỏi vì thấy không đủ năng lực đảm trách của Bộ Chính trị giao.

Hay các thế hệ chúng tôi chống Pháp, chống Mỹ, nhiều đồng chí thấy không hoàn thành nhiệm vụ thì xin rút để Trung ương cử đồng chí khác. Cả cuộc đời tôi không phải xin xỏ điều gì, cứ thế Trung ương điều đi thôi.

Chặn từ cơ sở, qua chỉ đạo của trung ương và tôi đi dự ở vài nơi thì thấy, trung ương đang áp dụng kỳ này là bầu phiếu kín sau khi bầu thường vụ xong thì phiếu kín bầu Bí thư và Phó Bí thư.

Nhân sự Đại hội Đảng XIII: “Bác Hồ nói, chủ trương thì một, biện pháp mười nhưng quyết tâm phải hai mươi” - Ảnh 4.

Ông Nguyễn Túc, nguyên Ủy viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ

Hiện nay có tình trạng phe cánh nể nhau, dòng họ nên lần này tôi thấy chỉ đạo của Trung ương rất hay, căn cứ cơ cấu tính chất quan trọng của từng địa phương mà có những phân bổ cho phù hợp. Đây cũng là cách để ngăn chặn cục bộ địa phương. Từ địa phương lên nên tôi thấy rất quý, giờ đây có quy định, Bí thư có thể không phải là người địa phương đó.

Kỳ này các đồng chí đưa vào Trung ương phải công khai danh sách để dân giám sát.

Ông Nguyễn Túc 

- Ông có đặt kỳ vọng gì vào nhân sự Đại hội Đảng khóa XIII này?

+ Với cách làm hiện nay của Trung ương, qua những kinh nghiệm được và chưa được của các khóa, tôi tin rằng với không khí dân chủ trong Đảng, Quốc hội và các tầng lớp nhân dân, thì chắc rằng những phần tử cơ hội, "đục nước béo cò" gây rối trong nội bộ sẽ sớm bị phát hiện, nhất định chúng ta phải có những phương pháp xử lý thích đáng với những phần tử đó.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

>> Kỳ sau: Càng lên cao mà "ngã ngựa" thì càng thiệt thòi cho Đảng

Song Đào
Minh Khánh
Việt Hùng
22/05/2020 00:00