• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều Bộ, ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp “sân sau”

Kinh tế 28/05/2018 10:49

(Tổ Quốc) - Sáng nay (28/5), Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Cả nước còn 583 DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Cuối 2016 cả nước còn 583 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 273 doanh nghiệp cổ phần.

Tổng tài sản tại doanh nghiệp Nhà nước giữ 100% là hơn 3,05 triệu tỷ đồng (tăng 45,8%), trong đó vốn Nhà nước gần 1,4 triệu tỷ. Hầu hết các doanh nghiệp đều có lãi và số lãi tăng; có những tập đoàn tỷ suất lợi nhuận cao như Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông quân đội (Viettel) là 43,5%, Tập đoàn Cao su Việt Nam là 30,4%, Tổng công ty Mía đường là 29,9%...

Qua 11 năm triển khai bán vốn nhà nước, công tác bán vốn của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) từng bước được chuẩn hóa và mang tính chuyên nghiệp, đến 30/9/2017 kết quả bán vốn thu được gấp 3,4 lần giá vốn. 

Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa DNNN giai đoạn 2011-2016 cho thấy, hiệu quả hoạt động của DNNN giai đoạn này chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ, tổng tài sản và vốn tăng nhưng doanh thu, lợi nhuận trước thuế và nộp NSNN có tốc độ tăng chậm (bình quân 3%/năm), tổng số nợ phải trả cao, tăng 26% so với năm 2011; chưa thực sự phát huy được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế…

Tình trạng lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai, tài sản... diễn ra phức tạp; tình trạng đấu thầu hình thức chưa được ngăn chặn hiệu quả; công tác quản lý tài sản công thiếu chặt chẽ. Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, triệt để nhằm phát hiện và xử lý kịp thời.

“Trong quản lý, sử dụng đất của các DNNN, còn trường hợp chưa kê khai đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không đưa đất vào sử dụng, sử dụng đất không đúng mục đích, để đất bị lấn, chiếm”, báo cáo nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng cho thấy, việc cơ cấu lại một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, thu hồi vốn của Nhà nước từ các dự án đầu tư không hiệu quả còn chậm, hậu quả nghiêm trọng. Việc công khai thông tin trong DNNN còn hạn chế, không kịp thời, thiếu minh bạch, mang tính hình thức.

Quá trình quản lý vốn Nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty chưa triệt để tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính Nhà nước; quyền chủ sở hữu và chủ động kinh doanh của doanh nghiệp cũng chưa bóc tách rõ ràng; chưa có đầu mối chịu trách nhiệm chính việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước...

"Ở một số doanh nghiệp Nhà nước làm ăn thua lỗ, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu thấp hơn chi phí vay vốn trung bình của các tổ chức tín dụng, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản cao. Tại một số doanh nghiệp Nhà nước còn xảy ra tình trạng tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, làm thất thoát tài sản Nhà nước, buộc phải xử lý cán bộ vi phạm mắc sai phạm", báo cáo nêu.

Có hiện tượng 'bộ không muốn rời xa doanh nghiệp sân sau'?

ĐB Hoàng Quang Hàm (đoàn Phú Thọ)

Trong phần thảo luận, ĐB Leo Thị Lịch (đoàn Lạng Sơn) đề cập đến tình trạng chậm thực hiện việc tách chức năng đại diện chủ sở hữu Nhà nước của các Bộ.

"Nhiều Bộ ngành không muốn rời xa các doanh nghiệp vốn được coi là sân sau. Đây là biểu hiện của lợi ích nhóm hay nguyên nhân dẫn tới nhóm lợi ích khi một số cơ quan quản lý Nhà nước vừa “đá bóng, vừa thổi còi”, bà đặt vấn đề.

Cũng theo ĐB này, bảo toàn vốn doanh nghiệp Nhà nước hiện vẫn chỉ bảo tồn vốn, tài sản trên sổ sách còn giá trị thực tế giảm nhiều lần, có đơn vị gần như mất hết. Bà đề nghị, chính sách khấu hao cần nghiên cứu lại để "vốn bỏ ra tương đương một chiếc ôtô thì 10 năm sau vốn đó vẫn phải đủ giá trị mua chiếc xe tính năng tương đương".

Nhiều ĐB cảnh báo các lỗ hổng về quản lý đất đai sau CPH gây thất thoát, lãng phí. ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, Chính phủ cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ các bộ ngành, địa phương khi phê duyệt phương án sử dụng đất khi CPH, không để xảy ra sai phạm khi phê duyệt phương án sử dụng đất hoặc để xảy ra tình trạng sau CPH, DN cổ phần chuyển đổi mục đích sử dụng đất không phù hợp, không đúng quy định như “kinh doanh bất động sản, xây nhà ở, xây chung cư thương mại kiếm lời” gây phương hại, thất thoát tài sản của nhà nước.

Dẫn báo cáo của Đoàn giám sát, ĐB Nguyễn Minh Sơn - Phó chủ nhiệm UB kinh tế cho biết, tính đến tháng 12/2016 có 18 tập đoàn, Tổng công ty 100% vốn nhà nước đầu tư ra nước ngoài, thực hiện đầu tư 110 dự án với hơn 7 tỷ USD; chủ yếu tập trung trong các lĩnh vực: viễn thông, thăm dò khai thác dầu khí, trồng cây cao su, khai thác khoáng sản. Trong đó, hơn 25% dự án báo lỗ, gần 30% lỗ lũy kế, 46% dự án không có báo cáo doanh thu lợi nhuận.

ĐB Nguyễn Minh Sơn nhận xét, nội dung của báo cáo trên còn đơn giản, chưa lột tả được bức tranh đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp nhà nước. Vì vậy, đại biểu đề nghị báo cáo cần làm rõ ngành, lĩnh vực nào lỗ, lại, các quốc gia doanh nghiệp nào đầu tư, những vướng mắc...

Về cổ phần hóa doanh nghiệp, ĐB Nguyễn Minh Sơn cũng nhận định, xử lý đất đai và xác định giá trị đất là vấn đề được quan tâm nhất trong quá trình kiểm toán thời gian qua.Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước hầu hết các Tổng công ty, Tập đoàn khi cổ phần hóa 2011-2015 đều không tính được giá trị lợi thế quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, một số doanh nghiệp có diện tích đất lớn, vị trí đắc địa nhưng không tính giá trị quyền thuê đất vào giá khởi điểm để đấu giá, thì giá trúng trong phiên đấu giá cao hơn nhiều so với giá khởi điểm.

ĐB Nguyễn Minh Sơn lấy ví dụ như “công ty Khách sạn Kim Liên giá khởi điểm hơn 30.000 đồng, giá trúng là gần 300.000 đồng, Công ty Ong Trung ương  giá khởi điểm 15.000 đồng, giá trúng hơn 160.000 đồng…”./.

Hà Giang

 

 

 

 

 

 

NỔI BẬT TRANG CHỦ