• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

'Nhiệm vụ thế kỷ' của ngành hàng không: Vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 đến mọi ngõ ngách của thế giới!

Chuyện kinh doanh 30/11/2020 14:58

(Tổ Quốc) - Ước tính cần 8.000 máy bay chở hàng Boeing 747 trong vòng 2 năm để vận chuyển 14 tỷ liều vắc xin đi khắp thế giới.

Bên trong một nhà kho đông lạnh tại sân bay Frankfurt, Đức, hãng hàng không Lufthansa đang chuẩn bị đội bay cho nhiệm viện vận chuyển hàng triệu liều vắc xin giúp chấm dứt đại dịch Covid-19 trên toàn cầu. 

Lufthansa là một trong những hãng bay chở hàng lớn nhất thế giới. Họ đã lên kế hoạch vận chuyển vắc xin kể từ tháng 4 khi mà vắc xin của các hãng từ Pfizer, Moderna đến AstraZeneca đang được phát triển với tốc độ kỷ lục.

Một nhóm gồm 20 người được thành lập để tìm cách tối ưu khả năng vận chuyển hàng của Boeing 777 và MD-11, cũng như các máy bay chở khách lớn hiện chỉ vận hành với 25% công suất. "Câu hỏi hiện tại là chúng tôi sẽ tăng quy mô bằng cách nào", Thorsten Braun – người phụ trách vấn đề này tại Lufthansa cho biết.

Hàng không là ngành hứng chịu thiệt hại nặng nề nhất vì dịch Covid-19 chính vì vậy, họ đóng vai trò tích cực trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch, bằng cách chuyên chở hàng tỷ lọ vắc xin đến mọi ngóc ngách của thế giới. 

Nhiệm vụ thế kỷ của ngành hàng không: Vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 đến mọi ngõ ngách của thế giới! - Ảnh 1.

Được đánh giá là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ, các hãng hàng không còn chứng kiến những khó khăn hơn nữa trong bối cảnh phải cắt giảm mạnh tay đường bay, nhân sự và bán bớt phi cơ để tồn tại trong cuộc khủng hoảng đang khiến lưu lượng di chuyển bằng đường hàng không toàn cầu giảm 61% năm nay.

"Đây sẽ là nhiệm vụ logistics lớn nhất và phức tạp nhất đến nay. Cả thế giới đang trông chờ vào chúng tôi", Alexandre de Juniac – Giám dốc Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) nhận định. 

IATA ước tính cần đến năng lực chuyên chở của 8.000 máy bay chở hàng Boeing 747 trong vòng 2 năm để vận chuyển 14 tỷ liều đi khắp thế giới, tương đương mỗi người nhận được hai liều vắc xin. Việc này khá khó khăn khi một phần ba máy bay chở khách toàn cầu vẫn đang xếp xó, theo số liệu của Cirium.

Dưới đây là những thách thức lớn nhất mà các hãng bay phải vượt qua:

Công suất chở hàng

Theo thống kê hiện thế giới có khoảng 2.000 máy bay chở hàng đang hoạt động, chuyên chở nửa số hàng hóa di chuyển bằng đường hàng không. Số hàng còn lại được kết hợp trong 22.000 máy bay chở khách.

Dù các máy bay chở hàng vẫn đầy chật hàng hóa, tổng khối lượng chở hàng năm nay lại giảm, do máy bay chở khách ít hoạt động. Các hãng bay đã cải tạo khoảng 2.500 máy bay chở khách thành chở hàng. Tuy nhiên, nhiệm vụ phân phối vắc xin sẽ dễ dàng hơn nếu họ vẫn đang bay với tần suất bình thường đến các địa điểm trước đây.

Chưa kể đến việc, hoạt động vận chuyển vắc xin lại diễn ra đúng cao điểm chở hàng mọi năm của ngành hàng không, khi mùa mua sắm online dịp Giáng sinh bắt đầu.

Nhiệm vụ thế kỷ của ngành hàng không: Vận chuyển vắc xin phòng Covid-19 đến mọi ngõ ngách của thế giới! - Ảnh 2.

Tỷ lệ máy bay đang nằm không ở các châu lục khác nhau.

Pfizer lên kế hoạch vận chuyển 1,3 tỷ liều vắc xin từ giờ đến cuối năm sau. Moderna sẽ sản xuất 500 triệu liều. AstraZeneca cũng sẽ xuất xưởng 2 tỷ liều, một nửa trong số này dành cho các nước thu nhập thấp và trung bình.

Dennis Lister – Phó giám đốc phụ trách hàng hóa tại Emirates cho biết: "Điều chúng ta phải làm hiện tại là nhanh chóng giúp thế giới về lại trạng thái bình thường. Để làm được điều này, chúng ta cần vận chuyển vắc xin đến những người cần nó, để mọi người bay trở lại".

