Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện mỗi năm tới 13-15 tỷ USD, lấy ở đâu?

(Tổ Quốc) - Việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay gặp nhiều khó khăn, trong khi vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước cũng còn nhiều vướng mắc do các quy định liên quan đến giới hạn dư nợ cấp tín dụng, lãi suất...

Phát biểu tại Hội thảo quốc tế "Huy động vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập" tổ chức sáng ngày 24/11 tại Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho biết, năng lượng có vai trò vô cùng quan trọng đối với mỗi quốc gia và là một nhu cầu thiết yếu đối với sinh hoạt của con người. Việt Nam xác định, ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng tâm xuyên suốt trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Để xác định các quan điểm, mục tiêu và tầm nhìn, nhiệm vụ và giải pháp có tầm chiến lược đối với phát triển năng lượng quốc gia trong thời gian tới, trên cơ sở Đề án do Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp các Bộ Công Thương và các bộ, ngành xây dựng, ngày 11/02/2020, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TW về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết 55 được đánh giá là có nhiều điểm mới, có tính đột phá trong phát triển năng lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển mới của đất nước và phù hợp với xu thế của thời đại.

Nghị quyết đã xác định quan điểm "khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân tham gia phát triển năng lượng", "Thực hiện xã hội hoá tối đa trong đầu tư và khai thác, sử dụng cơ sở vật chất, dịch vụ ngành năng lượng, bao gồm cả hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh". Đồng thời, Nghị quyết cũng đề ra nhiệm vụ: nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn đặc biệt cho đầu tư phát triển ngành điện. Cho đến tháng 8/2020, các dự án nguồn điện độc lập (IPP) đã được đầu tư và vận hành có công suất khoảng 16.400 MW (chiếm 28,3% công suất đặt của toàn hệ thống) và ngày càng có xu hướng tăng lên theo tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 55.

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện 10 năm tới khoảng hơn 133 tỷ USD

Để bảo đảm thực hiện được các mục tiêu đề ra trong Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị, trong đó tổng công suất của các nguồn điện đến năm 2030 đạt khoảng 125 - 130 GW, sản lượng điện đạt khoảng 550 - 600 tỉ KWh, ngành điện cần đầu tư với quy mô rất lớn. Theo tính toán sơ bộ của Bộ Công Thương, trong giai đoạn 2021 - 2030, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện là 133,3 tỷ USD, trong đó cơ cấu giữa nguồn điện và lưới điện là 72/28; trong giai đoạn 2031 - 2045 là 184,1 tỷ USD và cơ cấu tương ứng là 74/26. Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư của Nhà nước vào các dự án điện ngày càng khó khăn, việc thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân có vai trò và ý nghĩa quan trọng.

Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư tư nhân vào ngành điện nói chung và vào các dự án điện độc lập (IPP) hiện nay còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Nguồn vốn huy động từ chủ sở hữu khó khăn do thị trường vốn chưa phát triển, khó đáp ứng các yêu cầu phát hành ra công chúng. Nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng trong nước gặp khó khăn do các dự án năng lượng đòi hỏi nguồn vốn lớn song theo Luật các tổ chức tín dụng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng của một khách hàng không vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng thương mại; tổng mức dư nợ của một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 25% vốn tự có của ngân hàng thương mại.

Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng gặp khó khăn khi phải cân đối nguồn cho vay do nguồn huy động ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn trong khi cho vay các dự án năng lượng là dài hạn. Đồng thời, lãi suất vay vốn các ngân hàng trong nước để thực hiện các dự án điện IPP còn khá cao, chưa có các chính sách khuyến khích và hỗ trợ của Nhà nước đối với các dự án năng lượng tái tạo, dẫn đến giá điện bán cao khiến các dự án khó thu xếp vốn trong bối cảnh hiện nay.

Ngoài ra, đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ngành điện cũng còn một số vướng mắc trong lĩnh vực quản lý ngoại hối như vấn đề chuyển đổi ngoại tệ, chuyển tiền thực hiện hoạt động chuẩn bị đầu tư; chuyển vốn, lợi nhuận và nguồn thu hợp pháp ra nước ngoài; chuyển nhượng vốn đầu tư, chuyển nhượng dự án đầu tư, rủi ro tỷ giá…

Gọi vốn quốc tế là cấp thiết

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn ODA với những điều kiện vay thuận lợi ngày càng hạn hẹp, cùng với đó là một số hạn chế về cơ chế, chính sách liên quan đến huy động vốn và phát hành chứng khoán trong nước đối với các dự án năng lượng, theo TS. Nguyễn Đức Hiển, việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn vốn từ những định chế tài chính, tín dụng quốc tế để đầu tư vào các dự án nguồn phát điện, nhất là các dự án nguồn phát điện độc lập là yêu cầu hết sức cần thiết.

Tuy vậy, để huy động được nguồn vốn quốc tế cho các dự án điện độc lập, đòi hỏi chúng ta phải tuân thủ các yêu cầu và luật chơi quốc tế. Đồng thời, dòng vốn quốc tế cho dù rất lớn những sẽ chỉ dịch chuyển về các quốc gia đáp ứng 3 tiêu chí: (i) có quy mô thị trường đủ lớn; (ii) khả năng sinh lời ở mức hấp dẫn; và (iii) rủi ro thấp.

