• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Nhốt mình" trong bóng tối Bắc Cực hàng tháng trời, giờ đây hơn 40 nhà khoa học quốc tế không có nơi trở về vì COVID-19

Thế giới 30/03/2020 17:30

(Tổ Quốc) - Sau nhiều tuần sống và làm việc trong môi trường gần như cách li tại Bắc Cực, một nhóm các nhà khoa học bất ngờ không thể về quê nhà vì đại dịch COVID-19.

Vào thời điểm một nhóm 43 nhà khoa học khởi hành tới Bắc Cực vào đầu tháng 12, chưa một ai biết tới loại virus mới gây ra các triệu chứng giống như bệnh viêm phổi tại thành phố Trung Quốc Vũ Hán. Cùng lúc các trường hợp lây nhiễm ngày một gia tăng và giường bệnh bắt đầu được lấp đầy thì họ cũng bắt đầu trải qua một mùa đông Bắc cực tăm tối và lạnh lẽo khi mà nói chuyện qua video và điện thoại đều trở nên bất khả thi.

Sau 4 tháng gần giống như cách ly hoàn toàn, các nhà khoa học lên đường quay trở về một thế giới đang bị biến đổi hoàn toàn vì đại dịch COVID-19. Các trường đại học của họ bị đóng cửa, đồng nghiệp bị xác định dương tính. Và điều khẩn cấp nhất là họ không biết trở về nơi nào.

Cảng biển nơi họ sẽ cập bến theo kế hoạch ban đầu, Tromso ở bắc Na Uy, đã đóng cửa sau khi chính phủ Na Uy áp dụng một loạt hạn chế đối với các du khách nước ngoài nhập cảnh quốc gia này. Những người đứng đầu nhóm chuyên gia đang tìm kiếm một cảng biển sẽ chấp nhận cho các nhà nghiên cứu nhập cảnh và từ đó lên máy bay về nhà ở 8 nước khác nhau.

"Đó là một thách thức to lớn", ông Markus Rex, người đứng đầu nhóm Quan sát về các nghiên cứu của Bắc Cực (MOSAiC) nói. Dự án kéo dài một năm có tổng chi phí lên tới 150 triệu USD trong đó, khoảng 300 nhà khoa học thay phiên nhau sống và làm việc trên con tàu nghiên cứu Polarstern. Đâu cũng là cuộc thám hiểm Bắc Cực lớn nhất trong lịch sử và đã được lên kế hoạch trong hơn một thập kỷ.

"Nhốt mình" trong bóng tối Bắc Cực hàng tháng trời, giờ  đây hơn 40 nhà khoa học quốc tế không có nơi trở về vì COVID-19 - Ảnh 1.

Tàu nghiên cứu Polarstern là nơi sinh sống và làm việc của hơn 600 nhà khoa học tại Bắc Cực trong dự án MOSAiC (ảnh: Washington Post)

43 nhà khoa học bị cấm nhập cảnh Na Uy tham gia giai đoạn tháng 1-2 của của dự án. Họ đã rời tàu Polarstern từ đầu tháng 3 để lên tàu phá băng của Nga Kapitan Dranitsyn, và chuẩn bị cập bến đất liền trong tuần này.

Ngoài ra, 54 nhà khoa học khác tham gia giai đoạn tháng 3-4 hiện vẫn đang ở tàu Polarstern. Sẽ có thêm 3 lần thay đổi nhân sự nữa từ nay cho tới tháng 9, khi dự án chính thức kết thúc.

Ít nhất, đó là kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, trong tất cả những kịch bản rủi ro mà MOSAiC dự trù, lại không bao gồm một đại dịch toàn cầu.

Mối lo ngại lớn nhất của các nhà tổ chức hiện là ngăn cản không để COVID-19 tấn công vào tàu Polarstern. Con tàu có khu cách li riêng và một bác sỹ nhưng việc cứu hộ sẽ trở nên khó khăn nếu ai đó bị ốm nặng. Cần ít nhất 3 tuần để có thể tiếp cận được con tàu bằng thuyền nhỏ và việc di tản bằng đường hàng không còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết vùng cực.

Ông Rex cho hay, tất cả các nhà nghiên cứu chuẩn bị tới tàu Polarstern sẽ được xét nghiệm COVID-19 trước khi rời quê nhà, đồng thời trải qua hai tuần cách li và sẽ được xét nghiệm một lần nữa trước khi khởi hành.

Tuy nhiên, hiện ít nhất một người có liên hệ với cuộc thám hiểm – một thành viên của nhóm khảo sát không gian trong dự án, đã được xác định dương tính với COVID-19. Các công việc của người này trong dự án đã bị hủy bỏ và mọi thành viên tham gia vào quá trình tập huấn đầu tháng 3 với anh ta đều phải cách ly trong 14 ngày.