Dù vậy, rất nhiều máy bay trên thế giới đang xếp xó do lệnh đóng cửa biên giới của các nước. Theo Glyn Hughes – Giám đốc phụ trách vận chuyển hàng hóa tại IATA, để các máy bay cất cánh trở lại, các chính phủ nên mở cửa ngành hàng không.

Khả năng đông lạnh sâu

Với đặc thù của mỗi loại vắc xin, các hãng bay cũng phải đối mặt với những thách thức riêng biệt. Ví dụ như vắc xin của Pfizer-BioNTech cần được bảo quản ở nhiệt độ -70 độ C. Hai công ty này đang lên kế hoạch dùng cảm biến theo dõi vị trí và nhiệt độ của mỗi lô vắc xin.

Khi đến nơi, số vắc xin này có thể được bảo quản trong các tủ đông có nhiệt độ siêu thấp để giúp kéo dài tuổi thọ lên tới 6 tháng, trong tủ lạnh ở bệnh viện với nhiệt độ 2-8 độ C trong 5 ngày, hoặc trong thiết bị đặc biệt của Pfizer. Một khi bị tan ra, số lọ vắc xin này sẽ không thể làm đông trở lại.

Yêu cầu này đòi hỏi kiểm soát chặt nhiệt độ từ nhà máy đến phòng khám và tất cả các nơi trung chuyển. Gần như không máy bay nào đủ khả năng giữ lạnh ở nhiệt độ thấp như vậy. Vì thế, các hãng sẽ phải dựa vào container chuyên dụng của Pfizer.

Hiện tại, theo tờ Bloomberg tìm hiểu, United Airlines Holdings đã chuẩn bị các chuyến bay để sẵn sàng cho việc phân phối vắc xin Pfizer ngay khi nhận được giấy phép. Delta Air Lines và American Airlines Group cũng là hai trong các hãng bay Mỹ cho biết sẵn sàng vận chuyển vắc xin của Pfizer.

American có cả container kiểm soát được nhiệt độ và dụng cụ như đá khô, túi giữ lạnh. Còn Delta gần đây cũng chấp thuận sử dụng container kiểm soát thời tiết của Opticooler RAP và tăng tỷ lệ đá khô được dùng trên khoang. Tuy nhiên cách đóng gói này cũng đồng nghĩa chỗ trống để chứa các kiện vắc xin cũng giảm đi.

Lưu trữ

United Parcel Service (UPS) đã xây cơ sở ở Mỹ và Hà Lan với tổng cộng 600 tủ lạnh sâu, mỗi tủ có thể chứa 48.000 liều ở nhiệt độ -80 độ C. FedEx thì bổ sung tủ đông và xe tải có giữ lạnh, đồng thời cam kết giải phóng nhiều chỗ trống nhất có thể, cả trên không và dưới mặt đất, để chuyên chở vắc xin.

Các hãng vận chuyển đã có kinh nghiệm chuyên chở vắc xin cúm và các loại mẫu y tế ở nhiệt độ thấp. Cả UPS và FedEx đầu năm nay đã đưa hàng tấn thiết bị y tế đến Mỹ khi nước này thiếu thốn. Kể từ đó, họ vẫn hợp tác với các hãng dược và quan chức chính phủ để sẵn sàng chuyên chở vắc xin.

Cung cấp cho người nghèo

Tháng này, Unicef đã liên lạc với 40 hãng bay để lên kế hoạch chuyên chở vắc xin tới 92 nước nghèo nhất thế giới. PT Garuda Indonesia tháng trước đã được chấp thuận chở vắc xin đi khắp nước này. Indonesia là một trong những nước đối mặt với thách thức lớn nhất thế giới về phân phối vắc xin, do 273 triệu người phân bố rải rác ở các đảo. Singapore – quốc gia thân cận với một số nước thuộc nhóm nghèo nhất châu Á, cũng được gợi ý tham gia quá trình này.

Công đoạn cuối cùng

Dĩ nhiên, việc vận chuyển không chỉ liên quan đến mỗi máy bay. Ôtô, xe bus, xe tải, thậm chí là xe máy, xe đạp cũng cần để đưa vắc xin đến nơi xa xôi. Ở một số địa điểm có thể phải đi bộ. Và không phải nơi nào cũng đảm bảo được nhiệt độ.

IATA cho rằng điều này sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề, từ làm giả đến can thiệp vào quá trình phân phối. Dominic Kennedy – Giám đốc vận chuyển hàng hóa tại Virgin Atlantic Airways cho biết các hãng dược đã yêu cầu bảo vệ vắc xin từ đầu đến cuối quy trình.

De Juniac thì khẳng định cả ngành hàng không đã sẵn sàng cho nhiệm vụ thế kỷ này: "Chúng tôi sẽ không làm thế giới thất vọng".

Vân Đàm

NỔI BẬT TRANG CHỦ