• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia tài chính 4.0 chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

Kinh tế 11/10/2021 11:56

(Tổ Quốc)- Thời gian qua, mặc dù đã được cảnh báo nhiều nhưng vẫn có hàng trăm nhà đầu tư bị mất nhiều tỷ đồng do tham gia vào bẫy đầu tư tài chính 4.0. Nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia đang hoành hành, đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh nợ nần, trắng tay.

Lừa đảo thách thức công an

Thời điểm này, nước mắt của chị Lê Thị Mai Hương (Thanh Hóa) cũng chẳng còn để mà khóc. Ôm đứa con mới chỉ 6 tháng tuổi vào lòng, nếu không nghĩ về con trong một giây phút nghĩ quẩn chị Hương đã nghĩ đến chuyện tự tử.

“Khi em viết dòng này cũng là lúc em đã mất trắng 1 tỷ đồng. Đây là số tiền dành dụm của hai vợ chồng, dự định năm nay sẽ xây cất căn nhà khang trang đón bố mẹ về ở. Nhưng giờ đây em đã mất trắng rồi. Em chưa nói chuyện này với chồng. Em chỉ nghĩ đến chuyện tự tử thôi”, chị Hương tâm sự.

Ba tháng trước, chị Hương vẫn chỉ ở nhà nội trợ và chăm con. Do mới sinh nên mọi gánh nặng kinh tế đè lên vai chồng.

Chồng chị lại đi làm xa, ít khi về nên ở nhà chị được tự chủ cầm số tiền tích góp của hai người lên đến 1 tỷ đồng.

Một ngày, chị Hương tham gia vào nhóm bà mẹ nuôi con thì đọc được dòng thông báo hướng dẫn kiếm mỗi ngày hàng triệu đồng rất phù hợp với những ai ở nhà, không muốn lao động vất vả.

Thấy hấp dẫn, chị Hương kết bạn với một người là Trịnh Minh Tuấn qua tài khoản zalo thì được người này hướng dẫn tham gia một ứng dụng có tên là Anphabe.

Nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia tài chính 4.0 chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 1.

Giao diện app Anphabet lừa đảo của chị Hương 1 tỷ đồng

Thời gian đầu, chị Hương kiếm được khoảng 2 triệu cho 3 ngày đầu tiên tham gia ứng dụng này.

Thấy có lãi, chị tin tưởng nạp thêm 30 triệu đồng để tham gia dự án do Tuấn giới thiệu. Tuy nhiên chỉ sau khoảng 3 tiếng đồng hồ, tài khoản của chị đã bị cháy hoàn toàn.

Chị tiếp tục nạp thêm 200 triệu đồng, trích từ số tiền tiết kiệm của hai vợ chồng để nạp vào app. Số tiền này cũng cháy chỉ trong vòng 2 ngày.

Lần đầu tôi tham gia chỉ cho vui với hy vọng kiếm được mỗi ngày 1-2 triệu nuôi con. Ai ngờ mình chơi thua lỗ hoài, đầu tiên là 20 triệu rồi 200 triệu. Cứ thế tôi chuyển khoản cho Trịnh Minh Tuấn nhờ người này nạp tiền hộ.

Đến thời điểm này số tiền đã lên đến cả tỷ đồng. Tôi mất trắng toàn bộ tiền tích góp của hai vợ chồng. Không những thế tên Tuấn còn tiếp tục dụ dỗ tôi nạp thêm tiền vào app Anphabe”, chị Hương giãi bày.

Không những mất tiền, chị Hương còn bị nhóm đối tượng này lớn tiếng thách thức.

Cụ thể, khi nhận thấy app Anphabe có dấu hiệu lừa đảo, tài khoản cháy liên tục, chị đã liên hệ với Trịnh Minh Tuấn với hy vọng lấy lại được vốn thì người này thách thức chị báo công an.

“Anh ta nói là có giỏi thì đi mà báo công an. Sau này em mới biết đây đều là những tài khoản ngân hàng giả, zalo, facebook cũng là giả hết. Họ làm một nhóm lừa đảo có liên hệ với sàn BitFex đã bị sập trước đây.