"Nhốt mình" trong bóng tối Bắc Cực hàng tháng trời, giờ  đây hơn 40 nhà khoa học quốc tế không có nơi trở về vì COVID-19 - Ảnh 2.

Các nhà nghiên cứu tại Bắc Cực (ảnh: Washington Post)

Tuần trước, các nhà tổ chức đã hủy bỏ các chuyến bay nghiên cứu còn lại vốn được lên kế hoạch cho mùa xuân. Khảo sát trên không là hoạt động bổ sung cho các quan sát tiến hành trên tàu Polarstern nhằm giúp các nhà khoa học hiểu rõ những thay đổi trong bầu không khí tại Bắc Cực. Tuy nhiên, chiếc phi cơ đáng lẽ ra phải cất cánh từ quần đảo Svalbard, Na Uy - kể từ ngày 13/3 đã không còn được phép chở khách từ bên ngoài.

"Đó là một đồn cứ nho nhỏ của nhân loại và họ không có COVID-19 trên hòn đảo đồng thời đang làm mọi thứ để không nhập khẩu virus", ông Rex nói. Hủy bỏ các chuyến bay là điều "rất khó khăn nhưng chúng tôi phải làm vậy".

Vẫn chưa rõ làm cách nào để giúp đỡ các nhà nghiên cứu đã kết thúc nhiệm vụ còn đang trên tàu Kapitan Dranitsyn. Mặc dù các nhà khoa học chưa đặt chân lên đất liền kể từ tháng 12, nhưng một tuần trước, tàu Dranitsyn đã "gặp gỡ" một con tàu phá băng khác để lấy thêm nhiên liệu. Chính vì thế, chính quyền Na Uy e ngại COVID-19 có thể đã xuất hiện trên tàu.

Hiện ông Rex vẫn chưa rõ tàu Dranitsyn sẽ cập bến tại đâu; điều chắc chắn nhất là con tàu Nga vẫn có đủ nhiên liệu để đi tới một cảng biển châu Âu khác.

Bên cạnh đó, ông cũng phải tìm một điểm khởi hành mới cho nhóm các nhà nghiên cứu tiếp theo vào tháng 4. Do biển Bắc Cực rất khó để xác định phương hướng vào đầu mùa xuân, lần thay đổi nhân sự sắp tới dự kiến được thực hiện bằng đường hàng không, bay ra và vào Svalbard – một viễn cảnh gần như chắc chắn là bất khả thi trong tháng tới.

Các nhà tổ chức cũng đang thương lượng với một số nước khác để đưa ra một kế hoạch thay thế, bao gồm cả biện pháp để các nhà khoa học đi phà thay vì ngồi máy bay. Tuy nhiên, nhiều nước châu Âu đã cấm du khách quốc tế và sẽ rất khó có thể tìm được một địa điểm sẵn sàng chấp nhận các nhà nghiên cứu đến từ khắp nơi trên thế giới.

 

"Một điều tuyệt vời về MOSAiC là tính quốc tế", ông Matthew Shupe, một nhà khoa học về khí quyển tại Viện hợp tác Nghiên cứu Khoa học Môi trường tại Boulder, Colo chia sẻ. "Giờ đây virus xuất hiện, nó khiến chúng tôi bị tách rời và đó là một thách thức lớn cho chúng tôi". Nếu trong điều kiện bình thường, các nhà khoa học sẽ trải qua khóa huấn luyện cùng nhau trong vài tuần trước khi lên đường tới tàu Polarstern. Nhưng giờ đây họ lại phải dành thời gian đó cho cách li.

"Mọi chuyện khiến tôi rất lo lắng", ông Shupe, cũng là một điều phối viên của MOSAiC thừa nhận. "Tôi đã dành cả trái tim cho dự án trong hơn một thập kỷ qua… Giờ đây với cuộc khủng hoảng này, tôi có thể thấy rõ virus đang khiến cho sứ mệnh của chúng tôi trở nên khó khăn như thế nào".

Còn theo ông Rex, đội ngũ các nhà khoa học hiện đang có mặt tại tàu Polarstern được trang bị đủ thực phẩm và nhiên liệu để duy trì trong vài tháng nếu cần thiết. Họ cũng đã chuẩn bị để ở lại cho tới khi các lệnh hạn chế đi lại được dỡ bỏ hoặc một tàu thay thế có thể tiếp cận được họ.

Và ông cũng tự tin vào khả năng tàu Polarstern sẽ đóng neo tại Bắc Cực trong khoảng thời gian đúng với kế hoạch ban đầu.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