Theo TS. Nguyễn Đức Hiển, rõ ràng là, với tổng mức đầu tư gần 13-15 tỷ đô la Mỹ/năm, quy mô thị trường Việt Nam là đủ sức hấp dẫn. Để tăng khả năng sinh lời và giảm rủi ro nhằm thu hút được dòng vốn quốc tế, trên bình diện quốc gia, Việt Nam cần coi trọng vai trò của xếp hạng tín nhiệm quốc gia vì thông qua đó sẽ giúp Chính phủ, định chế tài chính và doanh nghiệp khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế có thể giảm được chi phí huy động vốn. Từ đó đặt ra yêu cầu cần có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ của các cơ quan quản lý Nhà nước trong điều hành vĩ mô, nhất là về chính sách tài chính – tiền tệ và đầu tư; tiếp tục cải thiện tính công khai, minh bạch, phục vụ cho công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia; tăng cường phối hợp giữa cơ quan Việt Nam trong cung cấp thông tin và thực hiện công tác đánh giá xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng nữa là phải phát triển thị trường vốn, tránh phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng từ hệ thống ngân hàng thương mại. Nghiên cứu thực chứng đã cho thấy, có mối quan hệ cùng chiều giữa tăng trường kinh tế và thị trường vốn. Một thị trường vốn phát triển sẽ làm cho hiệu quả và năng suất cao hơn, thúc đẩy đầu tư dài hạn và sáng tạo hơn, ổn định tài chính hơn. Từ đó, thu hút vốn quốc tế cho các lĩnh vực nói chung, trong đó lĩnh vực năng lượng sẽ thuận lợi hơn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực thi để tuân thủ luật chơi quốc tế là cần phải chuẩn hóa, minh bạch theo thông lệ quốc tế về hợp đồng mua bán điện (PPA) vì đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định chi phí vốn, trong đó cần lưu ý có cơ chế chia sẻ, phân bổ rủi ro hợp lý, tránh chỉ đẩy rủi ro cho các nhà đầu tư. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hơn 70% trong số 2 nghìn tỷ USD cần thiết mỗi năm trong đầu tư cung cấp năng lượng hoặc đến từ các tổ chức do nhà nước chỉ đạo hoặc nhận được đảm bảo toàn bộ hoặc một phần doanh thu. Đối với đầu tư phát triển nguồn điện thì đảm bảo doanh thu thường được đưa ra trong Hợp đồng mua bán điện, đây là yếu tố quan trọng về tài chính dự án đối với các dự án điện độc lập (IPP).

Vấn đề tiếp theo là cơ chế về giá điện cũng cần đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, từ đó bảo đảm khả năng sinh lời cần thiết để thu hút các dòng vốn quốc tế. Thực thi sớm yêu cầu đẩy nhanh lộ trình thực hiện thị trường điện cạnh tranh, cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng tiêu thụ, cơ chế đấu thầu, đấu giá cung cấp năng lượng phù hợp, đặc biệt trong các dự án đầu tư năng lượng tái tạo, năng lượng mới; minh bạch giá mua bán điện đã nêu tại Nghị quyết 55. Cần sớm triển khai nhân rộng và có cơ chế khuyến khích thu hút vốn ngoài nhà nước đầu tư xây dựng vào hệ thống truyền tải điện quốc gia.

Theo Phó trưởng Ban kinh tế Trung ương Nguyễn Đức Hiển, nhìn chung, khả năng được ngân hàng cho vay qua các hợp đồng mua bán điện thực sự là thách thức lớn với các nước thuộc nhóm các thị trường mới nổi do có mức độ tín nhiệm tín dụng còn thấp. Vì vậy, để khơi thông được nguồn vốn quốc tế quan trọng này, Ban Kinh tế Trung ương đề nghị cần có những nghiên cứu, thảo luận cụ thể về cơ chế vận hành, các điều kiện và cách tiếp cận, thu hút dòng vốn này trên cơ sở về kinh nghiệm quốc tế kết hợp với thực tiễn tại Việt Nam.

Một số nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế đã chỉ ra rằng để đạt được tốc độ tăng trưởng nhanh hơn trong lĩnh vực điện thì các nỗ lực quan tâm của chính phủ trong việc xây dựng một khung pháp lý phù hợp là rất cần thiết, nhất là với một số vấn đề liên quan đến chính sách hỗ trợ của Nhà nước, sự tham gia của các tổ chức tài chính và tín dụng xuất khẩu, xây dựng các thỏa thuận mua bán điện phù hợp và chú trọng cơ chế nâng cao tín dụng…


H. Kim

Tin Cùng Chuyên Mục
Bài toán tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng: Đâu là giải pháp?

Bài toán tăng trưởng tín dụng cho ngân hàng: Đâu là giải pháp?

Bất chấp nhiều biện pháp để thúc đẩy, tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm 2024 vẫn ở mức rất thấp, thậm chí là tăng trưởng âm trong 2 tháng đầu. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong bối cảnh khó khăn chung vẫn có những ngân hàng ngược dòng bứt phá, ghi nhận tín dụng tăng trưởng ấn tượng.
Tin mới