Hành vi của chúng hết sức táo tợn và coi thường pháp luật. Tôi đã làm đơn gửi công an và thuê luật sư với mong muốn là bóc trần ổ nhóm đa cấp lừa đảo này và đưa ra pháp luật”, chị Hương cho biết.

Nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia tài chính 4.0 chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 2.

Nhóm lừa đảo hoành hành khiến hàng trăm gia đình nợ nần, tán gia bại sản

Mong pháp luật mạnh tay

Cũng là nạn nhân của nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia tài chính 4.0, anh Nguyễn Văn Thắng giải thích về thủ đoạn lừa đảo của nhóm đối tượng này: “Trong nhóm của chúng đều là người họ cài vào để tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Những người này sẽ khoe lợi nhuận, khoe tài sản cốt là để chúng tôi tin.

Nhà đầu tư bị lôi kéo tham gia chuyên án. Bọn chúng sẽ làm hợp đồng và hứa bảo toàn vốn 100%.

Nhưng đến khi nạp tiền vào họ sẽ nói dữ liệu không ổn và yêu cầu nhà đầu tư tiếp tục chuyển khoản vào. Nếu không chuyên án hỏng, họ sẽ không chịu trách nhiệm.

Khi nhà đầu tư yêu cầu rút tiền, dịch vụ khách hàng sẽ vẽ ra lý do là số tiền nạp vào vượt quá chuyên án là 120 triệu đồng và yêu cầu phải đóng thêm tiền mới được giải ngân.

Nhưng đến khi nhà đầu tư đóng xong tiền, chúng sẽ chặn tất cả tài khoản mạng xã hội. Nhà đầu tư mất trắng tiền mà không biết làm cách nào để đòi lại”.

Theo Luật sư Diệp Năng Bình, đoàn luật sư thành phố Hà Nội, đối với các công ty, tổ chức môi giới, trong trường hợp chưa được cấp phép mà vẫn hoạt động sẽ bị phạt tiền từ 300 - 500 triệu đồng về hành vi hoạt động ngoại hối mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ.

Trường hợp các cá nhân, nhân viên môi giới hay các sàn BO sử dụng các chiêu trò gian dối, khiến nhà đầu tư mất tiền, những người này có thể bị xử lý hình sự với mức án lên tới 20 năm tù.

Cụ thể, các hành vi đưa ra thông tin gian dối được liệt kê trong các trường hợp này như: lời nói, nhắn tin, cung cấp tài liệu giả, bằng hành động.

Ví dụ, các nhân viên cung cấp giấy tờ giả để chứng minh là sàn BO có giấy phép, hoặc nhắn tin, viết email trình bày là kinh doanh ngoại tệ qua sàn BO có giấy phép hoạt động tại Việt Nam...

Nhóm lừa đảo đội lốt chuyên gia tài chính 4.0 chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng - Ảnh 3.

Đã đến lúc pháp luật cần mạnh tay diệt trừ kiểu lừa đảo này

“Thủ đoạn và hành vi chiếm đoạt tài sản của nhóm đối tượng BITFEX tương đối rõ ràng.

Nhóm đối tượng này sẽ quảng cáo hấp dẫn thu hút, lôi kéo nhà đầu tư. Khi nhà đầu tư nạp tiền vào, chúng sẽ đánh sập sàn, không cho rút tiền.

Do vậy nhà đầu tư cần cảnh giác khi tham gia các sàn giao dịch trái phép kiểu này”, luật sư Diệp Năng Bình cho biết.

Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương cho biết, Nghị định 40/2018 do Chính phủ ban hành về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp quy định: mọi hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp với đối tượng không phải là hàng hóa đều bị cấm (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác).

Vì vậy, các sàn đầu tư tài chính BITFEX đều không được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của nghị định trên.

Do đó, các tổ chức, cá nhân tham gia, vận động người tham gia đầu tư thông qua các sàn đầu tư tài chính này đều có thể bị xử lý hình sự, với mức phạt lên đến 5 tỉ đồng hoặc 5 năm tù giam theo điều 217a Bộ luật hình sự về tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Trường hợp phạm tội có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý theo Điều 174 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Vũ Ninh

NỔI BẬT TRANG CHỦ