• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhật Bản "đứng ngồi không yên" khi sức mạnh Nga, Trung nhảy vọt

Thế giới 19/12/2018 11:23

(Tổ Quốc) - Sức ép phát triển quân sự của Nga và Trung Quốc khiến Nhật Bản phải có những bước đi riêng.

Nhật Bản sẽ tăng tốc chi tiêu cho các máy bay chiến đấu tàng hình tiên tiến, tên lửa tầm xa và các thiết bị khác trong năm năm tới để hỗ trợ lực lượng Hoa Kỳ đối mặt với quân đội Trung Quốc ở Tây Thái Bình Dương, hai văn bản quốc phòng mới của chính phủ nước này cho biết.

Các kế hoạch này là tín hiệu rõ ràng nhất cho thấy tham vọng trở thành cường quốc khu vực của Nhật Bản khi Trung Quốc đăng tăng cường phát triển quân đội và một nước Nga đang trỗi dậy đang gây nhiều sức ép lên đồng minh Hoa Kỳ.

"Hoa Kỳ vẫn là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, nhưng các cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia đang nổi lên và chúng tôi nhận ra tầm quan trọng của việc cạnh tranh chiến lược với cả Trung Quốc và Nga khi họ đang thách thức trật tự khu vực", một bản đề cương chương trình quốc phòng 10 năm được chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe phê duyệt ngày 18/12 cho biết.

Nhật Bản đứng ngồi không yên khi sức mạnh Nga, Trung nhảy vọt - Ảnh 1.

Nhật Bản cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận song phương, đa phương với Mỹ. (Nguồn: Reuters)

Hoa Kỳ, tiếp theo là Trung Quốc, Triều Tiên và Nga, là những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất đến tư duy quân sự mới nhất của Nhật Bản, văn bản này cho biết.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, đang triển khai nhiều tàu và máy bay tuần tra vùng biển gần Nhật Bản, trong khi Triều Tiên vẫn chưa thực hiện cam kết dỡ bỏ các chương trình hạt nhân và tên lửa.

Nga, nước tiếp tục thăm dò các tuyến phòng không của Nhật Bản, hôm thứ Hai cho biết họ đã xây dựng các doanh trại mới cho quân đội trên một hòn đảo phía bắc. Hòn đảo này vẫn nằm trong vùng tranh chấp giữa Nhật Bản và Nga.

Tăng thêm máy bay chiến đấu tàng hình

Nhật Bản có kế hoạch mua 45 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 của Lockheed Martin Corp, trị giá khoảng 4 tỷ USD, cùng với 42 chiếc máy bay đã được đặt hàng trước đó, theo kế hoạch mua sắm 5 năm riêng được phê duyệt hôm thứ ba.

Các máy bay mới sẽ bao gồm 18 máy bay F-35B STOVL - loại cất cánh khoảng cách ngắn và đáp thẳng xuống mà các nhà hoạch định muốn triển khai trên các đảo của Nhật Bản dọc theo bờ Biển Hoa Đông. Hai loại tàu khu trục chở trực thăng của hải quân Nhật Bản, Izumo và Kaga, sẽ được điều chỉnh để phù hợp với hoạt động của F-35B, văn bản trên cũng cho biết.

Các tàu lớp Izumo dài 248 mét có kích thước lớn như các hàng không mẫu hạm của Nhật Bản trong Thế chiến II.

Các tàu này sẽ cần tăng cường mặt sàn để đáp ứng được sức nóng của động cơ F-35 khi hoạt động và có thể được trang bị các đoạn đường dốc để hỗ trợ cất cánh ngắn, hai quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản nói với Reuters.

Tháo gỡ mối đe dọa chiến tranh thương mại?

Thương vụ F-35 mới cũng có thể giúp Nhật Bản đảo chiều một cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, người đã đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu ô tô Nhật Bản, đã gửi lời cảm ơn đến ông Abe vì đã mua các máy bay F-35 khi hai người gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh G20 vừa qua ở Argentina.

Các thiết bị khác do Mỹ sản xuất trong danh sách mua sắm của Nhật Bản bao gồm hai radar phòng không Aegis trên đất liền để phòng thủ chống lại tên lửa của Triều Tiên, bốn máy bay tiếp nhiên liệu Boeing Co KC-46 Pegasus để mở rộng phạm vi hoạt động cho máy bay Nhật Bản và 9 chiếc máy bay cảnh báo sớm Northrop Grumman E-2 Hawkeye.

Nhật Bản có kế hoạch chi 25,5 nghìn tỷ yên (tương đương 224,7 tỷ USD) cho các thiết bị quân sự trong 5 năm tới, cao hơn 6,4% so với kế hoạch 5 năm trước đó. Việc cắt giảm chi phí các hạng mục khác sẽ giải phóng thêm 2 nghìn tỷ yên cho các giao dịch mua sắm khi tài, văn bản về quá trình mua sắm cho biết.

Nhật Bản chỉ dành khoảng 1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng, nhưng quy mô nền kinh tế lớn đồng nghĩa là nước này đang có một trong những lực lượng quân đội lớn nhất thế giới.

"Ngân sách đang gia tăng và đã và đang có một sự tăng tốc triển khai khả năng (quân sự -pv) càng sớm càng tốt", Robert Morrissey, người đứng đầu chi nhánh Raytheon tại Nhật Bản, cho biết trong tháng này.

Cảnh giác với những cam kết về việc sẽ từ bỏ phát triển tên lửa đạn đạo từ phía Triều Tiên, quân đội Nhật Bản đang mua thêm tên lửa đánh chặn tầm xa Raytheon SM-3 để đánh chặn đầu đạn của đối phương trong không gian.

Các văn bản về chính sách quốc phòng này cũng đánh giá các mối đe dọa quân sự phi truyền thống. Một đơn vị không gian mạng liên quân mới sẽ tăng cường phòng thủ của Nhật Bản trước các cuộc tấn công mạng. Việc tăng cường khả năng tác chiến điện tử cũng đang được lên kế hoạch.

Không quân Nhật Bản cũng sẽ có được đơn vị không gian đầu tiên của mình nhằm không bị tụt hậu quá xa so với các đối thủ tiềm năng ở trên bầu khí quyển Trái đất.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