• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng phụ huynh nghèo vẫn phải gửi con

Giáo dục 29/11/2019 07:53

(Tổ Quốc) - Thông tin tại Hội thảo quốc gia Chính sách phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất và góp ý dự thảo nghị định chính sách phát triển GDMN diễn ra sáng 28/11, tại TP. Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực phối hợp Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GDĐT), Sở GDĐT TP. Hồ Chí Minh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng tổ chức.

Tại Hội thảo, đại diện Vụ GDMN cho biết, GDMN nói chung, GDMN ở các khu vực có KCN-KCX nói riêng đã có nhiều phát triển về quy mô và chất lượng chăm sóc trẻ. Đặc biệt là từ khi có Chỉ thị 09 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã có những giải pháp thiết thực giải quyết vấn đề trường lớp ở địa bàn có KCN-KCX.

Tuy nhiên, phát triển dân số cơ học ở các địa bàn có KCN-KCX quá lớn nên sự phát triển trường lớp mầm non ở khu vực này chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ. Công nhân, người lao động nghèo phải gửi con ở các cơ sở GDMN kém chất lượng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho trẻ. Theo Vụ trưởng Vụ GDMN, thời gian qua, tìm giải pháp phát triển giáo dục mầm non ở khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất trở thành vấn đề cần thiết.

Các đại biểu tập trung thảo luận về chính sách phát triển GDMN ở khu vực có KCN-KCX; thực trạng và giải pháp nhằm đẩy mạnh xã hội hóa GDMN tại các địa phương có KCN-KCX; thực trạng và giải pháp phát triển đội ngũ giáo viên MN ở khu vực có KCN-KCX.

Nhiều đại biểu đồng tình với quan điểm cần đẩy mạnh xã hội hóa trong GDMN nói chung và GDMN ở các địa bàn có KCN-KCX nói riêng. Theo đó, cần có chính sách cụ thể, cơ chế đặc thù cho phát triển GDMN ở KCN-KCX để địa phương thực hiện hiệu quả, giải quyết nút thắt về quỹ đất cho GDMN và các vấn đề liên quan đến quyền lợi của doanh nghiệp tại các KCN-KCX khi đầu tư cơ sở GDMN.

Nhiều cơ sở giáo dục mầm non tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn nhưng phụ huynh nghèo vẫn phải gửi con - Ảnh 1.

Tại nhóm trẻ tư thục Ánh Sao Vàng (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh, TPHCM) từng xảy ra vụ việc cô giáo đánh trẻ (ảnh: GD&TĐ)

Theo thống kê sơ bộ, cả nước hiện có khoảng 260 KCN-KCX đang hoạt động với 2,8 triệu lao động, gần 70% là lao động nữ, với 97,9% trong độ tuổi từ 18-40, tức độ tuổi sinh sản. Tuy nhiên chỉ có 112 trường MN trong KCN-KCX. Đa phần con em công nhân, người lao động đều gửi trẻ ở các nhóm trẻ tư thục, độc lập, nhiều nhóm trẻ còn chưa được cấp phép.

Từ đó cho thấy, việc xây dựng nhà trẻ, trường MN cho con công nhân tại các KCN, KCX là nhu cầu bức thiết. Có nhà trẻ, mẫu giáo an toàn cho các con không chỉ đem đến sự yên tâm cho người lao động, cho sự phát triển của doanh nghiệp, mà còn góp phần bảo đảm chất lượng nguồn nhân lực tương lai của đất nước.

Để giải quyết vấn đề này, không thể chỉ trông chờ vào các doanh nghiệp, mà cần có sự quan tâm hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách phù hợp giữa chế độ nghỉ thai sản và quy định về độ tuổi nhận trẻ vào các trường mầm non, tạo điều kiện cho công nhân gửi con vào những cơ sở giáo dục mầm non đạt yêu cầu, bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho mọi trẻ em.

Bên cạnh vấn đề chung về chính sách, Hội thảo cũng dành thời gian để các đơn vị, địa phương như Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai... các nhà đầu tư, doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn trong quá trình thực hiện việc phát triển GDMN ở KCN-KCX.

Cũng tại Hội thảo, các đại biểu đã đóng góp ý kiến vào dự thảo Nghị định về quy định chính sách phát triển GDMN.

P.A

NỔI BẬT TRANG CHỦ